SỰ RA ĐỜI CỦA BAN CÁN SỰ LAI CHÂU: BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CÁCH MẠNG

Thứ sáu - 11/10/2024 22:59 102 0
      Lai Châu từ ngàn xưa đã là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, ngay từ thế kỷ thứ XIII, Lai Châu đã có thành Tam Vạn của các Chúa Lự xây dựng để đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, rồi thành Bản Phủ do nghĩa quân của Hoàng Công Chất xây dựng lên để bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc trước sự xâm lăng của ngoại bang. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, nhân dân các dân tộc Lai Châu dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng đã hai lần tham gia đánh Pháp, làm cho thực dân Pháp nhiều phen khốn đốn, gây tiếng vang lớn đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc cũng như trong cả nước, nhưng các phong trào đánh Pháp đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ lĩnh lãnh đạo các phong trào đó đều là các tù trưởng của các triều đại phong kiến lãnh đạo, lực lượng của nghĩa quân còn yếu, vũ khí trang bị thô sơ, lạc hậu, phong trào chưa liên kết được với các phong trào yêu nước trong cả nước, chưa có sự chỉ đạo thống nhất chung, đặc biệt là chưa có đường lối, phương pháp cách mạng, chưa có một tổ chức Đảng cách mạng và khoa học lãnh đạo. Vì vậy, các phong trào của nghĩa quân đều bị thực dân Pháp đàn áp dã man rồi tan rã, một bộ phận thủ lĩnh phong trào thì bị thực dân Pháp mua chuộc trở thành tay sai cho Pháp.
      Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhiều địa phương trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được chính quyền. Tuy nhiên, đối với tỉnh Lai Châu vẫn nằm trong ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Nhân dân các dân tộc Lai Châu vẫn đang bị áp bức, bóc lột dã man; nhân dân mong muốn có được cuộc sống tự do, hạnh phúc. Đây là đòi hỏi bức thiết của nhân dân và cũng là nhiệm vụ cần phải làm ngay, của Đảng và Chính phủ. Để thực hiện chủ trương trên, ngày 25/1/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 120/SL sáp nhập Khu 10 và Khu 14 thành Liên khu 10, Lai Châu nằm trong Liên khu 10. Tiếp đến tháng 3/1948 Liên khu ủy 10 đã cử “Đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền đường lối, chính sách của Chính Phủ cách mạng đến bà con nhân dân các dân tộc Lai Châu. Đồng thời Liên khu ủy 10 tiến hành thành lập “Tiểu ban Miền núi vận” để nghiên cứu tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Lai Châu. Tháng 7/1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của huyện Quỳnh Nhai tại Đan Hà (tỉnh Phú Thọ) để thành lập Đội xung phong Lai Châu (còn gọi là Đội vũ trang tuyên truyền Lai Châu). Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai vào hoạt động tại Lai Châu.- Ngày 01/10/1949 Chính ủy Liên khu 10 ra quyết định thành lập Chi bộ vũ trang Lai Châu (chi bộ tiền thân của Đảng bộ Ban Chấp hành Quân sự tỉnh ngày nay). Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 ra Nghị quyết thành lập Ban Cán sự Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay).
      Ngay sau khi được thành lập, Ban Cán sự Lai Châu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mà Liên khu ủy 10 giao. Ngày 02/12/1949 tại Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái (nay là huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), Ban Cán sự Lai Châu đã triệu tập Hội nghị để công bố quyết định của Liên khu ủy 10 về việc thành lập chi bộ Đảng Lai Châu gồm 20 đồng chí, trong đó có 18 đảng viên chính thức, 02 đảng viên dự bị.  Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng ở Lai Châu. Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lai Châu chống thực dân Pháp chính thức có một tổ chức Đảng cách mạng trực tiếp lãnh đạo, chấm dứt phong trào đấu tranh chống Pháp mang tính tự phát ở Lai Châu. Cũng từ đây phong trào đấu tranh chống Pháp ở Lai Châu nằm trong sự chỉ đạo chung của Đảng và Chính phủ, của phong trào đấu tranh chống Pháp khu vực Tây bắc và cả nước.
      Để thực hiện nhiệm vụ chống Pháp giải phóng Lai Châu, Ban cán sự Đảng  tiến hành cử các đội công tác xuống cơ sở nắm bắt tình hình địch, xây dựng cơ sở cách mạng, vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng chuẩn bị cho chiến dịch đông xuân 1953-1954, tiến tới giải phóng Lai Châu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Lai Châu, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng ngàn tấn lương thực góp phần tham gia giải phóng Điện Biên. Sau khi Lai Châu được giải phóng, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh với nỗ lực cao nhất để tăng gia sản xuất khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng với cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, Ban cán sự Lai Châu đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, với 65 trận đánh quân và dân Lai Châu đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tiễn đưa hàng nghìn con em mình lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi non sông thống nhất, hòa với không khí chung của cả nước, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu nỗ lực tăng gia sản xuất nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
      Bước vào thời kỳ đổi mới 1986, Đảng bộ tỉnh Lai Châu có sự chuyển biến quan trọng về chính trị, tư tưởng theo quan điểm đổi mới của Đảng, đổi mới tư duy lý luận, đổi mới kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, hành chính chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đó là đường lối đúng đắn, được đồng bào các dân tộc hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lai Châu đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kinh tế phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GDP của Lai Châu đạt 7,9%/năm. Sự nghiệp văn hóa, xã hội, y tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, văn hóa thể dục - thể thao phát triển. Công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại được chú trọng làm tiền đề, cơ sở cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng giúp chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
      Để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước, của tỉnh và của cả vùng Tây Bắc, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (cũ) và tạo điều kiện cho việc xây dựng Thủy điện Sơn La; ngày 26/11/2003. Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ tư đã ra Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Ngày 01/01/2004 tỉnh Lai Châu được chia thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Sau chia tách tỉnh, cùng với nhiệm vụ ổn định tổ chức bộ máy, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm; Đảng bộ tỉnh đã phát huy những thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn và giành được những thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, Đảng bộ Lai Châu, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đang tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau để xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng giàu đẹp.
      Từ ngày 10/10/1949, Ban cán sự Lai Châu tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ra đời đến nay là 75 năm, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thu được nhiều thành tựu to lớn, Nhân dân các dân tộc Lai Châu ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng giàu đẹp.
      Tài liệu tham khảo:
      1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945-2009), Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009.
      2. Đảng bộ tỉnh Lai Châu: Văn kiện Đảng bộ toàn tập, Nxb. Văn hóa xã hội, H.2023.
 

Tác giả: ThS. Nguyễn Chí Cường - Khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay2,243
  • Tháng hiện tại82,285
  • Tổng lượt truy cập9,011,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down