QUAN ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỀN VĂN CỪ TRONG TÁC PHẨM “TỰ CHỈ TRÍCH”

Thứ sáu - 05/07/2024 07:09 264 0
      Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng lúc 26 tuổi, đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Là Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí, sau ngày thành lập Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng làm bùng lên một phong trào đấu tranh sôi nổi của công nhân vùng mỏ, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng ủy Nhà tù Côn Đảo (những năm 1931 - 1936), đồng chí đã góp phần thực hiện xuất sắc chủ trương của Đảng "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng". Là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi sau đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần tích cực mở ra mặt trận báo chí công khai sôi nổi chưa từng có ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Trong những năm 1936 – 1939, trên cương vị là Tổng Bí thư (từ tháng 3 - 1938), tại Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1939, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc tập trung mũi nhọn của cách mạng vào đế quốc và tay sai, chuẩn bị điều kiện trực tiếp cho việc giành quyền, mở ra một thời kỳ mới của cách mạng nước ta, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
      Những năm 1938 - 1939, tình hình Nam Kỳ có nhiều vấn đề phức tạp. Một số cán bộ quan trọng của Đảng bị mật thám bắt, bọn tờrốtkít đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng. Trong cuộc bầu cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, Mặt trận dân chủ đã không thành công trong khi bọn tờrốtkít lại thắng lợi. Trong tình hình ấy, một số cán bộ của Đảng lại có những ý kiến bất đồng về đường lối, quan điểm, phạm sai lầm “tả” khuynh và “hữu” khuynh. Nhằm chấn chỉnh kịp thời những tư tưởng lệch lạc sai trái, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã lãnh đạo cuộc đấu tranh lột mặt nạ và cô lập bọn tờrốtkít; đồng thời, tiến hành một cuộc tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng, góp phần khôi phục sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in tác phẩm “Tự chỉ trích”.
      Mở đầu tác phẩm Tự chỉ trích đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết: “Trước hết phải nhận thế nào là tự chỉ trích bônsơvích. Tự chỉ trích bônsơvích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh…”(1). Đồng chí khẳng định: “Đối với uy tín của Đảng thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”(2). Đối với Đảng, đồng chí khẳng định: “Đảng vì còn trẻ tuổi nên còn phạm nhiều khuyết điểm, nhiều sự sai lầm; điều ấy Đảng luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi. Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích, nhưng phải có nguyên tắc”(3). Đồng thời, đồng chí cũng tỏ thái độ đồng tình, nếu cá nhân đảng viên nào mà thấy Đảng ta có sai lầm cũng có thể đem ra chỉ trích, nếu đúng thì Đảng rất hoan nghênh. Tổng bí thư đã phê phán nghiêm khắc xu hướng “tả” khuynh cô lập và xu hướng “hữu” khuynh thỏa hiệp. Đồng chí khẳng định quan điểm của Đảng ta là “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”(4).
      Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là phải nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ khuyết điểm và dám nhận ra những sai lầm của mình; đồng thời, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi khắc phục để đi đến thống nhất ý chí và hành động. Đây chính là thể hiện tinh thần dân chủ, công khai, tính xã hội rộng rãi rất cao, không chỉ đối với tổ chức đảng mà còn đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó cho thấy, sự phê bình và tự phê bình không phải chỉ dừng ở phương diện cá nhân nhân cách cán bộ mà cao hơn thế, ở tầm tư tưởng chiến lược của cách mạng. Đó là một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta trong đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm củng cố sự thống nhất và nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng.
      Đồng thời, Nguyễn Văn Cừ phê bình việc “Không nhận rõ mối tương quan giữa phần tử và đảng phái… không phân biệt một đảng phái cải lương với một đảng phản động, không biết nhận rõ rằng: trong chính sách liên minh, chúng ta, những người cộng sản, chỉ có thể tùy theo hoàn cảnh mỗi lúc mà liên hiệp với những đảng phái cách mạng hay những đảng phái cải lương, tiến bộ ít nhiều, chớ còn với những đảng phản động thì không bao giờ có thể liên minh được”(5). Với tư cách Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Xin các đồng chí từ nay về sau trước khi muốn tuyên truyền chính sách của Đảng trên các báo sách phải có thảo luận với nhiều anh em đã”(6). Kết luận về chủ trương sai lầm lúc đó, Nguyễn Văn Cừ viết: “Nó đã biểu lộ trong suốt bài này và trong nhiều bài khác, ở nhiều dịp khác nó không phải là một sự sơ suất tình cờ, nó đã gần thành một xu hướng mà ta có thể gọi tên là xu hướng thỏa hiệp, xu hữu khuynh”(7).
      Với những gì đã viết, đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời kỳ vận động dân chủ của Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tài năng xuất chúng và sự nhạy bén chính trị, đồng thời thực tiễn đó đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện đường lối của Đảng ta từ Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (1 -1939) đến Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (11–1940) và lần thứ tám (5-1941) chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
      Tác phẩm Tự chỉ trích đã đóng góp rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn vào công tác xây dựng Đảng. Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa công khai; vừa thi hành một sách lược mềm dẻo nhằm lôi kéo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi, vừa phải giữ vững nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin; chống “tả” khuynh và “hữu” khuynh nhằm đi tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Thường xuyên tự phê bình và phê bình là một truyền thống quý báu, một nguyên tắc trong sinh hoạt của Đảng ta, một đảng mácxít do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Chính nhờ đó mà Đảng ta kịp thời phát hiện được sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo cách mạng, tránh được "tả" khuynh, “hữu” khuynh, kiên quyết sửa chữa sai lầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Có thể khẳng định, tinh thần "tự chỉ trích" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo.
      Tài liệu trích dẫn:
      (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.624, 624, 624-625,626, 632, 629, 636.

Tác giả: ThS. Tống Mạnh Hùng - Giảng viên khoa Nhà nước pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay3,165
  • Tháng hiện tại80,340
  • Tổng lượt truy cập8,892,989
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down