Quang cảnh buổi làm việc
Đảm bảo điều kiện cho một thiết chế đào tạo hạt nhân
Tham gia Đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, UBND phường Đoàn Kết. Về phía Trường Chính trị tỉnh, đồng chí Lê Chí Công, Hiệu trưởng cùng Ban Giám hiệu và lãnh đạo các phòng chức năng đã đón tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Dự án đã trình bày Thuyết minh Dự án Trường Chính trị tỉnh (Giai đoạn II), đề xuất đầu tư mới giai đoạn 2026-2030 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 75 tỷ đồng từ ngân sách. Dự án nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất theo đúng tiêu chí chuẩn mức 1, làm nền tảng cho việc hướng tới đạt chuẩn mức 2 vào năm 2035.
Theo báo cáo, hiện Trường có hai cơ sở: Cơ sở 1 tại số 258 Trần Phú có diện tích hơn 17.980 m², với nhiều hạng mục đã xuống cấp như nhà giảng đường, nhà hiệu bộ, hội trường... Cơ sở 2 là trụ sở UBND phường Tân Phong (cũ) vừa tiếp nhận, có diện tích hơn 3.700 m². Tổng diện tích toàn trường sau sáp nhập là hơn 21.700 m². Tuy nhiên, điều kiện hiện tại chưa đủ để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trường chuẩn mức 1 về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và môi trường dạy học.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đồng bộ đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Phát biểu tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Lê Chí Công khẳng định sự nhất trí cao với nội dung Thuyết minh dự án và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh cũng như sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng chí nhấn mạnh: “Việc đầu tư cơ sở vật chất không chỉ nhằm đạt chuẩn hình thức, mà còn phải gắn với đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.
Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, đồng chí Tống Thanh Hải yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện thủ tục bàn giao trụ sở phường Tân Phong (cũ) cho Trường Chính trị tỉnh, đồng thời sớm bổ sung quy hoạch, chuyển quyền sử dụng đất bảo đảm đầy đủ tính pháp lý. Trên cơ sở đó, cần xây dựng phương án đầu tư cải tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, đào tạo cán bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Nhà trường trong giai đoạn tới.
Đồng chí nhấn mạnh: “Đầu tư cho Trường Chính trị tỉnh là đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ - một nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh trong thời kỳ mới”.
Tầm nhìn xa - Hành động quyết liệt
Việc kiểm tra, đánh giá và đề xuất đầu tư cho Trường Chính trị tỉnh không chỉ đơn thuần là cải tạo cơ sở vật chất, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, vai trò của Trường Chính trị càng được đặt lên hàng đầu, thực sự trở thành một trung tâm đào tạo “nguồn” cán bộ lãnh đạo của tỉnh.
Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, ngành, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ, vươn lên xứng tầm là cơ sở đào tạo cán bộ kiểu mẫu của khu vực và cả nước.