XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC NỮ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU HIỆN NAY

Thứ hai - 21/10/2024 00:41 18 0

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC NỮ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU HIỆN NAY

      Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phát triển cán bộ nữ. Người rất coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nữ, bởi họ đóng góp công sức to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Người chỉ rõ: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”(1). Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo công tác cán bộ nữ và coi đó là một bộ phận quan trọng, mang tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về cán bộ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới. Điều này đã tạo điều kiện để các cấp, ngành, địa phương và mỗi đơn vị triển khai tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ.
Đội ngũ viên chức, lao động nữ Trường Chính trị tỉnh Lai Châu
      Trường Chính trị tỉnh Lai Châu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Lai Châu. Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, Trường luôn quan tâm tới việc tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, trong đó có viên chức nữ. Hiện nay, trước yêu cầu chuẩn hoá, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của nhà trường đã đặt ra nhiều cơ hội phát huy khả năng, khẳng định giá trị của bản thân song cũng đi kèm với nhiều thách thức dành cho viên chức nữ của Trường. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ viên chức nữ của Trường có tư tưởng chính trị vững vàng, có đầy đủ năng lực để phát huy vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
      Tính đến nay, tổng số viên chức, lao động nhà trường có 34 người, trong đó nữ là 17 người (chiếm 50%). Trong những năm qua, cấp uỷ, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Ban Nữ công - Công đoàn nhà trường tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới như: tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW; Kết luận số 55-KL/TW; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội… Bên cạnh đó, đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ nhằm tạo điều kiện thực hiện tốt các chính sách như: chính sách viên chức nữ, công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của họ. Nhờ vậy, việc xây dựng đội ngũ viên chức nữ nói chung và phát huy vai trò của viên chức nữ lãnh đạo, quản lý đã đạt nhiều kết quả quan trọng:
      
Thứ nhất, quan tâm công tác quy hoạch và tạo nguồn đối với viên chức nữ.
      Để tăng cường sự tham gia của viên chức nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, công tác quy hoạch viên chức nữ được chú trọng. Quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, có tổng số 24 lượt viên chức nữ được quy hoạch chiếm 48%. Trong đó, quy hoạch cấp ủy 05 lượt, quy hoạch lãnh đạo trường 02 lượt, quy hoạch lãnh đạo khoa, phòng 17 lượt (2).
     
Trên cơ sở đó, Trường lập chương trình, kế hoạch cụ thể theo giai đoạn và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức nữ nói chung và viên chức nữ lãnh đạo, viên chức nữ trong diện quy hoạch nguồn viên chức lãnh đạo nói riêng về mọi mặt. Lãnh đạo nhà trường chú trọng cử giảng viên nói chung và giảng viên nữ tham gia đào tạo thạc sĩ, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu. Ưu tiên các loại hình bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa chỉ tiêu về đội ngũ như bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy. Kết quả, Từ năm 2015 đến nay, lãnh đạo nhà trường đã cử giảng viên  nữ: 08 người đi đào tạo thạc sĩ, 9 người bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, 09 người bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hiện đại, 07 người đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; cử 02 viên chức học trung cấp lý luận chính trị; hàng trăm lượt giảng viên, viên chức nữ tham gia các chương trình bồi dưỡng (chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo cấp phòng,…) và tập huấn cập nhật kiến thức chuyên ngành 
       Thứ hai, đội ngũ viên chức ngày càng nâng cao về chất lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

      Với sự nỗ lực phấn đấu của viên chức nữ, sự quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng của cấp ủy chi bộ, lãnh đạo nhà trường nên chất lượng đội ngũ viên chức nữ được nâng lên. Tính đến nay, về chuyên môn: viên chức nữ có trình độ thạc sĩ là 08 người (chiếm 47,06%), đại học là 6 người (chiếm 35,29%), trung cấp là 02 người (chiếm 11,76%), chưa qua đào tạo 01 người (chiếm 5,9%). Về lý luận chính trị: cao cấp và tương đương 09 người (chiếm 52,94%); trung cấp 04 người (chiếm 23,52%).
      Những năm qua, hưởng ứng các phong trào thi đua của Chi ủy, Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công đã tổ chức quán triệt các nội dung thi đua đến viên chức nữ, động viên toàn thể chị em tích cực thi đua giành nhiều thành tích trong học tập và công tác. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao và tạo điều kiện thuận lợi của Ban Chi ủy, Ban Giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo các khoa, phòng của Trường, đội ngũ viên chức nữ ở mỗi bộ phận  trong Trường Chính trị đã nỗ lực phấn đấu và đạt được các kết quả rất đáng mừng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cụ thể như sau:
      Viên chức nữ thuộc bộ phận Tổ chức - Hành chính – Thông tin tư liệu: Các đồng chí thực hiện nhiệm vụ văn phòng, hành chính, quản trị, kế toán, hậu cần… đã có nhiều cố gắng, tận tình, trách nhiệm cao trong công tác. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng các đồng chí cũng đã hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Các đồng chí ở bộ phận kế toán, văn phòng, vệ sinh hội trường, quản lý ký túc học viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ hoặc làm ngoài giờ hoặc trong những ngày nghỉ khi cơ quan yêu cầu. Đây là mảng công việc gắn với đời sống, giao tiếp, chế độ, thông tin tư liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, giao lưu cả trong và ngoài Trường nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.Thực hiện tốt việc quản lý giáo trình, tạp chí và các tài liệu khác. Thông tin kịp thời những sách mới, tin tức trong Tỉnh đến giảng viên và học viên.
      Viên chức nữ phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học: Cùng tập thể Phòng các đồng chí lãnh đạo nữ đã tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học hàng năm trình Ban Giám hiệu xem xét, phê duyệt. Các đồng chí cũng đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng đào tạo qua việc quản lý học viên, là cầu nối giữa học viên với các khoa giảng dạy, thông tin, phản hồi nhằm ổn định tổ chức và nâng cao chất lượng giảng dạy. Các viên chức nữ còn tham gia xây dựng lịch giảng dạy đảm bảo cân đối, khoa học. Tham mưu, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ngày càng đi vào thực chất và nâng cao hiệu quả.
      Viên chức nữ trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu khoa học: Các đồng chí đã tích cực học tập để nâng cao trình độ, tích cực áp dụng phương pháp mới và sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy. Trong những năm vừa qua, giảng viên nữ đã nhận bài giảng và đã tỏ ra vững vàng trước thử thách mới. Trong đó, năm 2015 và 2023 có 02 giảng viên nữ được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp học viện; các năm 2017 và 2021 có 02 giảng viên nữ tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức và được Giám đốc Học viện tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc. Ngoài ra, nhiều đồng chí được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp khoa và cấp trường. Điều đáng mừng là trong những năm vừa qua, các đồng chí đã tích cực nhận bài, soạn bài và giảng dạy ở các lớp với nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
Giảng viên nữ thực hiện nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở
      Trong công tác nghiên cứu khoa học, các chị em đã góp phần xây dựng, biên soạn tập tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng như: Tài liệu học tập làm theo thư Bác gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, biên tập giáo trình thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng và phát triển tỉnh Lai Châu… Một số đồng chí đã tích cực đăng ký, bảo vệ và hoàn thành đề tài khoa học cấp cơ sở. Nhiều đồng chí đã tích cực viết bài để đăng bài tại: Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn và Website của Trường,  Các tạp chí lý luận ISSN…; Đồng thời, gửi tham luận và tham dự các hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp viện (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cấp tỉnh, cấp trường và cấp khoa. 100% giảng viên nữ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế theo quy định.
      Thứ ba, viên chức nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng.
      
Do làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng nên viên chức nữ được bổ nhiệm đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý được giữ vững và nâng cao về chất lượng, trong đó lãnh đạo cấp khoa, phòng tăng về số lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của:
  Trước năm 2022 Từ năm 2022 đến nay
Các chức danh Tổng số Viên chức nữ Tỷ lệ % Tổng số Viên chức nữ Tỷ lệ %  
Cấp uỷ 03 01 33,33 03 01 33,33  
Ban Giám hiệu 03 01 33,33 03 01 33,33  
Lãnh đạo các khoa, phòng 10 03 30% 11 05 45,45  
Ban chấp hành Công đoàn 03 02 66,67 05 04 80%  
      Có thể khẳng định, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về cán bộ nữ đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ viên chức nữ nhà trường thực hiện quyền bình đẳng ở các vị trí công tác cũng như đảm nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý. Về cơ bản đội ngũ viên chức nữ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, các khoa, phòng; luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác; đa số có uy tín, có năng lực quy tụ, đoàn kết nội bộ; nhiều đồng chí có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do chi bộ, cơ quan phân công; lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về đào tạo – bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, xây dựng Chi bộ, cơ quan góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của nhà trường.
      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ viên chức nữ của nhà trường cũng còn tồn tại không ít những hạn chế:
      Thứ nhất, trình độ của viên chức nữ so với các đơn vị khác là cao (cả về trình độ lý luận, quản lý nhà nước và trình độ chuyên môn, chuyên sâu của từng ngành) song trình độ cao nhưng không đều, số cán bộ, viên chức nữ có có trình độ thạc sĩ chủ yếu tập trung ở các khoa, ở đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm; số viên chức nữ được giữ ngạch giảng viên chính còn ít.
Thứ hai, nhiều viên chức nữ còn bị công việc gia đình chi phối, chưa mạnh dạn trong tham gia các hoạt động chung, một số ít chị em còn có tư tưởng an phận, chưa thực sự cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân nên còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác, nhiệm vụ chuyên môn mà Trường, khoa, phòng trực tiếp giao cho.
      Thứ ba, một số viên chức nữ nhất là ở bộ phận hành chính thường có tư tưởng là làm phục vụ không cần học lên cao, không cần trình độ cao.
      Thực hiện “Phong trào thi đua xây dựng trường chính trị chuẩn” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động,  Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đang phấn đấu để đạt chuẩn mức 1 vào năm 2026, viên chức nữ nhà trường cũng cần không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Điều đó đòi hỏi:
      Thứ nhất, đối với lãnh đạo nhà trường: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động viên chức nữ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Trường; phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ; đồng thời quan tâm hơn nữa việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
      Thứ hai, đối với Ban Nữ công nhà trường:
     Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự đồng thuận, sự ủng hộ của cả cấp ủy, lãnh đạo nhà trường về lợi ích tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhờ đó thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong cơ quan.
      Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ nhà trường.
      Ba là, tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, trước mắt là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, gắn với các vấn đề thiết thực cho phụ nữ, nhất là các phụ nữ có con nhỏ, không may mắc bệnh hiểm nghèo,…
     Bốn là, cần tổ chức các hoạt động tham quan, giao lưu, hợp tác giữa các khoa, phòng trong nhà trường trong nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho viên chức nữ.
      Thứ ba, đối với viên chức nữ:
      Một là, cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt.
      
Hai là, viên chức nữ trong Nhà trường nêu cao hơn nữ tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, có suy nghĩ độc lập, sáng tạo, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng một môi trường làm việc tốt nhằm phát huy một cách toàn diện năng lực của chính mình trong thực hiện nhiệm vụ chung.
      Ba là, giảng viên nữ tiếp tục nghiên cứu lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới vào các bài giảng, các bài viết, hoạt động chuyên môn để góp phần tuyên truyền, vận động giới. Khuyến khích nữ giảng viên tích cực tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp Trường và mở rộng hơn nữa.
      Như vậy, nhằm tạo bước đột phá để Trường Chính trị tỉnh Lai Châu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; hướng tới xây dựng Trường trở thành nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của một Trường Đảng kiểu mẫu của tỉnh Lai Châu thì trước tiên phải xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên nói chung và đội ngũ viên chức, giảng viên nữ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Với sự kiên trì, chịu khó, sự nhiệt tình, tâm huyết và sáng tạo, tin tưởng rằng đội ngũ viên chức, lao động nữ Trường Chính trị tỉnh Lai Châu sẽ phát huy trí tuệ và trách nhiệm thực hiện tốt phong trào thi đua “Nghiên cứu tốt, phục vụ tốt, giảng dạy tốt, quản lý tốt xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển”.
      Tài liệu trích dẫn:
      (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội. 2011, tập.12, tr.300.
(2) Trường Chính trị tỉnh Lai Châu: Quyết định số 13 – QĐ/CB, ngày 06/5/2022 của Chi bộ về phê duyệt quy hoạch Chi uỷ viên chi bộ nhiệm kỳ 2025-2030; Tờ trình số 16-TTr/CB, ngày 09/5/2022 của Chi bộ Trường đề nghị phê duyệt quy hoạch chức danh Bí thư, Phó Bí thư nhiệm kỳ 2025-2030; Quyết định số 731-QĐ/TCT, ngày 19/5/2022 của Hiệu trưởng Trường về phê duyệt quy hoạch chức danh Trưởng khoa, phòng, Phó trưởng khoa, phòng Trường Chính trị nhiệm kỳ 2025-2030.
 

Tác giả: ThS. Vũ Thị Huệ - Phó trưởng phòng QLĐT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay3,165
  • Tháng hiện tại80,303
  • Tổng lượt truy cập8,892,952
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down