ĐẠI THẮNG 30/4/1975 – KẾT QUẢ CỦA SỰ KIÊN TRÌ THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ NHÂN DÂN DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG

Thứ năm - 25/04/2024 23:43 222 0
         Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
        Đường lối cách mạng Việt Nam được thể hiện ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và nó đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách mạng Việt Nam từ 1930 đến nay. Cương lĩnh cách mạng ấy là đường lối chính trị phản ánh đúng quy luật khách quan, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đáp ứng đúng yêu cầu của dân tộc, vạch ra được mục tiêu, phương hướng cơ bản của cách mạng. Trên cơ sở đó, Đảng tiến hành tập hợp, tổ chức, động viên toàn thể nhân dân, biến đường lối của Đảng thành hành động cách mạng của quần chúng. Tinh thần cơ bản của bản Cương lĩnh từng bước được phát triển, cụ thể hóa đáp ứng những nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và vững bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Qua thực tiễn cách mạng, Đảng đã thực sự có sự chuyển hướng trong việc đề ra các chủ trương, đường lối phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cách mạng.
       Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa II) họp từ ngày 15 đến 18/7/1954, Đảng đã chủ động nhận diện kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương là đế quốc Mỹ; Nghị quyết Bộ Chính trị (9/1954) xác định nhiệm vụ của toàn Đảng là củng cố miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở miền Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 tháng 12/1957, xác định đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Hai nhiệm vụ này kết hợp chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Xác định vai trò của mỗi miền: Cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam; cách mạng miền Bắc có tác dụng quyết định nhất đối với sự phát triển cách mạng cả nước. Đến Hội nghị Trung ương 14 tháng 11/1958, con đường cách mạng trong cả nước đã được hình thành một cách tổng quát. Đây là những bước chuyển biến lớn về đường lối cách mạng miền Nam. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) năm 1959 xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nó thể hiện sự sáng tạo của cách mạng miền Nam, khơi dậy phong trào Đồng khởi rộng khắp miền Nam. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Nghị quyết ra đời nó phản ánh đúng và giải quyết kịp thời yêu cầu của cách mạng miền Nam trong việc khẳng định phương pháp đấu tranh dùng bạo lực cách mạng để tự giải phóng mình là đúng đắn, phù hợp với tình thế cách mạng đã chín muồi, khi địch đã dùng bạo lực phản cách mạng thẳng tay giết hại cán bộ và nhân dân ta; đánh dấu bước trưởng thành của Đảng, thể hiện sâu sắc tinh thần độc lập tự chủ, năng động sáng tạo trong đánh giá, so sánh lực lượng, trong vận dụng lý luận Mác - Lênin vào cách mạng miền Nam; là tiền đề quan trọng dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
       Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) bổ sung và phát triển những quan điểm và chủ trương của Nghị quyết 15. Khẳng định về đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng ở hai miền và vị trí, nhiệm vụ cách mạng ở mỗi miền. Mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam (với vai trò là tiền tuyến lớn) với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (với vai trò là hậu phương lớn). Thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng không chỉ khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả nước trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến mà còn là nền tảng, sự định hướng cho bước phát triển tiếp theo của cả dân tộc khi đã hoàn thành công cuộc giải phóng. Về nhiệm vụ cách mạng miền Bắc, Đảng ta khẳng định: "Đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới"[1]. Đại hội khẳng định về vị trí của nhiệm vụ cách mạng ở mỗi miền: Nhiệm vụ cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường lối ấy đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng không chỉ khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả nước cho trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến mà còn là nền tảng, sự định hướng cho cả bước phát triển tiếp theo của cả dân tộc khi đã hoàn thành công cuộc giải phóng.
       Từ năm 1961, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Để có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh mới, tháng 1/1961 Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị và quyết định chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên thành chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam. Đặc biệt tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ngày 23/1/1961, quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (tháng 10/1961), trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng. Đến cuối năm 1963, tại Hội nghị Trung ương Đảng ta đã quyết định đẩy mạnh "đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định trực tiếp" thắng lợi trên chiến trường; chủ trương "điểm mấu chốt hiện nay là phải có sự cố gắng tột bậc để tăng cường lực lượng quân sự, tạo ra một chuyển biến căn bản về so sánh lực lượng giữa ta và địch ở miền Nam"[2].
        Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3/1965), lần thứ 12 (tháng 12/1965), Đảng khẳng định "Mặc dầu đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go, ác liệt nhưng nhân dân ta đã có cơ sở vững chắc để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch”[3]. Cách mạng miền Nam "phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công" và "toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”[4].
       Đến năm 1967, với những thắng lợi trên chiến trường, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 quyết định mở mặt trận ngoại giao, mở ra cục diện đánh - đàm với Mỹ. Trong đó đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động, nhưng đấu tranh quân sự và chính trị là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Quan điểm của Đảng: Chỉ có thể giành được trên bàn Hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy sau hai mùa khô thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ tuy dao động, lúng túng, nhưng tình hình chiến trường vẫn phức tạp, chúng vẫn ngoan cố tiếp tục tăng quân chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba. Quân và dân ta thắng lớn nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng. Trước tình hình ấy, tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp bàn chuyển cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, muốn vậy ta phải tạo ra một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh; phải giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1968) đánh giá: “Trong những điều kiện và đặc điểm cơ bản nói trên, nhân dân Việt Nam có đầy đủ khả năng tạo ra cho mình một sức mạnh to lớn về chính trị và quân sự để chiến thắng bất cứ bọn đế quốc xâm lược nào”[5] và “chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược lẫn chiến thuật và thế lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết”[6].
       Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, đúng giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, thời điểm bất ngờ nhất, quân và dân ta ở miền Nam đồng loạt nổ súng tổng tiến công và nổi dậy đánh trúng vào hầu hết các cơ quan đầu não địch ở trung ương và địa phương tại hàng trăm thị xã, thị trấn, căn cứ quân sự của Mỹ, từ đường 9 - Khe Sanh đến đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt mạnh mẽ vang dội ở Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng. Quân Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa hầu như không có cách gì đối phó ngay trong những ngày đầu. Tết Mậu Thân làm rung động cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một chủ trương táo bạo và sáng tạo của Đảng, đánh thẳng vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của quân Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công chiến lược này, quân và dân miền Nam đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta ở Pari, chấm dứt ném bom không điều kiện. Ta có điều kiện mở mặt trận tiến công mới về ngoại giao, mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm.
        Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch đã phản kích quyết liệt, đẩy quân chủ lực ta ra xa các vùng ven, vùng đồng bằng, đồng thời triển khai hàng loạt biện pháp nhằm triệt phá cơ sở cách mạng miền Nam. Nhưng sau chiến thắng đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Trung Hạ Lào năm 1971, tình hình diễn biến ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Cục diện chiến trường có những chuyển biến quan trọng. Theo dõi sát diễn biến trên chiến trường, trong nước, khu vực và quốc tế liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam, đánh giá đúng xu thế phát triển của tình hình, âm mưu và thủ đoạn mới của địch; trên cơ sở phân tích và đánh giá đúng lực lượng so sánh hai bên, Đảng đã nhạy bén phát hiện thời cơ và nắm thời cơ, phát động và tổ chức tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
       Đầu năm 1972, trước những yêu cầu mới của sự phát triển cách mạng nước ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 20, chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hội nghị khẳng định nhìn chung thế và lực so sánh giữa ta và địch, diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống. Trên cơ sở đó, ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết quan trọng về kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Nghị quyết xác định đây là cuộc tiến công chiến lược có quy mô lớn bao gồm nhiều chiến dịch đánh tiêu diệt của bộ đội chủ lực kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng trên các địa bàn quan trọng, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, buộc địch phải chấp nhận một giải pháp chính trị theo điều kiện của ta; đồng thời, chuẩn bị kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến nếu địch còn ngoan cố kéo dài chiến tranh xâm lược. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972, cùng với thắng lợi đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, đặc biệt nổi bật là chiến công đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược những ngày cuối năm 1972 là hai thắng lợi chiến lược thúc đẩy và hòa nhịp với thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, làm thất bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, kí Hiệp định Paris, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.
        Từ 1973 đến 1975, với nhận thức đúng bản chất của kẻ thù, chủ trương dù hoàn cảnh nào cũng bằng con đường bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam. Tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ­ương Đảng đã ra bản Nghị quyết lịch sử với tên gọi “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới". Hội nghị đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tập trung mũi nhọn vào đế quốc Mỹ và tập đoàn thống trị t­ư sản mại bản, quân phiệt phát xít, tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ, tiến tới hòa bình thống nhất nư­ớc nhà.
        Sự kiện Watergate ngày 9/8/1974 của Chính phủ Mỹ, Nixon buộc phải từ chức. Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa từng bước bị Chính phủ Mỹ cắt viện trợ, hoang mang, rệu rã. Phong trào đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận ở miền Nam Việt Nam diễn ra mạnh mẽ khắp nông thôn đến đô thị. Đặc biệt, chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra và dành thắng lợi là “đòn trinh sát chiến lược” cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ. Trên cơ sở đó, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (họp từ ngày 18/12/1974 - 8/1/1975) hạ quyết tâm chiến lược cuối cùng: Mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mở màn từ ngày 04/3/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh.
        Kết quả, trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đạt được kết quả đó chính là sự kiên trì đường lối cách mạng dưới sự lãnh đúng đắn của Đảng; là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức và nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân; chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định; phải luôn chú trọng xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ của cách mạng.
       Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỉ nguyên độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công cách mạng trên thế giới, động viên, cổ vũ hàng trăm triệu người đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khẳng định nhận định này, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã nhận định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[7].
         Tài liệu trích dẫn:
        [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, t.21, Nxb. CTQG, H.2003, tr.558-559.
        [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.24, Nxb. CTQG, H.2003, tr.830.
        [3], [4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, Nxb. CTQG, H.2003, tr.633, 635.
        [5], [6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.29, Nxb. CTQG, H.2004, tr.47, 48.
        [7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, 1977, tr.5-6.

Tác giả: ThS. Tạ Ngọc Thuỷ - Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, CN. Nguyễn Xuân Thành - Phòng TC-HC-TT-TL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay3,165
  • Tháng hiện tại80,374
  • Tổng lượt truy cập8,893,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down