HÀ NỘI SAU 70 NĂM GIẢI PHÓNG: BIỂU TƯỢNG CỦA CHIẾN THẮNG VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ hai - 07/10/2024 20:50 176 0

HÀ NỘI SAU 70 NĂM GIẢI PHÓNG: BIỂU TƯỢNG CỦA CHIẾN THẮNG  VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 10 tháng 10 năm 1954 là một ngày lịch sử của Thủ đô Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam. 70 năm qua, ngày này không chỉ ghi dấu sự chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, mà còn mở ra một chương mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, cùng nhìn lại những thành tựu nổi bật và vai trò quan trọng của Hà Nội đối với sự phát triển chung của đất nước.
      Ngày trở về vinh quang
      Khi thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, hưởng ứng lời kêu gọi ngày 19 tháng 12 năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, bắt đầu giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Để đảm bảo an toàn, ta quyết định rút Chính phủ, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và quân đội khỏi Hà Nội để chuyển về vùng an toàn khu Việt Bắc, nơi có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc tổ chức kháng chiến lâu dài.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 25 tháng 7 năm 1954, mở đường cho việc giải phóng miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
      Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tranh thủ thời gian này, Pháp và Mỹ bắt tay, cùng âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến. Chúng tính toán trao lại trả cho ta một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn để ta không thể mau chóng khôi phục, xây dựng địa phương đầu não quan trọng hòng làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở cả trong nước và quốc tế. Từ đó, ngăn chặn ta hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền Bắc, tạo tiền đề thuận lợi cho chúng tiếp tục thực hiện âm mưu, kế hoạch xâm lược mới chống lại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
      Xác định rõ việc tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc mới giải phóng là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt công tác tiếp quản Hà Nội, giải phóng hoàn toàn Thủ đô và nhìn thấu âm mưu thâm độc của kẻ thù, ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới: “Cuộc đấu tranh ái quốc của Nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta và của Đảng ta còn rất nặng nề. Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”. Đồng thời lên kế hoạch kỹ lưỡng và triển khai cẩn trọng tất cả các hoạt động phục vụ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
      Lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội là các đơn vị quân đội. Để làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, xác định đúng thái độ và quán triệt nhiệm vụ khó khăn, quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp, nói chuyện và chỉ thị trực tiếp cho cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô vào ngày 19 tháng 9 năm1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ.
      Từ ngày mùng 02 tháng 10 năm 1954, Chính phủ đã phái các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản.
Một đơn vị bộ đội ta qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội trước sự chứng kiến của đoàn Ủy ban quốc tế thi hành Hiệp định Geneva
và quan sát viên quốc tế, chiều 9/10/1954.
Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trung đoàn Thủ Đô đi đầu về đến Hàng Gai ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan chào đón của đông đảo Nhân dân Hà Nội
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Nguyễn Bá Khoản
      Ngày 10 tháng 10 năm 1954, sau gần 8 năm xa cách, những chủ nhân chân chính của Thủ đô đã trở về với trái tim của cả nước, với đồng bào. Mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già diện bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Chính phủ những đoàn quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chính thức tiến vào Hà Nội, tiếp quản, giải phóng hoàn toàn Thủ đô từ tay thực dân Pháp. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Đúng 15 giờ chiều 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long). Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nhân dân Hà Nội: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”.
      Đây không chỉ là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống lại thực dân Pháp, bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử đất nước, mà còn còn có ý nghĩa quan trọng mang tầm vóc quốc tế, góp phần cổ vũ mạnh mẽ các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, thúc đẩy làn sóng đòi độc lập trên toàn thế giới, khẳng định sự thật lịch sử: dù phải đối mặt với những khó khăn và thử thách lớn lao, các dân tộc bị áp bức vẫn có thể giành lại tự do và chủ quyền của mình thông qua cuộc đấu tranh kiên trì và bất khuất.
      Thành tựu nổi bật sau 70 năm
      70 năm qua, Ngày giải phóng Thủ đô không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn trở thành biểu tượng của chiến thắng, đoàn kết và hy vọng, của sự hồi sinh, sự khôi phục và phát triển mạnh mẽ của một thành phố từng trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Từ ngày đó, Hà Nội đã không ngừng vươn lên, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, khẳng định vị thế trái tim của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Kinh tế phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng GDP ấn tượng, thu hút đầu tư mạnh mẽ. Vượt qua những khó khăn, thách thức trong hành trình 70 năm, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, là động lực phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Một thập kỷ gần đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội và số liệu của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm, trong đó năm 2023 GRDP của Hà Nội tăng 6,27%, chiếm khoảng 12,1% của cả nước. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của Hà Nội (khoảng 82,8 triệu đồng) lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 78 triệu đồng). Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,7%. Ngoài lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, nguồn lao động dồi dào, Hà Nội còn được trang bị một môi trường đầu tư thuận lợi với nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài nên luôn thuộc top đầu các tỉnh thành trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khẳng định vị thế trên bản đồ đầu tư FDI của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2010-2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Hà Nội đạt hơn 41 tỷ USD - chiếm 18,8% tổng số dự án và 8,77% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
      Văn hóa – xã hội phát triển toàn diện, góp phần khẳng định vị thế của Hà Nội không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Hà Nội hiện là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước với hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học ngày càng hoàn thiện. Với khoảng trên 140 trường đại học, học viện và cao đẳng, chiếm khoảng 1/3 số trường và trên 40% tổng số sinh viên cả nước, Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của hàng triệu sinh viên toàn quốc mà còn thu hút nhiều du học sinh quốc tế. Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp với gần 2,3 triệu học sinh, trong đó có nhiều trường đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 98% hàng năm, số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn đứng đầu cả nước. Năm học 2023-2024, Hà Nội có 184 giải học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông, giữ vững vị trí dẫn đầu về số học sinh giỏi quốc gia năm thứ 12 liên tiếp, kể từ năm học 2011-2012; có 12 học sinh đạt giải quốc tế; 3 học sinh được lựa chọn vào đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2024.
Hà Nội xứng tầm là Thủ đô năng động, đổi mới và phát triển
Ảnh: Internet
      Song hành với sự phát triển của ngành Giáo dục – Đào tạo, ngành Y tế Thủ đô cũng có những bước tiến vượt bậc, không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà còn đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của nền y học trong nước, thế giới, góp phần giải quyết tốt những vấn đề toàn cầu về sức khỏe con người. Với sự nỗ lực thực hiện chủ trương tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc khám chữa bệnh, đến nay, Ngành Y tế Hà Nội đã đạt nhiều thành công trong việc triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới hiện đại ngang tầm các bệnh viện trung ương và khu vực Đông Nam Á, tập trung ở các lĩnh vực như: Tim mạch, điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình, ghép thận... Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Đến năm 2023, Hà Nội đạt tỷ lệ 36,44 giường bệnh và 16,6 bác sĩ/vạn dân, có 488/579 (84,2%) xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hiện Hà Nội là thành phố có nhiều bệnh viện quốc tế lớn nhất cả nước, đặc biệt, ngành Y tế Thủ đô đã có 1 cơ sở y tế chất lượng quốc tế là Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng quốc tế ngay tại Việt Nam.
      Với vị thế của Thủ đô, Hà Nội còn là trung tâm lớn về văn hóa, là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng, miền, các dân tộc, để tạo nên nét riêng đặc sắc. Thành phố đã và đang gìn giữ, phát huy nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - một phần hồn cốt của Thăng Long - Hà Nội, nơi chất chứa những tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản”.
      Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, Hà Nội còn tạo ra những giá trị văn hóa mới, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của mô hình không gian sáng tạo như một luồng gió mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thành phố Hà Nội về thụ hưởng văn hóa. Đến nay, Hà Nội là nơi có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước, với hơn 60 địa điểm, hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, trở thành một trong những nhân tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
      Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần bảo đảm ổn định chính trị và phát triển bền vững. Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc phòng, trang bị cho lực lượng vũ trang các thiết bị hiện đại. Đặc biệt, thành phố đã xây dựng và củng cố các khu vực phòng thủ vững chắc, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Đối với lực lượng dân quân tự vệ, Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng và khả năng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng 144 trụ sở làm việc của ban CHQS cấp xã; thành lập 5 trung đội, 111 tiểu đội dân quân thường trực, 579 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt 23,1%, trong lực lượng dự bị động viên là 11,03%. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, từ công tác phòng chống tội phạm đến đảm bảo an toàn cho các sự kiện lớn được triển khai hiệu quả. Tội phạm và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, tạo môi trường xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, Hà Nội cũng chú trọng đến việc bảo đảm an ninh mạng. Thành phố đã thiết lập hệ thống giám sát, phát hiện và ứng phó kịp thời với các sự cố an ninh mạng. Đồng thời, Hà Nội không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Thành phố đã tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức an ninh khu vực. Qua đó, Hà Nội không chỉ khẳng định vai trò của mình trong việc bảo đảm an ninh quốc gia mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
      Với những thành tựu nổi bật, Hà Nội đã được được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng" và được bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 1999, Hà Nội là một trong 5 thành phố trên thế giới và là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu được "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO vinh danh. Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thiết kế; được trang TripAdvisor xếp vào top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á, đồng thời được công nhận là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch ẩm thực, nhận được nhiều lời khen ngợi từ các tạp chí ẩm thực uy tín như CNN Travel, National Geographic...
      Sự phát triển ấn tượng của Hà Nội trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh không chỉ thể hiện qua các con số, các danh hiệu mà còn thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tăng cường vị thế quốc tế của Thủ đô. Hà Nội hiện nay là một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng chung của Việt Nam.
      Bài học kinh nghiệm
      70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã cho thấy những bài học kinh nghiệm quý báu.
      Đó là bài học về sự đoàn kết, sáng tạo: Sự đoàn kết giữa các tầng lớp Nhân dân, giữa chính quyền và cộng đồng đã giúp Thủ đô phát huy sức mạnh tập thể, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong mọi lĩnh vực. Sự năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tập thể và vị thế của Thủ đô qua các thời kỳ cách mạng là yếu tố then chốt giúp Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhất là tinh thần sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình phát triển mới, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã giúp Hà Nội thập kỷ gần đây bứt phá, phát triển mạnh mẽ và bền vững.
      Đó là bài học về đổi mới, hội nhập: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đổi mới và hội nhập không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là một yêu cầu tất yếu, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Hà Nội trong tương lai. Tích cực đổi mới, nhất là đổi mới tư duy, khuyến khích sự sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng công nghệ mới xây dựng, triển khai các chính sách đổi mới đã dẫn đến sự bùng nổ của nền kinh tế tri thức, hình thành nhanh chóng các khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Cùng với đó là sự tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển đã giúp Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
      Định hướng phát triển
      Trên nền tảng những thành tựu đạt được và những bài học kinh nghiệm, trước bối cảnh tình hình mới, Hà Nội đã xác định một số định hướng phát triển trên từng lĩnh vực.
      Về kinh tế: Hà Nội đang hướng tới phát triển kinh tế bền vững và toàn diện trong tương lai. Định hướng chính bao gồm chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, phát triển kinh tế tri thức thông qua đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu khoa học, đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường và xây dựng các khu đô thị thông minh. Thành phố cũng tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng và công nghệ. Đồng thời đầu tư phát triển du lịch để khai thác tiềm năng văn hóa và lịch sử phong phú của mình.
      Về văn hóa – xã hội: Hà Nội đang hướng tới một tương lai phát triển văn hóa - xã hội bền vững, tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Định hướng chính bao gồm đẩy mạnh cải cách giáo dục để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; củng cố hệ thống y tế công cộng, trọng tâm là đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tếtăng cường đào tạo nhân lực y tế chuyên môn cao; khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đẩy mạnh phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa phong phú, gia tăng sức hút, nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của Thủ đô.
      Về quốc phòng – an ninh: Trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, việc củng cố quốc phòng - an ninh sẽ tập trung vào việc nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, đồng thời duy trì môi trường hòa bình để phát triển bền vững. Thành phố sẽ tăng cường đầu tư cho công nghệ và trang thiết bị hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng, phát triển lực lượng vũ trang theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, cũng như đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho mọi tầng lớp Nhân dân. Ngoài ra, Hà Nội sẽ chú trọng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhằm xây dựng một Thủ đô an toàn và văn minh.
      70 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội là dịp để chúng ta ôn lại quá khứ, nhìn lại những chặng đường đã qua, tôn vinh những thành tựu đạt được và hướng tới tương lai. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đổi mới, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trái tim của cả nước, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
      Tham khảo
  1. Cục Thống kê Hà Nội. (2023). "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023"
  2. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. "Tổng quan đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hà Nội 2010-2023" Hapi.gov.vn.
  3. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. "Báo cáo năm học 2022-2023”, "Báo cáo năm học 2023-2024" Sgddt.hanoi.gov.vn.
  4. Sở Y tế Hà Nội. "Thống kê y tế năm 2023" Soyte.hanoi.gov.vn.
  5. UBND thành phố Hà Nội. "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023" Hanoi.gov.vn.
  6. UNESCO. "Creative Cities Network: Hanoi" En.unesco.org.

 

Tác giả: ThS. Đặng Thu Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,844
  • Tháng hiện tại81,886
  • Tổng lượt truy cập9,011,509
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down