NGHIÊN CỨU THỰC TẾ - HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

Thứ hai - 05/05/2025 00:19 220 0

NGHIÊN CỨU THỰC TẾ - HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH  TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

Trong không khí thiêng liêng của tháng Tư lịch sử - khi cả dân tộc Việt Nam hòa trong niềm hân hoan tưởng nhớ ngày non sông thu về một mối (30/4/1975), cũng là khi lòng người đang hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025), lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 4 năm 2024 (huyện Mường Tè) đã có chuyến nghiên cứu thực tế đầy ý nghĩa tại ba xã: Pha Mu, Mường Kim, Mường Than thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Chuyến đi diễn ra trong bốn ngày, từ ngày 26 đến ngày 29/4/2025 - quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm đối với mỗi học viên, là dịp để vận dụng lý luận vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới.
Lớp Trung cấp LLCT khóa 4 năm 2024 (huyện Mường Tè) nghiên cứu thực tế
tại xã Mường Than, huyện Than Uyên
      Gắn lý luận với thực tiễn - yêu cầu tất yếu của công tác đào tạo cán bộ
      Học tập lý luận chính trị không thể chỉ là tiếp thu trong giảng đường, trên những trang giáo trình, mà cần được “đánh thức” bởi thực tiễn sinh động của đời sống xã hội. Chuyến đi nghiên cứu thực tế của lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 4 năm 2024 là minh chứng rõ nét cho tinh thần ấy. Việc tổ chức chương trình thực tế tại ba xã vùng thấp của huyện Than Uyên thể hiện sự lựa chọn hợp lý cả về điều kiện tiếp cận, nội dung thực tiễn phong phú và cơ hội giao lưu, học hỏi sâu rộng giữa các địa phương. Ba xã được lựa chọn: Pha Mu, Mường Kim và Mường Than - không chỉ có vị trí địa lý đặc thù, mà còn là những địa bàn tiêu biểu về nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Đây là “phòng thí nghiệm” lý tưởng để các học viên kiểm chứng những kiến thức đã học, nhìn nhận rõ hơn mối quan hệ giữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với hiệu quả triển khai ở cơ sở.
      Lắng nghe - Thấu hiểu - Cảm nhận sâu sắc hơi thở cuộc sống địa phương
      Mở đầu chương trình, Đoàn nghiên cứu thực tế được lãnh đạo ba xã trực tiếp thông tin, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những con số biết nói, những câu chuyện thực tiễn giàu sức thuyết phục, những bài học từ chính cán bộ địa phương... đã giúp học viên không chỉ tiếp nhận tri thức mà còn cảm nhận được nhịp đập của đời sống chính trị cơ sở.
Đoàn nghiên cứu thực tế nghe báo cáo tình hình phát triển triển kinh tế - xã hội  
tại xã Pha Mu, huyện Than Uyên
      Tại xã Pha Mu, một địa phương đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đoàn học viên được giới thiệu các mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả như trồng cây ăn quả, cây dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái. Trong khi đó, Mường Kim – với thế mạnh lịch sử và truyền thống cách mạng - đã để lại dấu ấn sâu đậm khi đoàn đến thắp hương tại di tích lịch sử Bản Lướt. Đây là nơi ghi dấu những trang sử oai hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và là biểu tượng của tinh thần yêu nước, bất khuất của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chuyến tham quan tại vịnh Pá Khôm - một điểm du lịch sinh thái giàu tiềm năng của địa phương đã giúp học viên có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của kinh tế du lịch trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những bài học về khai thác cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế không đánh đổi giá trị bản sắc... sẽ là vốn quý cho mỗi cán bộ khi trở về công tác tại cơ sở.
Đoàn nghiên cứu thực tế nghiên cứu tại Di tích lịch sử cách mạng Bản Lướt,
xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu
      Tại xã Mường Than, một điểm nhấn trong hành trình nghiên cứu thực tế là việc tham quan mô hình nông nghiệp hàng hóa tập trung như trồng ớt chỉ thiên, chăn nuôi trâu, bò tập trung. Dưới ánh nắng tháng Tư, giữa những vườn cây ớt trĩu quả, học viên không chỉ nhìn thấy thành quả của quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất mà còn cảm nhận được sự nỗ lực vươn lên từ chính bàn tay, khối óc của người dân. Những mô hình này mang đậm hơi thở thời đại về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững - điều mà lý luận chính trị cần hướng đến khi vận dụng vào thực tiễn. Một điểm độc đáo của chương trình nghiên cứu thực tế lần này là việc gắn kết các hoạt động học tập với trải nghiệm văn hóa và sinh hoạt cộng đồng. Tại bản Đông, xã Mường Than, Đoàn đã có buổi sinh hoạt văn hóa ấm áp, thấm đượm bản sắc với đồng bào dân tộc Thái. Những điệu xòe, lời ca, tiếng khèn hòa cùng nếp nhà sàn truyền thống, mâm cơm bản địa chan chứa tình cảm đã giúp học viên thấu hiểu hơn giá trị tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số, cũng như trách nhiệm của người cán bộ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển.
      Chuyến đi không chỉ là dịp để học hỏi, mà còn là thời điểm đặc biệt khi cả nước đang triển khai quyết liệt cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Hơn ai hết, mỗi học viên   của lớp đều nhận thức rõ rằng: trong bối cảnh mới, người cán bộ, công chức, viên chức không chỉ cần vững lý luận, hiểu thực tiễn, mà còn phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực hành động. Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy không thể thành công nếu thiếu đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tận tâm, tận lực, am hiểu dân, hiểu việc và biết vận dụng đúng đắn chủ trương của Đảng vào thực tiễn. Do đó, chương trình nghiên cứu thực tế là một phần tất yếu trong hành trình rèn luyện bản lĩnh, đạo đức và tư duy cho đội ngũ cán bộ tương lai - những người sẽ trực tiếp tham gia vào công cuộc đổi mới hệ thống chính trị tại các xã sau sáp nhập.
      Tháng Tư - tháng của thống nhất, tháng của lòng biết ơn và khát vọng phát triển
      Giữa không khí tháng Tư hào hùng - tháng mà người dân Việt Nam ở mọi miền đất nước đều tưởng nhớ và tự hào về chiến thắng vĩ đại 30/4, đoàn học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị khoá 4 (huyện Mường Tè)mang trong mình niềm tin son sắt vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn. Được học tập, rèn luyện trong giai đoạn cả nước quyết liệt đổi mới tổ chức bộ máy, chính là cơ hội để mỗi cán bộ nỗ lực hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở. Sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu thực tế tại ba xã của huyện Than Uyên, Đoàn nghiên cứu thực tế đã có buổi gặp mặt, thăm Trường Chính trị tỉnh Lai Châu. Tại đây, đại diện lớp đã báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu thực tế, tập trung làm rõ những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời nêu bật một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn. Trong không khí trang trọng, ấm áp, Đoàn đã được lãnh đạo và tập thể giảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đón tiếp chu đáo và giới thiệu tổng quan về quá trình hình thành, phát triển, chức năng, nhiệm vụ và những định hướng lớn trong thời gian tới của nhà trường. Buổi gặp mặt không chỉ là dịp để trao đổi, kết nối giữa học viên và nhà trường mà còn góp phần bồi đắp thêm tinh thần học tập, rèn luyện, gắn lý luận với thực tiễn cho mỗi cán bộ, học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị.
      Chuyến nghiên cứu thực tế tại ba xã của huyện Than Uyên đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong trái tim mỗi học viên. Đó không chỉ là hành trình của tri thức, mà còn là hành trình của tình cảm, của trách nhiệm và khát vọng cống hiến. Với hành trang quý báu ấy, chắc chắn các học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 4 năm 2024 (tại huyện Mường Tè) sẽ tiếp tục bước những bước vững chắc, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân kỳ vọng. Thành công của chương trình nghiên cứu thực tế không thể thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ từ nhiều cấp, nhiều ngành. Lớp xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Lai Châu;Thường trực Huyện ủy Than Uyên, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các xã Pha Mu, Mường Kim, Mường Than tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn học viên trong suốt hành trình học tập, trải nghiệm.
      Chuyến nghiên cứu thực tế không dừng lại ở những con số, báo cáo hay hình ảnh kỷ niệm. Nó sẽ tiếp tục được lan tỏa, đọng lại trong từng bản báo cáo thu hoạch, trong từng dòng suy nghĩ, tư duy đổi mới của học viên sau khi trở về. Việc hoàn thiện báo cáo cá nhân - như kế hoạch đã đề ra, không chỉ là yêu cầu chuyên môn mà còn là cơ hội để mỗi người nhìn lại, khái quát lại, chiêm nghiệm lại những gì đã tiếp thu và định hướng cho con đường công tác của mình trong tương lai./.

Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Đông - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,379
  • Tháng hiện tại16,118
  • Tổng lượt truy cập9,656,780
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down