Đồng chí Nguyễn Tiến Tăng – Hiệu trưởng phát biểu tại
Chương trình Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các thầy cô giáo, viên chức, người lao động cùng toàn thể các bạn học viên thân mến!
Hòa trong không khí rộn ràng, hân hoan cả nước đang vui mừng chào đón kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2024, những ngày qua Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều hoạt động thi đua sôi nổi của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên trong nhà trường. Ngày hôm nay, chúng ta hội tụ về đây để trang trọng tổ chức kỷ niệm tri ân các thầy cô giáo - những người đã và đang ngày đêm gieo những hạt giống tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước.
Lời đầu tiên, xin thay mặt lãnh đạo nhà trường tôi xin kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức, người lao động nhà trường, cùng các bạn học viên lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Chương trình kỷ niệm của chúng ta thành công và thật nhiều ý nghĩa!
Thưa quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn học viên!
Trong Chương trình kỷ niệm long trọng ngày hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến sự ra đời của Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tháng 8 năm 1957, Hội nghị các nhà giáo họp tại Vác-sa-va (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo. Sau khi đất nước được giải phóng hoàn toàn, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 được tiến hành trên cả nước và dần khắc sâu vào tình cảm, trí nhớ của mọi người. Ngày 20/11 ở nước ta trước tiên là ngày cán bộ, giáo viên ngành giáo dục biểu hiện sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương lớn của Nhà nước. Đây cũng là ngày cổ vũ, động viên, biểu dương, khen thưởng thành tích của các thầy cô giáo và các em học sinh. Ngày 20/11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần trở thành ngày hội truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, trở thành ngày lễ của toàn dân tri ân thầy cô giáo.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất. Truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành giá trị, chuẩn mực tốt đẹp nhất trong chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đã có biết bao tấm guơng các thầy giáo, cô giáo với công lao đóng góp cho sự phát triển của dân tộc, mang lại vinh quang cho đất nước, được nhân dân trân trọng, tôn vinh với tình cảm, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến.
18 năm qua, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã góp phần tích cực vào sự nghiệp Huấn luyện cán bộ cho Đảng, thực hiện sứ mệnh của một nhà trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển của Nhà trường đã khẳng định vị thế, uy tín, sự phát triển không ngừng của Nhà trường. Vị thế ấy, uy tín ấy không chỉ thể hiện ở phẩm chất, năng lực của hàng nghìn học viên sau khi tốt nghiệp, ra trường về công tác ở các cơ quan trong tỉnh, mà còn thể hiện ngay trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển của nhà trường.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác “huấn luyện cán bộ”, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết trung ương 8 (Khoá XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nhà trường luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy học, coi đó là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên của trường.
Với trách nhiệm chính trị đó, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, nêu cao ý thức tự lực, phát huy trí tuệ, tài năng và tâm huyết trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rất nhiều giảng viên với trách nhiệm nghề nghiệp cao, đã trăn trở, tìm tòi, phát hiện, tham mưu, đề xuất đổi mới nội dung, chương trình để có tính cập nhật, sát thực tiễn; gắn với đó là tích cực nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học. Phương pháp dạy học cũng có nhiều đổi mới, kích thích tính tích cực, sáng tạo của người học. Qua các hoạt động đó, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã và đang trưởng thành nhanh chóng.
Năm 2024, Trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng được giao đảm bảo đúng tiến độ và vượt kế hoạch với tổng số 31 lớp/1066 học viên, phối hợp, tổ chức, thực hiện 09 Hội thảo khoa học các cấp (trong đó 02 cấp tỉnh, 03 cấp trường, 04 cấp khoa); 03 cuộc tọa đàm cấp tỉnh; biên soạn xuất bản 02 cuốn sách làm tài liệu tham khảo và chuyên khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; biên soạn và đưa vào chương trình bồi dưỡng 02 tài liệu; phát hành 09 kỷ yếu Hội thảo khoa học; xuất bản 03 số Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn; 17 lượt cán bộ viên chức được đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, Cao cấp Lý luận chính trị và các loại hình bồi dưỡng khác, qua đó trình độ và năng lực của đội ngũ viên chức, giảng viên không ngừng được nâng lên. Đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm của nhà trường hiện tại có 22 người, trong đó, trình độ thạc sỹ chiếm 86%; giảng viên giỏi cấp khoa đạt trên 70%; giảng viên giỏi cấp trường đạt trên 55,5%; giảng viên xuất sắc cấp trường đạt 11%; nhà trường có 02 giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi tại Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của đội ngũ giảng viên, học viên đã đạt được, trong đợt thi đua chào mừng ngày 20/11 năm nay đã có 10 đồng chí giảng viên, viên chức của nhà trường, 15 học viên tiêu biểu xuất sắc của các lớp Trung cấp Lý luận chính trị dự thi Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị được Hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen; 07 viên chức, giảng viên của nhà trường được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị”.
Đồng chí Nguyễn Tiến Tăng - Hiệu trưởng
trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đào tạo lý luận chính trị cho viên chức, giảng viên nhà trường
Trong công tác xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, nhà trường đã chủ động ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án đối với tất cả các tiêu chí; ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá các tiêu chí đảm bảo đúng quy định; bám sát nội dung Kế hoạch của Ban chỉ đạo, chủ động tham mưu 100% các tiêu chí được quan tâm triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã đạt 37/55 tiêu chí = 67,3%, tăng 11 tiêu chí so với năm 2023.
Thay mặt lãnh đạo Trường, tôi đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương và cảm ơn tất cả đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động và học viên trong toàn Trường đã nỗ lực, sáng tạo liên tục, bền bỉ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên trong toàn trường trong đợt thi đua chào mừng ngày 20/11 hôm nay.
Thưa các quý vị đại biểu, thưa các đồng nghiệp yêu quý của tôi!
Trong ngày vui hôm nay, với tư cách cá nhân, tôi có một vài tâm sự nghề nghiệp với các bạn. Đúng 42 năm trước, năm 1982, tôi bước chân vào khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm để thực hiện ước mơ trong tim mai sau làm thầy giáo. Tôi bước vào nghề dạy học thật đơn thuần như một lẽ tự nhiên. Những ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi đã hiểu rằng, dạy học chính là lẽ sống, là tâm huyết của đời tôi. Tôi yêu những ánh mắt trong sáng, ngây thơ, những câu nói hồn nhiên, non trẻ của các em Trung học phổ thông, qua hình ảnh của các em, tôi được sống lại thời thơ ấu... Nhưng quan trọng hơn là tôi nhận ra được những giá trị của cuộc sống. Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên. Tôi vẫn mãi muốn là một nấc thang nhỏ trong bước đường đi tới vinh quang của các em, chính vì những lẽ đó mà tôi đã phấn đấu không ngừng nghỉ. Nghề dạy học thật kỳ lạ, nó vừa có sức hút người ta vào lại có lực đẩy người ta ra. Trên bước đường công tác, nhận thêm một quyết định ra xa trường bao nhiêu thì lực hút và nỗi đau đáu nhớ nghề càng da diết bấy nhiêu. Thật may, những năm cuối của con đường công tác, tôi lại được trở lại mái trường, chỉ có điều ngôi trường đặc biệt, trường không có học sinh, trường không có phụ huynh, trường chỉ có giảng viên, trường chỉ có học viên. Trường đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, trường vẻ vang mang tên trường Đảng. Các bạn gánh sứ mệnh cao cả, không chỉ dạy chữ, dạy người mà còn dạy làm lãnh đạo. Các bạn là cây thông bên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, cho đời. Vinh dự lớn thì đòi hỏi yêu cầu càng phải cao các đồng nghiệp ạ, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta không thể dạy học viên, người học chính trực nếu chúng ta nghĩ một đường, nói một đường làm một nẻo. Chúng ta không thể dạy tính tiên phong nếu chúng ta an phận trong vùng an toàn của mình, không dám mạo hiểm dấn thân để đổi mới sáng tạo. Chúng ta không thể dạy học viên tinh thần học tập suốt đời nếu chính chúng ta hài lòng với sự hiểu biết và bằng cấp mình đang có, không nỗ lực nghiên cứu, không liên tục làm mới mình. Chúng ta không thể giúp người học trải nghiệm nếu chính chúng ta không dấn thân trải nghiệm, áp dụng và thử thách những tri thức của mình trong thực tiễn.
Từ xưa, thầy cô thường được ví như những người đưa đò chở người học qua những dòng sông tri thức. Ngày nay, giữa biển thông tin và kiến thức vô bờ, người thầy sẽ là người hướng dẫn, chỉ đường giúp người học biết cách bơi và có thể tự bơi được trên hành trình tri thức riêng của mình.
Với các bạn học viên đặc biệt, đã là cán bộ lãnh đạo, đang làm cán bộ lãnh đạo, sắp làm cán bộ lãnh đạo, sẽ làm cán bộ lãnh đạo: sự có mặt của các bạn ở đây chính là lý do để nhà trường tồn tại và để chúng tôi có mặt tại đây ngày hôm nay. Tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn một điều mà ai cũng đã biết nhưng không hề cũ: Chúng tôi không thể nào dạy tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác tốt từ phía người học. Chính các bạn là nguồn cảm hứng, là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi khi bước lên bục giảng. Chúng tôi rất vui mừng khi các bạn say mê học tập, sống tích cực, sống có trách nhiệm với bản thân, yêu thương gia đình, dạy dỗ con cái, hiếu thảo với cha mẹ vì cha mẹ là người thầy đầu tiên, người thầy lớn nhất trong cuộc đời bạn. Đa số họ cũng gần đất xa trời. Thật sáo rỗng nếu như các bạn nói lời cảm ơn, chúc mừng chúng tôi hôm nay mà không yêu thương, hiếu thảo và có trách nhiệm với họ. Đồng thời, mỗi đồng chí tham gia học tập tại Trường Chính trị tỉnh phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng.
Thưa các bạn đồng nghiệp, các bạn học viên thân mến!
Năm 2024, công cuộc xây dựng Trường Chính trị tỉnh tiến tới đạt chuẩn mức độ 1 đã THUẬN, lãnh đạo nhà trường dự cảm và có một niềm tin mãnh liệt rằng năm 2025 trường sẽ THÀNH và năm 2026 trường sẽ ĐẠT, vì “Thuận thiên địa, đắc nhân tâm, vạn sự thành”. Đất nước đã bước vào kỷ nguyên vươn mình, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu nhất định sẽ vươn mình thành công cùng Đất nước.
Trong không khí nồng ấm nghĩa tình, hân hoan và tự hào của Ngày Nhà giáo Việt Nam, cho phép tôi một lần nữa thay mặt lãnh đạo nhà trường xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ các thầy cô giáo và cán bộ viên chức, các cấp lãnh đạo của tỉnh, các ban, sở ngành, các huyện, thành phố, các Trung tâm Chính trị thuộc tỉnh Lai Châu trong thời gian qua đã đồng lòng chung sức, giúp nhà trường phát triển được như ngày hôm nay.
Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức, người lao động nhà trường, các bạn học viên, các cơ quan báo chí nhiều sức khỏe, niềm vui và luôn ngập tràn hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn!