TÁC PHẨM “DÂN VẬN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ VIỆC VẬN DỤNG, PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TÁC PHẨM CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH LAI CHÂU HIỆN NAY

Thứ ba - 15/10/2024 05:34 95 0
      Thời điểm năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng. Việc nhấn mạnh, coi trọng quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, huy động sức mạnh của Nhân dân cho cuộc kháng chiến trường kỳ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng trong giai đoạn này. Để hiệu triệu, kêu gọi toàn dân cứu nước, ngày 15/10/1949, tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên báo Sự thật với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm thể hiện tư tưởng của Người về những vấn đề căn cốt nhất trong công tác dân vận của Đảng. Điều đó, thể hiện trong 04 nội dung lớn:
Nội dung thứ nhất, “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”(1).
      Trong đó, Người chỉ rõ bản chất của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Ở đây, một mặt, Người đã nhấn mạnh vị thế, vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng dân tộc và giải phóng chính bản thân mình; đồng thời, thông qua việc khẳng định vị thế là chủ, làm chủ của Nhân dân để tiếp tục phát huy vai trò và nhân nguồn sức mạnh của toàn thể Nhân dân trong sự nghiệp giữ vững chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà, củng cố, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
      Nội dung thứ hai, “DÂN VẬN LÀ GÌ?”(3).
      Đầu tiên, Người nêu khái niệm về dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(3). Như vậy, bản chất của “dân vận” là tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân vào các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.
      Tác phẩm thể hiện nổi bật tư tưởng của Người về các bước thực hiện công tác dân vận: Thứ nhất, phải cho dân biết “để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(4); Thứ hai,  giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng "Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được"(5), đây là cách tốt nhất để dân hiểu đúng, làm đúng, ủng hộ cách mạng, ủng hộ đường lối kháng chiến; Thứ ba, hướng dẫn cho dân làm: "Phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành"(6) Và "Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân"(7); Thứ tư, tiến hành kiểm tra, tổng kết: "Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng"(8).
      Nội dung thứ ba, “AI PHỤ TRÁCH DÂN VẬN?”(9).
      Người chỉ rõ lực lượng làm công tác dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị - trước hết là của chính quyền. “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,v.v.) đều phải phụ trách dân vận”(10).
      Nội dung thứ tư, “DÂN VẬN PHẢI THẾ NÀO?”(11).
      Yêu cầu của Người “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “phải thật thà nhúng tay vào việc”(12) trở thành những phẩm chất, tác phong không thể thiếu đối với mỗi cán bộ dân vận.
Tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư tưởng của Người về mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa dân chủ và dân vận; quy trình và phương pháp dân vận. Đó là những vấn đề hết sức căn cốt, mang tầm chiến lược, toàn diện mà cũng rất cụ thể về dân vận và công tác dân vận. Những chỉ dẫn của Người là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta nói chung, các cấp, các ngành và địa phương đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
      Lai Châu là tỉnh miền núi, có đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc dài 265,165km; diện tích tự nhiên 9.068 km2; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 thành phố, 4 huyện nghèo, 4 huyện biên giới); 106 xã, phường, thị trấn (58 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới); dân số trên 47 vạn người, gồm 20 dân tộc (trong đó có 4 dân tộc ít người, đặc biệt khó khăn: Cống, Mảng, La Hủ, Si La); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Đến ngày 30/11/2023, Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc; 550 tổ chức cơ sở đảng (182 đảng bộ cơ sở và 368 chi bộ cơ sở), 3 đảng bộ bộ phận, 1896 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận; tổng số đảng viên trong toàn tỉnh 30.970 (đảng viên người dân tộc thiểu số là 16.854 đảng viên, chiếm 54,4%; đảng viên là người theo tôn giáo là 62 đảng viên, chiếm 0,2%) (13).
      Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"(14), gần 75 năm xây dựng và trưởng thành, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trực tiếp là Tỉnh ủy, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc xây dựng tỉnh Lai Châu.
      Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ đã động viên, lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa kháng chiến, vừa xây dựng cơ sở, vừa đánh địch bảo vệ hậu phương, huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ tỉnh đã vận động, lãnh đạo quân và dân vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là giai đoạn chia tách thành lập tỉnh từ năm 2004 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo chính quyền, vận động Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh đạt được kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận hàng năm; tập trung tuyên truyền, cụ thể hóa, lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước trong tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, đẩy mạnh quảng bá du lịch gắn với thực hành công tác dân vận, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan tư pháp tích cực thực hiện công tác dân vận gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và nâng cao chất lượng công tác hòa giải. Lực lượng vũ trang bám địa bàn, nắm chắc tình hình, tham mưu xử lý những vấn đề nảy sinh, tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát, từng bước nâng cao chất lượng phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; hoạt động đoàn, hội từng bước đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Hệ thống dân vận các cấp tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy; tăng cường nắm, phản ánh kịp thời tình hình Nhân dân; phối hợp với các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Những kết quả trên đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh(15).
      Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng thuận của Nhân dân, Lai Châu từ tỉnh nghèo nhất cả nước khi mới chia tách, tái lập năm 2004, đến năm 2010 đã cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, năm 2015 cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển(16). Đến nay, Tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực: Các chương trình đột phá, công trình trọng điểm phát huy hiệu quả; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2023 đạt 51,9 triệu đồng (gấp 2,8 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến hết năm 2023, toàn tỉnh còn khoảng 24,6% (theo chuẩn mới). Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Lai Châu xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (tăng 51 bậc so với năm 2015). Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục đều được quan tâm phát triển hài hòa. Công tác quốc phòng - an ninh - nội chính được tăng cường, hoạt động đối ngoại được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và phát huy. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được tập trung lãnh đạo thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng(17). Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi đã quan tâm, thực hiện tốt việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, qua đó mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được tăng cường. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được duy trì và phát huy, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh cũng còn một số hạn chế: Việc cụ thể hóa công tác này của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, chưa rõ nét, chưa sát với chức năng nhiệm vụ; việc thực hành của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Công tác nắm, báo cáo, phản ánh tình hình Nhân dân có thời điểm chưa sâu sát, toàn diện những nội dung Nhân dân đang quan tâm, mong đợi, khó khăn, bức xúc, đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành giải quyết. Công tác phối hợp thực hiện công tác dân vận của một số tổ chức trong hệ thống chính trị có nơi, có việc chưa đồng bộ, chưa thường xuyên. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tuy được triển khai sâu rộng nhưng hiệu quả còn hạn chế nhất định, chưa có nhiều mô hình, điển hình có sức lan tỏa sâu rộng. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; ban hành các văn bản khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành còn chậm. Công tác tham mưu, thẩm định của cơ quan chuyên trách dân vận có việc chưa kịp thời, chất lượng chưa cao (18).
      Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra. Đó là các mục tiêu, nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề, có cả những nhiệm vụ mới mẻ, được thực hiện trong điều kiện có thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi cần phải tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng. Muốn vậy nên tập trung vào một số các nội dung như sau:
      Thứ nhất, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm chuyển biến về tinh thần trách nhiệm, hiệu quả đối với công tác dân vận. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để Tỉnh ủy siết chặt kỷ luật, kỷ cương, biến lý luận thành hành động.
      Thứ hai, các cấp, các ngành và mỗi địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn xã hội. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị và địa phương.
      Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu và các tổ chính trị - xã hội, hội quần chúng hết sức coi trọng việc tổ chức, tập hợp Nhân dân, đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, hướng về cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hình thức, phương pháp công tác dân vận phải đa dạng, phong phú, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện đối tượng cụ thể, với nhiều cấp độ khác nhau để tập hợp mọi người dân, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi trong Nhân dân.
      Thứ tư, Ban dân vận các cấp nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất; chú trọng theo dõi, hướng dẫn thực hiện công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có niềm tin tôn giáo, xây dựng nông thôn mới.
      Thứ năm, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh phải là một người làm công tác dân vận.
      Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng. Những chỉ dẫn của Người về dân vận và công tác dân vận có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh Lai Châu, bảo đảm và củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
      Tài liệu trích dẫn:
      (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 232-234.
      (13), (15), (18) Tỉnh ủy Lai Châu: Báo cáo số 459-BC/TU, ngày 08/12/2023 Tổng kết công tác dân vận năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
      (16) Tỉnh ủy Lai Châu: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đảng bộ tỉnh Lai Châu 70 năm xây dựng, phát triển những vấn đề thực tiễn, lý luận, Nxb Lao động, Hà Nội, 2019.
      (17) Ban Tuyên giáo – Ủy ban nhân dân tỉnh – Trường Chính trị tỉnh Lai Châu: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Lai Châu tháng 5/2024.

Tác giả: ThS. Vũ Thị Huệ - Phó trưởng phòng QLĐT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay2,332
  • Tháng hiện tại82,374
  • Tổng lượt truy cập9,011,997
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down