TẢN MẠN TRƯỜNG SA

Thứ sáu - 09/05/2025 02:51 9 0

TẢN MẠN TRƯỜNG SA

      Năm 1972 tôi 8 tuổi, ăn tết xong độ hơn chục ngày anh tôi đi bộ đội. Nhớ anh tôi khóc. Khi bị bọn trong xóm bắt nạt, không còn anh để bênh, tủi thân tôi càng khóc… Thời gian đầu cứ khi nào có thư của anh gửi về là tôi đều đọc cho bố mẹ và cả nhà nghe, sau đó cứ đọc đi đọc lại đến gần thuộc lòng từng lá thư. Lâu lâu không nhận được thư, bỗng một hôm mới thấy thư về mới biết anh đã được biên chế vào lính hải quân và được điều ra đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng. Trong thư có gửi kèm theo bức ảnh nhỏ đen trắng chụp trước khi ra đảo trong bộ quân phục hải quân trông thật oách.
      Thế rồi bẵng đi một thời gian dài, không thấy thư anh… giữa lúc máy bay Mỹ quay trở lại ném bom Hải Phòng, Hà Nội… càng ác liệt hơn, cả nhà lo lắng, mẹ tôi thỉnh thoảng lại giục tôi lấy những lá thư trước đọc cho mình mẹ nghe, nước mắt mẹ chảy giàn giụa nhưng không khóc thành tiếng… Sau tết dương lịch năm 1973, bỗng một hôm nhà tôi nhận được một lúc hơn chục lá thư của anh, đọc hết mới biết Mỹ thả thủy lôi phong tỏa đảo, tàu từ đất liền không ra được nên thư anh gửi càng không chuyển về được, qua thư mới biết những ngày ấy anh cùng đồng đội gần một năm trên đảo khó khăn biết nhường nào… Đảo hết lương thực, thực phẩm, thuốc men, may ra thì mới vớt được một vài bao bột mỳ của tàu Liên Xô, Trung Quốc thả trôi trên biển từ hải phận quốc tế dạt vào, bộ đội sống chủ yếu bằng lương khô, cá biến, chim trời mỗi khi có bão thổi mạnh tạt vào hàng xương rồng. Năm 1976, anh được phục viên. Hôm về nhà, thay bộ quân phục hải quân ra, trong lúc sang hàng xóm chơi, tôi đã mạnh dạn tự tiện mặc cả bộ đồ, đội cả mũ và đeo ba lô… dù rộng thùng thình nhưng thấy đắc ý, hãnh diện và oai phong lắm… Những ngày sau đó, tôi cũng nghe lỏm được biết bao nhiêu chuyện về cuộc sống của người lính đảo mà anh kể cho bố mẹ và hàng xóm nghe. Từ chuyện đi ra đảo bằng tàu “há mồm” đến có lúc cả đảo sắp chết đói, chuyện anh lặn xuống biển mò bào ngư và được vinh danh là kiện tướng mò bào ngư của đảo, chuyện đào giếng để có nước ngọt ăn giữa mênh mông biển cả mặn mòi đến chuyện hơn 4 năm trên đảo toàn bộ đội, khi được phục viên tàu về đến đất liền nhìn thấy bóng hình người phụ nữ trên bờ từ xa thấp thoáng mà cả tàu hò reo, nhảy lên như động rồ… rồi anh cũng kể rằng Việt Nam có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nữa mà anh chưa được đến…
      Những năm là sinh viên, Trường Sa đến với tôi là những dòng thơ và trang văn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, lính đảo hát tình ca trên đảo… hình ảnh lính trọc đầu và đá trọc đầu cứ ám ảnh mãi… đảo chìm, đảo nổi và giai điệu … biển một bên và em một bên ngân vang theo suốt một thời trẻ trai mơ mộng.
      Tốt nghiệp đại học, theo sự phân công công tác của nhà trường, chàng trai quê biển Hải Phòng, đeo ba lô trên vai “Tây tiến” lên Điện Biên, Lai Châu công tác… biết bao lần cùng học trò phân tích, bình giảng:
“Giặc Mỹ mày đến đây
Thì ta tiêu diệt ngay
Trời xanh ta nổi lửa
Biển xanh ta giết mày
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, dòng sông”…
(Chế Lan Viên)
Rồi
“Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng - soi ánh nắng pha lê
Bờ lặng lẽ cát vàng/ thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng”
(Xuân Diệu)
      Thấm thoắt thoi đưa, 38 năm công tác, cả quãng đời trai trẻ gắn bó với núi rừng, với đại ngàn Tây Bắc, đúng dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được tham gia đoàn công tác số 15 ra Trường Sa. Háo hức, hào hứng, tưởng tượng mấy đêm trằn trọc không ngủ… Xuống sân bay, xe của bộ đội Hải quân đưa về khách sạn Trường Sa. Trước lúc xuống tàu ra đảo vẫn kịp ra phố mua Cờ Tổ quốc và tiểu thuyết “Hai vạn dặm dưới biển” của Juless Veere một thời niên thiếu đắm say cùng tàu ngầm Nautilus cùng thuyền trưởng Nemo chu du đại dương, biển cả…
Đoàn Công tác số 15 – Đoàn Công tác tỉnh Lai Châu
thăm quần đảo Trường Sa
      Kia rồi, Song Tử Tây đã mờ xa phía chân trời sau hơn một ngày bập bềnh, dập dềnh cùng sóng nước, Đá Thị, Len Đao, Cô Lin, Đá Tây A, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1… đến đâu cũng vững một niềm tin khi được gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo. Cuộc sống vật chất và tinh thần được cải thiện rất nhiều tuy còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhìn vào ánh mắt họ, những cái ôm, cái bắt tay thật chặt đã nói lên tất cả quyết tâm và nghị lực để chiến thắng khó khăn gian khổ, thiên tai, địch họa và giữ gìn toàn vẹn biển đảo Tổ Quốc ta.
      Vèo một cái, 5 ngày trên đảo đã đi qua, tối nay Trường Sa Lớn lại bừng sáng âm thanh, ánh sáng, vũ điệu tưng bừng của quân dân trên đảo hòa cùng lời ca, tiếng hát của hơn 180 đại biểu đến từ 46 tỉnh thành cả nước… Tiếng hát “Chào Trường Sa” của ca sỹ Thanh Thảo đang vút lên cùng sóng nước…
      Tạm biệt Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước! Chúc cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo chắc tay súng bảo vệ đảo của ta, biển của ta, trời của ta, nước của chúng ta - nước của những người chưa bao giờ khuất - Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước!
Đồng chí Nguyễn Tiến Tăng – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lai Châu, thành viên Đoàn Công tác (đứng thứ ba từ trái sang) được trao tặng giải nhất Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Hải quân nhân dân Việt Nam (07/5/1955 – 07/5/2025)
Trường Sa, 23h ngày 03/5/2025

Tác giả: CVCC. Nguyễn Tiến Tăng - Hiệu trưởng Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,660
  • Tháng hiện tại26,818
  • Tổng lượt truy cập9,667,480
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down