HOÀN THIỆN MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HAI CẤP: NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ ĐỊNH HƯỚNG CẬP NHẬT NỘI DUNG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN “QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC”

Thứ bảy - 05/07/2025 16:08 51 0
Trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, việc hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết, gắn với mục tiêu phục vụ nhân dân và thúc đẩy phát triển bền vững. Năm 2025 đánh dấu bước chuyển quan trọng khi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành hàng loạt văn bản pháp luật mới như: Nghị quyết số 203/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (Luật số 72/2025/QH15); Nghị định số 150/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ủy ban nhân dân xã, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 151/2025/NĐ-CP quy định rõ về phân định thẩm quyền, phân cấp và phân quyền trong lĩnh vực đất đai giữa cấp huyện và cấp xã; Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025 về tinh giản biên chế và Nghị định 118/2025/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cùng các công văn hướng dẫn đã góp phần xây dựng một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả hơn. Những văn bản này không chỉ hoàn thiện cấu trúc chính quyền hai cấp theo hướng hiện đại, mà còn thúc đẩy phân quyền, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa nền hành chính và tổ chức lại bộ máy quản lý phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
            Trên cơ sở đó, việc cập nhật các nội dung pháp luật mới vào học phần “Quản lý hành chính nhà nước” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị trở nên cần thiết. Bài viết tập trung phân tích những điểm mới nổi bật trong quy định pháp luật liên quan đến mô hình chính quyền địa phương hai cấp và các định hướng cập nhật nội dung giảng dạy học phần “Quản lý hành chính nhà nước” cho phù hợp với tình hình mới.
            1. Những điểm mới nổi bật trong quy định pháp luật liên quan đến mô hình chính quyền địa phương hai cấp
            Thứ nhất, tái cấu trúc tổ chức hành chính phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
            Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (tại Điều 110 và Điều 111 theo Nghị quyết số 203/2025/QH15) cùng với việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (Luật số 72/2025/QH15) đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Những quy định mới không chỉ củng cố nguyên tắc tổ chức chính quyền theo hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh và thiết kế lại cấu trúc hành chính theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản trị nhà nước hiện đại.
            Theo quy định sửa đổi tại Điều 110 của Hiến pháp, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành hai cấp: (1) cấp tỉnh, gồm tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; (2) cấp xã, bao gồm xã, phường và thị trấn (nay bổ sung thêm đặc khu). Đồng thời, quy định mới cũng xác lập cơ chế thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định, tạo tiền đề pháp lý vững chắc cho việc triển khai các mô hình hành chính có tính đặc thù, chiến lược tại các khu vực có vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng như hải đảo, cửa ngõ kinh tế quốc tế, vùng động lực phát triển.
            Luật số 72/2025/QH15 cụ thể hóa cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và có phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền. Đặc biệt, việc quy định chi tiết mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc mở rộng không gian thể chế, thúc đẩy tăng trưởng thông qua áp dụng cơ chế hành chính linh hoạt, tự chủ và phù hợp với điều kiện địa phương. Cụ thể, các đặc khu được xác định là đơn vị hành chính cấp xã có vị trí địa lý biệt lập, thường nằm tại các khu vực hải đảo, có tiềm năng phát triển kinh tế biển và yêu cầu quản lý đặc thù về quốc phòng, an ninh.
            Mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong bối cảnh mới được định hình trên nền tảng các nguyên tắc: tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động chuyên nghiệp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng chính quyền vì dân, gần dân, phục vụ nhân dân; thực hiện đầy đủ cơ chế phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát quyền lực và khuyến khích sự tham gia của nhân dân trong quản lý nhà nước. Sự hình thành các đặc khu với cơ chế linh hoạt, tự chủ là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn thể chế hướng tới phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước tại cơ sở.
            Thứ hai, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền.
            Luật số 72/2025/QH15 đã có những quy định chi tiết và rõ ràng hơn về chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp, đặc biệt là cấp xã, cấp chính quyền gần dân nhất. Việc phân định chức năng nhiệm vụ cụ thể không chỉ làm rõ phạm vi quản lý, trách nhiệm của từng cấp chính quyền mà còn tăng cường quyền tự chủ trong thực thi công vụ ở cấp cơ sở. Đây là bước chuyển đổi quan trọng từ mô hình quản lý hành chính truyền thống sang mô hình quản trị công hiện đại, nhấn mạnh vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền xã trong việc giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh tại địa phương. Điều này góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới, cải cách hành chính theo hướng gần dân, trọng dân và vì dân.
            Thứ ba, đổi mới tổ chức cơ quan chuyên môn tại địa phương.
            Theo quy định tại Nghị định 150/2025/NĐ-CP, hệ thống cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, với sự phân loại rõ ràng giữa các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương và sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương. Cơ cấu này nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực tham mưu, giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Đáng chú ý, số lượng đầu mối cơ quan chuyên môn cấp xã được khống chế tối đa không vượt quá 04 đơn vị nhằm tránh sự cồng kềnh, phức tạp trong tổ chức bộ máy. Phương thức tiếp cận “đa dạng hóa có kiểm soát” không chỉ bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước, mà còn linh hoạt thích ứng với đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương. Xác định đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trong bối cảnh đổi mới và phát triển hiện nay.
            Thứ tư, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách.
            Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 và 11/CV-BCĐ ngày 04/6/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và định hướng đổi mới mô hình chính quyền cấp xã đã làm rõ các yêu cầu trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với đó, Nghị định số 154/2025/NĐ-CP đã quy định cụ thể các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại địa phương. Việc chuẩn hóa này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình đổi mới quản lý hành chính địa phương và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chính sách tinh giản biên chế được triển khai một cách nhân văn, đồng bộ với công tác tái cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo lộ trình rõ ràng, có sự hỗ trợ đầy đủ về chính sách. Sự kết hợp này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở mà còn góp phần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
            Thứ năm, tăng cường phân quyền trong lĩnh vực đất đai, phát huy vai trò quản lý của cấp xã.
            Nghị định số 151/2025/NĐ-CP là một văn bản pháp lý trọng yếu, thể hiện bước tiến quan trọng trong việc tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai. Việc giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong các hoạt động then chốt như lập quy hoạch sử dụng đất, tổ chức giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cấp xã trong quá trình quản lý và thực thi chính sách đất đai tại địa phương.
            Sự chuyển giao thẩm quyền này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đất đai sát thực tiễn, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh mà còn góp phần thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng và phát triển nguồn lực đất đai ở cấp cơ sở. Qua đó, cấp xã được xác định là “trung tâm” trong việc triển khai các chủ trương, chính sách đất đai, đồng thời nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.
            Thứ sáu, hiện đại hóa nền hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
            Nghị định số 118/2025/NĐ-CP tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp trong tiến trình cải cách hành chính. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo ra bước chuyển căn bản trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính, giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch trong công tác phục vụ.
            Song song với đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực vận hành của hệ thống hành chính nhà nước, đồng thời góp phần thực hiện trách nhiệm giải trình và phòng chống các hành vi cửa quyền, nhũng nhiễu. Những giải pháp này không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả ngay từ cấp cơ sở, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số quốc gia.
            2. Định hướng cập nhật nội dung giảng dạy học phần “Quản lý hành chính nhà nước” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị
            Nhằm đảm bảo Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị bám sát thực tiễn và các yêu cầu cải cách, một số định hướng cập nhật nội dung giảng dạy học phần “Quản lý hành chính nhà nước” cụ thể được đề xuất như sau:
            Thứ nhất, tích hợp các quy định mới của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 vào các bài giảng liên quan, đặc biệt là:
            Bài 1 Lý luận về quản lý hành chính nhà nước: Nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo quy định tăng cường phân cấp, phân quyền và bảo đảm tính thống nhất; Mục 2.2.2, Cấu trúc tổ chức hành chính địa phương theo mô hình đô thị, nông thôn và đặc khu; Mục 2.2.4, Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp với cơ chế phân quyền rõ ràng. Đồng thời, bổ sung nội dung về đặc khu phân tích cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức, quyền hạn và cơ chế quản lý vùng đặc khu, phản ánh đúng định hướng phát triển kinh tế chiến lược trong giai đoạn mới.
            Bài 3 Quản lý ngân sách địa phương: Mục 1.1 Các bộ phận cấu thành của ngân sách địa phương giải thích rõ các nguồn thu, nhiệm vụ chi và cơ chế phân bổ giữa cấp tỉnh, cấp xã; Mục 2.3 Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý ngân sách địa phương, nhấn mạnh vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong phân bổ, giám sát ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch.
            Bài 4 Quản lý nhà nước đối với địa giới hành chính: Bổ sung các nội dung về điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị, hình thành đặc khu và cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong quản lý lãnh thổ.
            Bài 5 Quản lý hoạt động kinh tế ở cơ sở: Mục 2, cần làm rõ chủ thể, vai trò của chính quyền cấp xã trong phát triển kinh tế cơ sở, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tích hợp các chính sách mới về khởi nghiệp, kinh tế số và chuyển đổi số.
            Thứ hai, tích hợp nội dung Nghị định 150/2025/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp trong phần giảng dạy về cấu trúc của tổ chức hành chính nhà nước địa phương. Việc này nhằm giúp học viên hiểu sâu sắc về cấu trúc tổ chức, sự phân loại cũng như tính linh hoạt trong tổ chức bộ máy hành chính hiện nay.
            Thứ ba, tích hợp các quy định mới về tiêu chuẩn đội ngũ công chức cấp xã và chính sách tinh giản biên chế được quy định tại Công văn số 03/CV-BCĐ, 11/CV-BCĐ và Nghị định 154/2025/NĐ-CP vào phần quản lý cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Điều này giúp nâng cao nhận thức về chuẩn hóa chất lượng cán bộ, công chức trong bối cảnh cải cách hành chính địa phương.
            Thứ tư, cập nhật các nội dung phân quyền cho cấp xã trong lĩnh vực quản lý đất đai theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP vào Bài 4 Quản lý nhà nước về đất đai, cụ thể tại các mục 1.1.4 và 1.1.5 nhằm phản ánh đúng thực tiễn chuyển giao thẩm quyền và tăng cường vai trò quản lý của chính quyền cấp xã.
            Thứ năm, tích hợp các quy định của Nghị định 118/2025/NĐ-CP vào Bài 9 về cải cách hành chính ở cớ sở, tập trung làm rõ vai trò của chuyển đổi số, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cùng với việc nâng cao trách nhiệm giải trình và mức độ hài lòng của người dân.
            Tóm lại, việc hoàn thiện mô hình chính quyền hai cấp và cập nhật kịp thời những nội dung học phần “Quản lý hành chính nhà nước” trong Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quả lý cấp cơ sở là nhiệm vụ cấp bách. Đây không chỉ phù hợp với cải cách hiện đại hóa nền hành chính mà còn đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao năng lực cán bộ, công chức, thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương và quốc gia.
            Tài liệu tham khảo
            1. Ban Chỉ đạo sắp xếp Đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (2025): Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
            2. Ban Chỉ đạo sắp xếp Đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ (2025): Công văn số 11/CV-BCĐ ngày 04/6/2025 về việc hướng dẫn tiêu chuẩn chức danh công chức cấp xã mới.
            3. Chính phủ (2025): Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
            4. Chính phủ (2025): Nghị định số 150/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân xã, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
            5. Chính phủ (2025): Nghị định số 151/2025/NĐ-CP quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai giữa cấp huyện và cấp xã.
            6. Chính phủ (2025): Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025 về tinh giản biên chế.
            7. Quốc hội (2025): Luật số 72/2025/QH15, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung).
            8. Quốc hội (2025): Nghị quyết số 203/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tác giả: ThS. Khúc Thị Phương Thảo - Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,574
  • Tháng hiện tại24,818
  • Tổng lượt truy cập9,831,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down