Dân tộc Việt Nam Trong quá trình phát triển của mình đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, chưa có giai đoạn nào dân tộc Việt Nam lại có được những thành quả hết sức to lớn bằng giai đoạn từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển của dân tộc.
Ngày 01/9/1958, liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công thành phố Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Năm 1884, với việc ký với Pháp Hiệp ước Patơnốt, triều đình nhà Nguyễn về bản chất đã chấp nhận sự cai trị của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam từ một quốc gia độc lập, trở thành thuộc địa của Pháp. Từ đây, Nhân dân Việt Nam phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc và địa chủ phong kiến, tay sai.
Trước sự xâm lược, thống trị của thực dân Pháp, các phong trào kháng chiến chống thực dân đã nổ ra mạnh mẽ. Đặc biệt, sau khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương (7/1885) kêu gọi Nhân dân đứng lên chống Pháp, hàng chục cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ phong kiến đã nổ ra ở khắp Bắc - Trung - Nam, nhưng đều bị đàn áp dã man và lần lượt thất bại.
Tình hình mới làm xuất hiện phong trào cứu nước theo xu hướng dân chủ tư sản như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang Phục Hội... Tuy nhiên, các phong trào này cũng bị thực dân Pháp khủng bố quyết liệt nên chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi bị dập tắt. Nhân dân Việt Nam chìm trong kiếp nô lệ, lầm than, tưởng chừng không lối thoát.
Theo dõi diễn biến thời cuộc, mặc dù rất khâm phục chí khí của những người đi trước, nhưng Nguyễn Tất Thành không tán thành cách làm của các vị tiền bối. Trăn trở với vận mệnh đất nước bị xâm lăng, Nhân dân lầm than cực khổ, Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Không hướng về phương Đông truyền thống, Người quyết tâm sang Pháp, nơi sinh ra chủ nghĩa tư bản, quê hương của cách mạng tư sản Pháp, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái, “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào”. Một lần khác, trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ, sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (1).
Trên con đường ra đi tìm đường cứu nước, trong gần 10 năm (1911- 1920), Nguyễn Tất Thành đã đi nhiều nước, nhiều châu lục, nhiều vùng lãnh thổ, vừa lao động, vừa kiếm sống, vừa nghiên cứu, học hỏi thực tiễn, Người đã tích lũy và chắt lọc cho vốn tri thức của mình các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là kinh nghiệm của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới như cách mạng tư sản Mỹ (1776), cách mạng tư sản Pháp (1789), nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Trong các cuộc cách mạng ấy, Người khẳng định: Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam.
Khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy con đường đi cho dân tộc Việt Nam và để hiện thực hóa, Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức để cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị “phần lớn học viên là những thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, cũng có một vài người là tú tài nho học”(2) nhằm mục đích đào tạo đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho việc thành lập Đảng; đây cũng là sự chuẩn bị về con người và sự chuẩn bị này là hết sức khoa học, không nôn nóng, nhưng hết sức cấp thiết. Sau các khóa học, các lớp cán bộ qua đào tạo được Nguyễn Ái Quốc cử về nước thâm nhập vào các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng các tổ chức đảng, vận động quần chúng theo cách mạng. Kết quả đạt được là rất rõ nét, đến năm 1929 ở Việt Nam đã hình thành nên ba tổ chức cộng sản đó là: An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Liên Đoàn. Ba tổ chức cộng sản hoạt động ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hoạt động của ba tổ chức Cộng sản đã tạo ra các phong trào cách mạng rầm rộ. Lúc này đòi hỏi của cách mạng Việt Nam là cần thiết phải hợp nhất ba tổ chức cộng sản để thành lập, cho ra đời một đảng duy nhất, thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước. Thực hiện sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, mùa xuân năm 1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện thông qua Hội ngị gồm Chánh cương vắn tắt của Đảng; Sách lược vắn tắt của Đảng; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chương trình tóm tắt của Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước của các phong trào cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Từ đây, các giai cấp, tầng lớp trong nước đã có một chính đảng mácxít chân chính lãnh đạo, với đường lối cách mạng, khoa học khác hẳn so với các phong trào yêu nước cùng thời. Nếu các phong trào yêu nước khác đang bất lực trước thực tiễn đất nước, cũng như đang trông chờ vào sự giúp đỡ hay rủ lòng thương của nước Anh hay nước Mỹ… thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khắc phục được những hạn chế của các phong trào cách mạng trước đó. Khi ra đời, Đảng là một bộ phận của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, có sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc tế Cộng sản, Đảng không đơn độc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân, Đảng nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của các Đảng Cộng sản anh em trên toàn thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu sự phát triển về chất trong trào cách mạng Việt Nam. Nếu các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX dựa trên hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng dân chủ tư sản để đánh đuổi đế quốc, thực dân nhằm khôi phục nhà nước phong kiến hoặc tiến bộ hơn là xây dựng nhà nước tư sản, đã không những không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam mà còn không phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có chủ nghĩa Mác-Lênin, một học thuyết cách mạng và khoa học làm nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho Đảng hành động đã đáp ứng được đòi hỏi về con đường cứu nước, xác định được đường đi cho dân tộc Việt Nam hướng tới xã hội mới đó là xã hội xã hội chủ nghĩa - một xã hội tiến bộ hơn hẳn so với xã hội phong kiến và xã hội tư sản.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mau chóng nhận được sự ủng hộ của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội vì Đảng không có lợi ích của riêng mình như các phong trào cứu nước khác. Nếu các phong trào yêu nước theo khuynh hướng phong kiến hay dân chủ tư sản đấu tranh chống đế quốc, thực dân để nhằm mục đích mang lại lợi ích cho giai cấp mình thì Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đánh đổ đế quốc, thực dân với mục đích giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân - tức là lợi ích của Đảng cũng là lợi ích của các giai cấp, lợi ích của Nhân dân lao động và toàn dân tộc. Chính vì vây, Đảng giành được niềm tin của các giai cấp, của Nhân dân lao động, tập hợp được một lực lượng to lớn đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Vì vậy, Đảng tin vào dân, dựa vào dân, tạo nên sự thống nhất giữa “Ý Đảng, lòng dân”, chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với mục tiêu, con đường, phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ áp bức của chế độ thực dân kéo dài hơn 80 năm; xóa bỏ chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Có thể khẳng định rằng sẽ không thể có một tổ chức yêu nước nào, một Đảng chính trị nào có thể làm được như Đảng Cộng sản Việt Nam.
94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn, đúng như Đại Hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Thực tiễn đó đã khẳng định vai trò, công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc ta, Nhân dân ta, đất nước ta. Tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta đã và đang tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tài liệu trích dẫn:
(1), (2) Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh: Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, t1, tr30, 242.
Tài liệu tham khảo:
(1) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội va con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022
(2) Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H.2021.