CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THAN UYÊN HIỆN NAY

Thứ năm - 24/10/2024 21:47 106 0
      Để văn hóa "soi đường cho quốc dân đi" và thực sự là "nền tảng tinh thần của xã hội" thì tất yếu phải bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời đó cũng là yêu cầu khách quan đối với mỗi địa phương trong quá trình phát triển. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn được Đảng bộ huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025.
       1. Sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong giai đoạn hiện nay
      Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần cô đọng nhất, bền vững nhất, tinh túy nhất, là sắc thái gốc, riêng biệt của mỗi dân tộc, để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Đó chính là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng 54 dân tộc được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong nhiều bài phát biểu, bài viết, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn. Người khẳng định: "Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội"(1). Tuy nhiên, sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là "sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong"(2). Nhiều yếu tố không lành mạnh thâm nhập vào nhận thức và cuộc sống vốn trong lành của đồng bào các dân tộc, tạo nên sự lai tạp trong cách nghĩ, lối sống, làm mờ nhạt và mất đi bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của các dân tộc.
      Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện căn bản để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nếu không giữ được bản sắc thì văn hóa và dân tộc sẽ nhanh chóng tan biến trong quá trình hội nhập. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc, bản lĩnh văn hóa của dân tộc trong giao lưu quốc tế ngày càng được coi trọng và đóng vai trò to lớn trong việc chống lại âm mưu “đồng hóa” hay “nhất thể hóa” về văn hóa của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, phải nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc; khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn. Tăng cường bài trừ các hủ tục, các phong tục tập quán lạc hậu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”. Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong bài viết Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần "quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc"(3). Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên "vươn mình" của dân tộc là nhiệm vụ hết sức quan trọng với những thời cơ, thách thức đan xen đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ngày càng cao.
      2.  Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên hiện nay - Thực trạng và giải pháp
Toàn cảnh vòng xòe đoàn kết với sự tham gia của hơn 2.000 diễn viên nhìn từ trên cao tại sân vận động huyện Than Uyên.
Nguồn ảnh: https://laichau.gov.vn
      Than Uyên là huyện miền núi phía Đông Nam của tỉnh Lai Châu. Dân số toàn huyện 70.626 người, 14.734 hộ/131 bản, khu dân cư; 12 xã, thị trấn trong đó có 15 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc. Dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm 85,25% dân số, trong đó dân tộc Thái 69,97%, dân tộc Mông 12,17%, dân tộc Khơ Mú 1,83%, dân tộc Dao 0,60%, dân tộc Tày 0,40%; còn lại là các dân tộc khác(4). Than Uyên có bề dày lịch sử - văn hóa khá lâu đời trong đó ngoài dân tộc Kinh, một số dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Khơ Mú… đã cư ngụ từ rất lâu đời ở đây. Việc sống hòa thuận giữa các dân tộc đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của huyện Than Uyên, tạo nên một nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vô cùng phong phú và đa dạng trên tất cả các lĩnh vực như âm nhạc, kiến trúc, lễ hội, ẩm thực, trang phục, tiêu biểu như: Lễ hội Lùng Tùng, Xòe Chiêng, Hạn Khuống, Then Kin Pang, Mừng Cơm Mới… Bản sắc văn hóa của các dân tộc không chỉ thể hiện ở sự kế thừa, phát huy bản sắc truyền thống vốn có của mình mà còn mở rộng giao lưu, tiếp thu văn hóa bên ngoài cộng đồng thông qua các Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.
Văn hóa dân gian được lưu truyền trong các trường học ở Than Uyên
Nguồn ảnh: https://baolaichau.vn
      Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025. Nhờ đó, trong thời gian qua công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đạt được nhiều kết quả. Chú trọng sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của 04 dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Dao, Khơ Mú) gắn với phát triển du lịch. Vận động đồng bào thực hiện giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của cây Khèn Mông, thường xuyên duy trì sử dụng trong các lễ truyền thống của dân tộc như: Lễ hội Lùng Tùng xã Mường Cang; lễ hội Xòe Chiêng xã Mường Kim, Thị trấn Than Uyên, Hua Nà gắn với các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân hàng năm. Duy trì tổ chức lễ hội Hạn Khuống tại xã Mường Mít; lễ hội Then Kin Pang của dân tộc Thái đen và lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú. Nghệ thuật ẩm thực dân tộc Thái tại thị trấn Than Uyên, xã Mường Cang; trưng bày các món ăn và xây dựng thành các album ảnh lưu trữ, phát triển. Vận động Nhân dân các điểm du lịch duy trì chế biến ẩm thực dân tộc, tạo thương hiệu riêng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên thôn bản, vùng lòng hồ thủy điện. Tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) gắn với phát triển đội văn nghệ quần chúng. Các Câu lạc bộ “Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian” tại 27/27 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hoạt động thường xuyên hàng tuần với các nội dung tìm hiểu về văn hóa, nét đặc trưng trong trang phục; chơi Đàn tính tẩu, Khèn Mông; tập các bài hát, điệu múa; trò chơi dân gian; hình thành 03 điểm có đặc trưng về văn hóa các dân tộc; khảo sát các điểm bản, cụm bản có tiềm năng, cảnh quan thiên nhiên đẹp tại các xã Ta Gia, Tà Mung, Phúc Than, Mường Kim phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng.
      Hoạt động giáo dục truyền thống tại khu di tích lịch sử văn hóa bản Lướt, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú ở bản Thẩm Phé, du lịch lòng hồ thủy điện Bản Chát được chú trọng với hiệu quả ngày càng nâng lên. Tăng cường đầu tư phát triển chợ phiên bản Nậm Pắt, xã Tà Mung; duy trì giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với mua bán các sản phẩm văn hóa, sản phẩm nông nghiệp (01 buổi/tháng). Người dân điểm bản Nậm Sáng, xã Phúc Than tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao phát triển du lịch cộng đồng. Chú trọng duy trì, mở rộng quy mô tổ chức sự kiện Tết Độc lập 02/9 gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Than Uyên, Tuần Văn hóa - Du lịch với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, nâng thành quy mô tổ chức cấp tỉnh từ năm 2024. Duy trì và hoàn thiện mô hình “không gian” văn hóa một số dân tộc trên địa bàn; hoạt động văn hóa, văn nghệ thứ 7 hàng tuần tại phố đi bộ 15/10 nhằm quảng bá, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Thành lập, duy trì hoạt động 04 Ban vận động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú gắn với các sự kiện chính trị của Huyện.
      Tuy nhiên, hiện nay một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc có sự đổi thay; tập quán về ăn, uống, trang phục, hôn nhân có xu hướng chuyển sang phong cách hiện đại thay cho các tập tục truyền thống; văn hóa cư trú, nếp nhà cũng thay đổi; nhà gạch, mái tôn thay thế cho nhà gỗ. Những quan niệm về giá trị vật dụng trong đời sống như chiêng, trống của người Thái, khèn, sáo của người Mông có nguy cơ mai một. Một bộ phận nhỏ đồng bào các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ tập trung phát triển kinh tế, chưa thực sự chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, lôi kéo một bộ phận người dân đi theo đạo trái pháp luật, kích động tham gia viết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tụ tập đông người hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
      Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên cần tiếp tục bám sát vào hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác dân tộc, cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch gắn với thực tiễn địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
      Hai là, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, đảm bảo cho các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND huyện. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, giải quyết kịp thời và hiệu quả các công việc trong thực hiện công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, thúc đẩy việc hình thành trong tâm thức của đồng bào các dân tộc về ý thức cần phải giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình.
      Ba là, đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 06/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025. Chú trọng tập hợp những người có uy tín để tái hiện, tổ chức thành những điểm trình diễn văn hóa truyền thống, tăng cường mở các lớp truyền dạy chữ viết cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Thường xuyên giới thiệu, quảng bá sâu rộng nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc như kiến trúc nhà sàn truyền thống và các vật dụng sinh hoạt đời sống văn hóa, lễ hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
      Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện trong việc đoàn kết, tập hợp, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng chăm lo, hỗ trợ, động viên bà con gặp hoàn cảnh khó khăn. Luôn đề cao cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo những luận điệu xúi giục, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, không tham gia vào các tổ chức, hội, nhóm của các đối tượng xấu. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, như “quyền bình đẳng của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc”; “quyền được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động liên kết với các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để làm cầu nối các nguồn ủng hộ về vật chất, giúp đỡ cho người dân. Cán bộ ở mỗi địa phương thường xuyên nghiên cứu, nắm vững các chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động lan tỏa sâu trong vùng đồng bào, thực hiện công tác dân vận hiệu quả.
      Năm là, tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng huy động nguồn lực hỗ trợ của toàn xã hội, xã hội hóa để thực hiện chính sách dân tộc. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là phát huy vai trò của người có uy tín. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng cho đồng bào dân tộc noi theo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc đảm bảo việc đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nội dung chính sách, hiệu quả; thực hiện tốt việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
      Tin rằng, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, luôn cần cù, chịu khó, tích cực học tập, lao động, sản xuất, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhằm đưa Than Uyên về đích nông thôn mới vào năm 2025. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, xây dựng Than Uyên ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
      Tài liệu trích dẫn:
     (1), (2), (3) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H.2024, tr.37,41,49.
      (4) Huyện uỷ Than Uyên: Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số  huyện Than Uyên lần thứ IV năm 2024.
      Tài liệu tham khảo:
      1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021.
      2. Huyện uỷ Than Uyên: Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 06/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025.
 

Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Đông - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,274
  • Tháng hiện tại82,316
  • Tổng lượt truy cập9,011,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down