CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ THỜI ĐẠI

Thứ hai - 19/08/2024 02:38 166 0
      Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Trải qua 79 năm (1945-2024), sự kiện này vẫn tiếp tục tỏa sáng với những giá trị lịch sử vĩ đại. Thành công của cuộc Cách mạng đã kết thúc hơn 80 năm thống trị của chế độ thực dân nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới của độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam với việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sức mạnh của phong trào yêu nước và quyền lực của nhân dân trong việc xây dựng một xã hội tự do và độc lập. Những giá trị lịch sử này không chỉ định hình con đường phát triển của đất nước mà còn truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Thành công của cách mạng này có nhiều giá trị lịch sử vĩ đại, nổi bật nhất là:
      Thứ nhất, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lật đổ chính quyền thực dân, chấm dứt chế độ thuộc địa và dành lại độc lập cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một chính quyền đại diện cho ý chí của toàn thể người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một sự thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”(1). Sau khi giành được độc lập, người dân Việt Nam có quyền tự quyết về các vấn đề quốc gia và chính trị như tự do bầu cử, lựa chọn các chính sách và tham gia vào quyết định vận mệnh của đất nước mà không bị can thiệp từ bên ngoài. Tên tuổi của nước ta lại lừng lẫy năm châu, bốn biển.
      Thứ hai, đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, ngày 19 tháng 8 năm 1947 “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân”(2). Mặt khác, thắng lợi này đã tạo động lực mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ chống đế quốc, thực dân, xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa; là cơ sở, điều kiện tiên quyết để tạo dựng nền móng vững chắc để dân tộc Việt Nam đứng lên đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ (1945 - 1975) giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó cũng chính là nền tảng, ngọn nguồn sức mạnh để dân tộc ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
      Thứ ba, Đảng ta đã trở thành một đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước - đảng cầm quyền: Điều đó khẳng định trên thực tế khả năng và hiệu quả lãnh đạo của một Đảng tuy còn rất non trẻ, ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến nhưng đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội, thực sự là một tổ chức chính trị tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến đấu quên mình trước hết vì lợi ích thiết tha nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc lúc này là độc lập và tự do.
      Thứ tư, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc: Sự thành công của cách mạng không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa khác trên toàn thế giới, đặc biệt ở các thuộc địa châu Á và châu Phi. Thành công của Cách mạng không chỉ là kết quả của đấu tranh gian khổ, mà còn biểu hiện của một tư tưởng chính trị đúng đắn, sự nhạy bén trong chính trị và lòng tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp cách mạng, trong đó có vai trò nổi bật của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
      Thứ năm, Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã chứng minh tính cách mạng, khoa học của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; là sự tiếp nối và là thắng lợi tất yếu sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại năm 1917: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra (3). Đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, thắng lợi của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn do Đảng ta vạch ra và lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại. Thành công của Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng mácxít chân chính, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo có thể giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để.
      Đã 79 năm từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chúng ta có thể thấy rõ những giá trị lịch sử quan trọng mà sự kiện này để lại vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
      Với vai trò là giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lai Châu, việc giảng dạy lý luận chính trị cần chú trọng đến việc làm rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Điều này không chỉ giúp học viên hiểu sâu sắc về nguồn gốc và các nguyên tắc cơ bản của cách mạng, mà còn khuyến khích học viên vận dụng các bài học lịch sử vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử tại cơ quan, đơn vị hoặc địa phương. Đặc biệt, việc phân tích, vận dụng các giá trị lịch sử từ cuộc cách mạng này vào thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị là cần thiết giúp nâng cao nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội của cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
      Tài liệu trích dẫn:
      (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.25-26.
      (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.218.
      (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.180.

Tác giả: ThS. Khúc Thị Phương Thảo - Giảng viên Khoa Nhà nước pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay2,230
  • Tháng hiện tại82,272
  • Tổng lượt truy cập9,011,895
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down