
Giờ phút lịch sử và tầm vóc toàn cầu của chiến thắng 9/5/1945
Chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài 6 năm ròng, từ năm 1939 đến 1945, là cuộc xung đột thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại, làm thiệt mạng trên 70 triệu người và để lại hậu quả sâu rộng cho nhiều thế hệ. Cuộc chiến chia thế giới thành hai chiến tuyến: phe Trục - đứng đầu là Đức Quốc xã, phát xít Ý và Nhật Bản; phe Đồng minh - trong đó Liên Xô, Mỹ, Anh giữ vai trò chủ chốt.
Sau chiến thắng huyền thoại tại Stalingrad (1942-1943) và Kursk (1943), Hồng quân Liên Xô bắt đầu phản công quy mô lớn, từng bước đẩy lùi quân Đức về phía Tây. Chiến dịch Vistula-Oder vào đầu năm 1945 đã mở đường cho đòn quyết định vào Berlin. Ngày 16/4/1945, Hồng quân mở chiến dịch tấn công Berlin, sau gần ba tuần chiến đấu ác liệt, ngày 30/4/1945, Adolf Hitler tự sát trong hầm ngầm. Đêm ngày 08/5/1945, tại Karlshorst (ngoại ô Berlin), Thống chế Wilhelm Keitel thay mặt Đức Quốc xã ký văn kiện đầu hàng không điều kiện trước đại diện của các cường quốc Đồng minh, chính thức chấm dứt Thế chiến II tại châu Âu. Theo múi giờ Moskva, thời khắc lịch sử này rơi vào ngày 09/5 - ngày mà Liên Xô và nhiều nước Đông Âu chọn là Ngày Chiến thắng (trong khi phương Tây kỷ niệm vào ngày 08/5).
Ngày 09/5/1945 vì thế mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Nó là mốc kết thúc một chương đen tối của lịch sử thế giới - chương sách viết bằng máu của hàng chục triệu con người vô tội. Đồng thời, đó cũng là biểu tượng chiến thắng của chính nghĩa trước bạo tàn, của ý chí dân tộc trước tham vọng bá quyền. Không chỉ đơn thuần là chiến thắng quân sự, đây còn là chiến thắng của nhân loại chống lại một hình thái tư tưởng tàn ác nhất - chủ nghĩa phát xít - với những tội ác chống lại loài người chưa từng có.
Từ sau 1945, Ngày Chiến thắng 9/5 được tổ chức trang trọng ở nhiều quốc gia - đặc biệt là các nước từng nằm trong khối Xô Viết - như một ngày tưởng niệm và tôn vinh sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Tại Nga và nhiều nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng trở thành nghi thức quốc gia mang ý nghĩa thiêng liêng và giáo dục truyền thống sâu sắc.
Đối với thế giới, Ngày 9/5 còn là thông điệp: hòa bình là giá trị không thể coi nhẹ và sự đoàn kết quốc tế là chìa khóa để đối đầu với hiểm họa toàn cầu. Bài học từ chiến tranh không nằm trong việc ca ngợi bạo lực, mà ở chỗ cảnh tỉnh về cái giá của sự thờ ơ, dung túng với cái ác, điều từng giúp chủ nghĩa phát xít trỗi dậy trước năm 1939.
Vai trò to lớn của Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít
Trong số các quốc gia thuộc phe Đồng minh, không thể phủ nhận rằng Liên Xô (nay là Liên bang Nga và các nước cộng hòa hậu Xô Viết) đã đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức - cả về mặt quân sự lẫn chiến lược chính trị. Không có sự trỗi dậy và hy sinh phi thường của Hồng quân và nhân dân Liên Xô, chiến thắng phát xít có lẽ sẽ không thể đến sớm và với cái giá thấp hơn. Ngay từ tháng 6/1941, khi Đức quốc xã bất ngờ phát động Chiến dịch Barbarossa tấn công xâm lược Liên Xô, đất nước này trở thành chiến trường ác liệt nhất của toàn bộ Thế chiến II. Hơn 80% lực lượng quân đội Đức đã bị cuốn vào Mặt trận phía Đông, nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại: Moscow (1941), Stalingrad (1942-1943), Kursk (1943) và cuối cùng là chiến dịch Berlin (1945). Chiến thắng tại Stalingrad được xem là bước ngoặt quyết định của toàn bộ cuộc chiến, không chỉ vì Hồng quân đập tan một đạo quân chủ lực của Đức mà còn bởi nó tạo ra sự đảo chiều tâm lý toàn cầu: từ sợ hãi phát xít sang hy vọng về thắng lợi. Chỉ riêng tại Stalingrad, hơn 1,1 triệu quân và dân Liên Xô đã hy sinh, cho thấy rõ mức độ tàn khốc và sự cống hiến phi thường. Theo nhiều thống kê được công nhận rộng rãi, Liên Xô đã chịu tổn thất lớn nhất trong toàn bộ chiến tranh với khoảng 27 triệu người chết, trong đó phần lớn là dân thường; hơn 70 nghìn làng mạc và thành phố bị phá hủy. Đây không chỉ là con số thống kê, mà là minh chứng cho tầm vóc hy sinh mà dân tộc Liên Xô đã gánh chịu để ngăn chặn làn sóng phát xít lan rộng khắp Âu - Á.
Về mặt quân sự, Hồng quân Liên Xô là lực lượng đầu tiên tiến vào Berlin - “hang ổ” cuối cùng của phát xít Đức. Từ tháng 4 đến đầu tháng 5/1945, chiến dịch Berlin được thực hiện với hơn 2,5 triệu binh sĩ Liên Xô và hơn 6.000 xe tăng, pháo binh. Lá cờ đỏ cắm trên tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) không chỉ là biểu tượng chiến thắng mà còn là tuyên ngôn lịch sử về vai trò quyết định của Liên Xô trong việc kết thúc cuộc chiến tại châu Âu.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của các nước Đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chiến dịch Normandy (6/1944) do Mỹ và Anh lãnh đạo đã mở Mặt trận phía Tây, chia cắt lực lượng Đức Quốc xã và góp phần rút ngắn thời gian kết thúc chiến tranh. Các chiến dịch không kích vào hậu phương Đức, cùng viện trợ quân sự cho Liên Xô thông qua Chương trình Lend-Lease, cũng là những yếu tố then chốt hỗ trợ chiến thắng chung.
Sự biến động trong nhận thức lịch sử ở phương Tây
Tám mươi năm sau Ngày Chiến thắng phát xít, thế giới không chỉ đối mặt với nguy cơ chiến tranh kiểu mới, mà còn đang chứng kiến một cuộc chiến khác âm thầm và dai dẳng: cuộc chiến với ký ức lịch sử. Đặc biệt tại một số quốc gia phương Tây, những diễn ngôn lịch sử đang có xu hướng dịch chuyển từ việc tôn vinh tinh thần đoàn kết chống phát xít sang việc tái cấu trúc quá khứ theo lăng kính chính trị hiện tại. Trong đó, vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến thắng phát xít Đức từng được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi nay lại đang bị xem nhẹ, thậm chí bị cố tình làm lu mờ. Việc một số quốc gia thay đổi cách gọi “Ngày Chiến thắng” thành “Ngày kết thúc chiến tranh”, dỡ bỏ các tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Hồng quân, hay loại bỏ các dữ liệu về vai trò của Liên Xô khỏi giáo trình lịch sử… là những ví dụ điển hình cho hiện tượng “phi chính trị hóa quá khứ” một cách có lựa chọn. Truyền thông đại chúng, điện ảnh, thậm chí cả các nền tảng học thuật, ngày càng phổ biến hình ảnh chiến thắng phát xít như là kết quả chủ yếu của quân đội Mỹ và Anh, trong khi mặt trận phía Đông - nơi quyết định vận mệnh cuộc chiến - lại bị thu nhỏ trong nhận thức công chúng.
Không thể phủ nhận rằng tất cả các lực lượng Đồng minh đều góp phần vào chiến thắng chung. Tuy nhiên, việc giảm thiểu hoặc diễn giải sai bản chất lịch sử không chỉ là hành vi bóp méo sự thật, mà còn là một hình thức phủ nhận công lý quốc tế bởi chiến tranh không thể bị tái hiện bằng những câu chuyện bị chọn lọc, mà phải được hiểu từ tất cả chiều kích và sự hy sinh thực sự mà nó đã tạo ra. Lịch sử, nếu bị lãng quên, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho sai lầm tái diễn. Lịch sử, nếu bị bóp méo, sẽ không còn là người thầy nghiêm khắc mà trở thành công cụ phục vụ những toan tính chính trị thiển cận.
Việc thao túng ký ức lịch sử, nếu tiếp tục bị dung túng, sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm, dẫn đến sự đảo ngược đạo lý, sự tha hóa chuẩn mực quốc tế và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho những tư tưởng phát xít mới, phân biệt chủng tộc, thù hận dân tộc hồi sinh dưới lớp vỏ “tự do thông tin” hay “chủ nghĩa dân tộc tự quyết”.
Bài học trong bối cảnh quốc tế hiện nay
Chiến thắng phát xít năm 1945 là một thành quả kết tinh từ máu, nước mắt và lòng quả cảm của hàng trăm triệu con người trên khắp thế giới. Nhưng bài học lớn nhất không nằm ở chiến thắng, mà ở điều mà nhân loại phải làm để chiến thắng ấy không trở nên vô nghĩa. Đó là giữ gìn hòa bình, chống lại sự hồi sinh của tư tưởng cực đoan - dù mang lớp vỏ mới tinh vi hơn.
Trong thế kỷ XXI, thế giới không còn chứng kiến chiến tranh tổng lực theo nghĩa cổ điển, nhưng các nguy cơ của một hình thái “chủ nghĩa phát xít mới” đang lặng lẽ tái sinh - trong những phát ngôn bài ngoại, những chính sách siêu dân tộc, những tư tưởng phân biệt chủng tộc và cả trong việc phớt lờ, phủ nhận hay bóp méo sự thật lịch sử. Những vụ tấn công mang động cơ kỳ thị chủng tộc tại châu Âu, Mỹ; những phong trào cực hữu công khai ca ngợi biểu tượng phát xít; những chính trị gia giành quyền lực bằng cách gieo rắc hận thù dân tộc,... tất cả đang làm dấy lên mối lo ngại về một “chu kỳ nguy hiểm” trong tâm thức chính trị toàn cầu. Cùng với đó là hiện tượng “xét lại lịch sử” hòng điều chỉnh ký ức tập thể vì mục đích chính trị. Ở một số nơi, sự thật lịch sử bị cắt xén, các giá trị phổ quát về hy sinh và công lý bị tương đối hóa. Điều nguy hiểm nhất là việc tạo ra một thế hệ không còn gắn bó với các giá trị đạo lý đã từng định hình nên nền hòa bình hậu 1945.
Từ bài học Chiến tranh thế giới thứ hai, ba giá trị cốt lõi cần được củng cố mạnh mẽ trong thời đại, bối cảnh hiện nay: (1) Giáo dục lịch sử trung thực, toàn diện và nhân văn, không bị chi phối bởi tư lợi chính trị hay định kiến hệ tư tưởng. Lịch sử không thể chỉ là câu chuyện của người thắng cuộc, nó phải là tiếng nói của cả người hy sinh, người đứng lên và người cảnh tỉnh. (2) Củng cố luật pháp quốc tế và cơ chế đa phương để giải quyết xung đột, ngăn chặn hành động đơn phương sử dụng vũ lực, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia - nhất là các nước nhỏ, dễ bị tổn thương. (3) Chống lại chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc và kỳ thị văn hóa - những “vết nứt” đang lan rộng trong lòng các xã hội hiện đại. Không thể có hòa bình thực chất nếu vẫn tồn tại định kiến về dân tộc, tôn giáo, hay văn hóa.

Khối Quân đội nhân dân Việt Nam tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: qdnd.vn
Từ góc độ Việt Nam - một dân tộc từng trải qua cả chủ nghĩa thực dân cũ và mới, từng tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành độc lập, thống nhất và từng gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bài học lớn nhất là không thể có hòa bình thực sự nếu không có công lý và không thể có công lý nếu sự thật lịch sử bị xuyên tạc. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn thể hiện lập trường rõ ràng: kiên quyết phản đối mọi hành vi kích động chủ nghĩa phát xít mới, mọi hành vi xét lại lịch sử một cách tùy tiện, mọi luận điệu cổ súy phân biệt dân tộc, kỳ thị tôn giáo. Với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác đa phương, góp phần duy trì hòa bình, ủng hộ giải pháp chính trị cho các xung đột quốc tế, đồng thời không ngừng bảo vệ ký ức lịch sử bằng cả hành động và chính sách đối ngoại hòa bình, nhân đạo. Năm 2025, Việt Nam cử lực lượng quân đội sang tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, Moskva, đây không chỉ là một cử chỉ ngoại giao quân sự, mà còn là biểu tượng sinh động cho lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc tôn trọng lịch sử, tri ân những người đã ngã xuống vì chính nghĩa và góp phần bảo vệ ký ức nhân loại khỏi sự xuyên tạc nguy hiểm. Trong tiếng bước đều của những người lính Việt Nam giữa Quảng trường Đỏ, có cả thông điệp rõ ràng của một dân tộc từng trải qua khói lửa chiến tranh rằng hòa bình hôm nay là kết quả của hy sinh, lịch sử không thể bị lãng quên hay xuyên tạc.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít là dịp để chúng ta tưởng nhớ những người đã hy sinh vì hòa bình, khẳng định lại cam kết đối với các giá trị dân chủ và nhân văn, đồng thời nhìn nhận một cách nghiêm túc những thách thức đang đặt ra cho trật tự thế giới. Di sản của chiến thắng vĩ đại này nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình không phải là điều hiển nhiên, mà là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đề cao tinh thần đoàn kết, tăng cường hợp tác đa phương, và thượng tôn pháp luật quốc tế. Chỉ có như vậy, nhân loại mới có thể vượt qua những thách thức hiện tại và xây dựng một tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn cho tất cả./.