KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH: TẦM NHÌN VÀ KHÁT VỌNG CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Thứ năm - 07/11/2024 20:36 68 0
      Trong buổi trao đổi chuyên đề tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào chiều ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã mang đến một thông điệp sâu sắc về kỷ nguyên mới của Việt Nam - "Kỷ Nguyên Vươn Mình". Với thông điệp mạnh mẽ và những định hướng chiến lược quan trọng, Tổng Bí thư đã khắc họa một lộ trình dài hơi, thúc đẩy đất nước vượt lên tầm cao mới, xây dựng nền tảng phát triển bền vững và tự cường. Chuyên đề này không chỉ là một lời kêu gọi, mà còn là một kim chỉ nam cho tương lai của dân tộc, đặt ra nhiều kỳ vọng và hướng đi cụ thể cho một kỷ nguyên giàu mạnh và phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các học viên cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIV về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
      Bối Cảnh Thời Đại và khát vọng xây dựng Việt Nam mạnh mẽ, tự chủ
     Một trong những điểm nhấn quan trọng của bài phát biểu là khát vọng không ngừng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, tự lực tự cường, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đây là thời kỳ mà đất nước có đủ cơ sở về nội lực, về vị thế để chuyển mình và bứt phá. Chúng ta đã và đang sở hữu những thành tựu quan trọng sau 40 năm đổi mới, từ vị thế kinh tế, chính trị đến uy tín trên trường quốc tế. Sức mạnh tổng hợp này chính là nền tảng để Việt Nam vươn lên một tầm cao mới, mở ra một giai đoạn phát triển đầy tham vọng nhưng cũng vô cùng thách thức. Kỷ nguyên mới là thời điểm mà dân tộc Việt Nam không chỉ cần tồn tại mà còn phải vươn lên mạnh mẽ, tự cường, chủ động trong việc xây dựng và phát triển. Đồng chí nêu rõ: “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt” nhằm thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây không chỉ là một câu khẩu hiệu mà còn là một động lực mạnh mẽ để toàn dân tộc cùng nhau hướng tới những mục tiêu lớn lao.
     Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, phát triển không chỉ dừng lại ở việc gia tăng số lượng mà phải đặt trọng tâm vào chất lượng - đó là sự bền vững, lâu dài và có chiều sâu. Chỉ khi phát triển toàn diện, từ kinh tế đến xã hội, từ công nghệ đến văn hóa, chúng ta mới có thể đảm bảo một Việt Nam giàu mạnh, văn minh và hiện đại, thực sự trở thành một trụ cột đáng tin cậy trong khu vực và quốc tế.
      Chiến lược đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
     Trong bài trao đổi, Tổng Bí thư đã chỉ ra 7 định hướng chiến lược quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
      Một là cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng
     Có thể thấy việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là định hướng chiến lược quan trọng đầu tiên, được coi là chìa khóa thành công, đòi hỏi sự quyết liệt và linh hoạt. Trong chuyên đề, Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra 4 nhóm hạn chế lớn và nêu rõ 4 giải pháp chiến lược trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ”. Đồng chí nhấn mạnh bộ máy nhà nước phải nhanh chóng cải cách để tinh gọn, hiệu quả, tập trung vào mục tiêu cốt lõi thay vì dàn trải và lặp lại các thủ tục không cần thiết. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất để Đảng và Nhà nước tiếp tục gần gũi hơn với dân, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn, đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Thực tế cho thấy, sự cồng kềnh trong bộ máy hành chính không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý mà còn là nguyên nhân gây ra lãng phí lớn về nguồn lực. Việc đơn giản hóa các thủ tục, cải cách hành chính không chỉ giúp bộ máy nhà nước hoạt động trơn tru, mà còn là cách để thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc làm cho bộ máy trở nên minh bạch, hiệu quả và gần gũi hơn với nhân dân. Đồng chí kêu gọi thực hiện nghiêm túc các quy định mới, tăng cường giám sát để ngăn chặn tình trạng làm thay, bao biện trong công tác lãnh đạo, giúp tổ chức Đảng hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và giữ vai trò “cầm lái” đúng nghĩa.
     Hai là tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
     Ở chiến lược này đồng chí đã chỉ ra 3 hạn chế cơ bản trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời nêu rõ 6 giải pháp để đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là thể chế, yêu cầu cấp thiết là phải phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
      Ba là tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả
     Tổng Bí thư chỉ rõ, nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết. Sự cồng kềnh trong bộ máy hành chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước, cần được loại bỏ để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Đồng chí chỉ ra 3 chủ trương chiến lược cơ bản để cải cách bộ máy Nnước, hoạt động trơn tru, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực và tập trung vào mục tiêu cốt lõi, thực hiện nghiêm túc các quy định mới và tăng cường giám sát.
      Bốn là chuyển đổi số
     Một điểm nhấn khác trong tầm nhìn của Tổng Bí thư là cuộc cách mạng chuyển đổi số - là một trọng tâm trong chiến lược phát triển mới, là động lực tạo đà phát triển. Trong kỷ nguyên mới, chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ mà phải thay đổi cách thức sản xuất, quản lý và vận hành của toàn bộ hệ thống. Dữ liệu, công nghệ và tri thức sẽ trở thành những tài nguyên quan trọng nhất, giúp Việt Nam đón đầu các xu hướng công nghệ toàn cầu, từ đó phát triển vượt bậc. Bằng cách tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam có cơ hội vượt qua thách thức để nhanh chóng bứt phá. Xây dựng một xã hội số toàn diện sẽ không chỉ giúp giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp mà còn nâng cao năng suất lao động, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, sự chuyển đổi này cần có chiến lược rõ ràng và quyết liệt. “Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia để lãnh đạo thực hiện quyết liệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị”. Nhà nước sẽ phải đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng kỹ thuật số, từ đó tạo ra cơ hội cho các ngành công nghiệp mới và thúc đẩy nền kinh tế số. Đây là một điểm mạnh mẽ trong tầm nhìn của Tổng Bí thư, bởi lẽ chỉ khi công nghệ số được phổ biến rộng rãi, Việt Nam mới có thể tạo đà để phát triển nhanh chóng, bắt kịp và thậm chí vượt qua các nước trong khu vực.
      Năm là chống lãng phí
     Bên cạnh các mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư cũng đề cập sâu sắc đến vấn đề chống lãng phí. Lãng phí không chỉ là mất đi tài sản mà còn là sự suy giảm lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Để đối phó với tình trạng này, đồng nhấn mạnh vào việc tối ưu hóa bộ máy nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp và đầu tư công một cách hợp lý. Chống lãng phí giờ đây cần phải được thực hiện tương đương với chống tham nhũng, nghiêm túc và quyết liệt, từ việc sử dụng tài nguyên, ngân sách nhà nước đến quản lý tài sản công, nhằm đảm bảo rằng mọi nguồn lực quốc gia đều được sử dụng một cách hiệu quả.
     Đảng và Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích các sáng kiến, các phong trào tiết kiệm, đồng thời áp dụng nghiêm minh các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn và xử lý những hành vi gây ra lãng phí. Đây không chỉ là hành động giữ vững nguồn lực quốc gia, mà còn là một cách để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước.
      Sáu là về cán bộ
     Một trong những yếu tố cốt lõi giúp thực hiện thành công mục tiêu kỷ nguyên mới là xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công tác cán bộ phải thực sự khoa học và minh bạch, cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dám đổi mới, sáng tạo và tiên phong. Đồng thời, phải mạnh dạn loại bỏ những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, phẩm chất, những người làm cản trở sự phát triển chung. Ngoài ra, Tổng Bí thư kêu gọi tập trung vào công tác đào tạo cán bộ trẻ, có bản lĩnh, có khát vọng, có tinh thần phục vụ đất nước. Những cán bộ này sẽ là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của đất nước, là lực lượng nòng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước đi đến những đỉnh cao mới trong thời đại hội nhập.
     Bảy là về kinh tế
     Việt Nam hiện đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng kể, tuy nhiên nguy cơ tụt hậu vẫn là một thách thức lớn. Trước nguy cơ tụt hậu và những thách thức từ môi trường quốc tế, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và bao trùm. Đồng chí chỉ rõ 4 nhóm giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế. Nền kinh tế cần tập trung vào nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là những yếu tố mấu chốt để Việt Nam có thể đẩy lùi nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình” và tiếp tục vươn lên.
     Kỷ nguyên vươn mình đã bắt đầu. Trong bối cảnh thế giới thay đổi từng ngày, Việt Nam cần mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới với tất cả niềm tin, khát vọng và quyết tâm, tiếp nối truyền thống dân tộc và đưa đất nước vươn lên tầm cao mới. Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ mang tính chiến lược mà còn truyền tải một niềm tin mạnh mẽ, rằng Việt Nam có thể và sẽ thành công trong việc xây dựng một đất nước giàu mạnh, tự chủ, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là lời kêu gọi hành động, kêu gọi sự đoàn kết từ tất cả người dân Việt Nam, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân trong thời gian tới./.

 

Tác giả: ThS. Đặng Thu Hiếu - Phó Hiệu trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,753
  • Tháng hiện tại81,795
  • Tổng lượt truy cập9,011,418
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down