Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu. Để đất nước độc lập, tự do, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Biết bao người con ưu tú đã ngã xuống, bao người trở về không còn lành lặn, mãi mãi mang thương tật trong mình... Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn công tác và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đã dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Lai Châu
Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Sinh thời, Hồ Chủ Tịch luôn rất quan tâm về các chính sách đối với những thương binh, liệt sĩ, người thường xuyên gửi thư thăm hỏi và gửi quà cho các anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Đảng và Nhà nước ta đã và đang có rất nhiều chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với những người có công, cũng như gia đình, con em của họ. Ngày 29-8-1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và 2002. Để phù hợp với điều kiện thực tế của giai đoạn hiện nay, năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thay thế cho Pháp lệnh 1994 với nhiều quy định thiết thực ưu đãi người có công như: Liệt sĩ được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công, Liệt sĩ được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại địa phương nơi cư trú của gia đình. Thân nhân liệt sĩ được trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử, con của liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh và tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. Các mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng các chế độ ưu đãi như chế độ của liệt sĩ. Ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp hàng tháng, được Nhà nước và nhân dân tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở và nhiều ưu đãi quan tâm khác.
Ngoài chế độ trợ cấp, Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ ưu đãi như: chế độ chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh công tác vận động xã hội, tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Điều đáng mừng, phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và tầng lớp xã hội, trở thành nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và Nhân dân cả nước, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà Tình nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”... để chăm sóc cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... đã lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid 19 đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác chăm sóc người có công với cách mạng vẫn được Đảng và Nhà nước ưu tiên quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, do đó đời sống của người có công và thân nhân của họ vẫn được bảo đảm ổn định. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công luôn được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Với Nghị định 55/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Một bộ phận người có công chưa được xác nhận, công nhận và hỗ trợ. vẫn còn thiếu quy định về xác nhận người có công và một số chế độ trợ cấp chưa đảm bảo nâng cao mức sống người có công trên mức trung bình của xã hội. Chưa tạo ra cơ chế phù hợp để xã hội hóa, chia sẻ và phát huy đầy đủ các nguồn lực của toàn xã hội cùng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công, vẫn còn những thiếu sót trong các khâu cải cách hành chính nhà nước bao gồm thể chế chính sách, tổ chức bộ máy và công chức, công vụ. Đặc biệt, tình trạng chậm giải quyết chế độ chính sách cho người có công, tình trạng gian lận, tham nhũng vẫn còn xảy ra trong lĩnh vực thực hiện chính sách người có công...
Trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật và tính công bằng trong thực hiện chính sách người có công. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng, cụ thể là hoàn thiện các quy định về xác nhận người có công, điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội. Tăng cường đổi mới quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội, trong đó coi trọng đổi mới đồng bộ cả thể chế chính sách, tổ chức bộ máy và công chức, công vụ. Coi trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực, tiếp tục tổ chức thực hiện các phong trào toàn dân chăm sóc người có công; tạo điều kiện việc làm, học nghề, giảm nghèo cho người có công và thân nhân người có công tham gia ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của gia đình và cộng đồng...
Cần phải khẳng định, chúng ta đã làm được nhiều việc ý nghĩa, xong vẫn chưa thể bù đắp hết những công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã hi sinh cuộc đời, tính mạng, máu hoặc một phần thân thể của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của dân tộc. Những ngày tháng 7 thiêng liêng này, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ diễn ra trên khắp cả nước, với những hành động mang ý nghĩa tôn vinh người có công với cách mạng, khẳng định ý nghĩa vô giá của sự cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là niềm vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và cả mai sau./.