ĐẠI LỄ KHÉP LẠI, HÀO KHÍ 30/4 VẪN LAN TỎA MÃI

Thứ năm - 01/05/2025 00:48 11 0

ĐẠI LỄ KHÉP LẠI, HÀO KHÍ 30/4 VẪN LAN TỎA MÃI

Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) vừa chính thức khép lại, nhưng hào khí lịch sử, niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết vẫn tiếp tục lan tỏa mãnh liệt trong tâm trí và trái tim của hàng triệu người Việt Nam.
      Cả nước chung một nhịp đập, cùng hướng về lễ hội của niềm tin và tình yêu đất nước
      Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chưa bao giờ, tinh thần “toàn dân là chủ thể của lịch sử” lại được thể hiện rõ ràng đến thế. Đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) không chỉ là sự kiện, nghi thức của Nhà nước, mà đã trở thành một cuộc hội ngộ thiêng liêng, vĩ đại của lòng dân, một lễ hội của niềm tin và tình yêu đất nước! Không khí những ngày này không đơn thuần là kỷ niệm, mà là một làn sóng xúc cảm dân tộc, nơi mọi tầng lớp, mọi thế hệ đều hòa chung một nhịp đập. Từ thành phố mang tên Bác – nơi trung tâm của đại lễ, đến các vùng đất biên cương xa xôi; từ những đô thị sầm uất đến các bản làng, đâu đâu cũng rợp sắc cờ đỏ sao vàng và âm vang những bản hùng ca dân tộc.
      Từ nhiều ngày trước đại lễ, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đổ về Thành phố Hồ Chí Minh. Cảm động biết bao với hình ảnh người cựu chiến binh gần 80 tuổi lái xe máy vượt gần 1.300km từ Nghệ An vào Nam để ôn lại những ngày tháng hào hùng nhưng cũng đầy gian khổ của đời lính tuổi đôi mươi, để thấy rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập ngày hôm nay, ngắm nhìn những đổi thay đẹp đẽ của đất nước sau nửa thế kỷ hòa bình và hơn hết là để thắp nén nhang thơm tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã nằm lại trong lòng đất mẹ. Đẹp làm sao, yêu làm sao hành trình của bạn trẻ đạp xe 21 ngày từ Hà Nội, rong ruổi hàng ngàn cây số, mang theo lá cờ đỏ sao vàng để vào Nam mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Họ không đến đó để check-in, mà đến như một cuộc hành hương chính trị, đi để tri ân lịch sử, hướng về cội nguồn và như một lời khẳng định với thế hệ cha ông: Chúng con hiểu và biết ơn! Không cần tiếng loa phóng thanh, không cần kèn trống, hành trình của đó là một vẻ chân thực và đầy xúc động.
Người lính già Trần Văn Thanh chuẩn bị hành trang đi đường
Đào Quang Hà cùng chiếc xe đạp cũ của ông ngoại trong hành trình đạp xe
từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh
      Những lễ thắp nến tri ân lặng lẽ, thiêng liêng ở khắp mọi miền Tổ quốc; những đêm văn nghệ rực rỡ sắc màu; những bản tin, phim tư liệu quý giá về lịch sử hào hùng mà đau thương của dân tộc, những dòng bình luận thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, với Bác Hồ vĩ đại, với các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân cho vẻ đẹp rực rỡ của HÒA BÌNH hôm nay nở rộ, chiếm lĩnh từ các kênh báo, đài của Nhà nước cho đến các nền tảng mạng xã hội như Youtube, TikTok, Zalo, Facebook... Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trước mọi trụ sở, đường phố và từng căn nhà.
      Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tổ chức đại lễ, ngay từ những ngày tập dượt cho các hoạt động kỷ niệm, hàng ngàn người dân đã đứng bên đường vẫy cờ, hò reo cổ vũ, ánh mắt ai cũng long lanh niềm tự hào, ánh lên tình yêu Tổ quốc, cùng hát vang những bài ca cách mạng, giai điệu hạnh phúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang vọng khắp phố phường; những biển người xuyên đêm chờ tham dự đại lễ trong niềm vui rạo rực... Tại các tỉnh thành khác, hàng chục triệu người dân đã ngồi trước màn hình để chờ đón từng buổi tổng duyệt, bàn tán trên mạng xã hội từng khung hình, từng đội hình diễu binh. Trên mạng xã hội, hàng triệu lượt chia sẻ về các buổi tổng duyệt, clip từ các khán đài, những hình ảnh hậu trường… tạo thành một làn sóng tự hào dân tộc chưa từng thấy. Người dân không đơn thuần “xem lễ” mà sống cùng lễ, cảm cùng từng lời hát, từng bước diễu binh, từng ánh mắt của các lực lượng hùng hậu bước qua lễ đài.
Khung cảnh nhìn từ trên cao tại khu vực bến Bạch Đằng, sáng sớm 30/4
Người dân ghi lại khoảnh khắc các khối quân đội đi qua sáng 30/4
      Để hào khí 30/4 không chỉ là quá khứ  mà là hành trình tiếp nối!
      Khi ánh đèn của đại lễ đã tắt, giây phút những màn pháo hoa cuối cùng tan trong đêm, những khán đài hạ xuống, sân khấu thu dọn… là lúc mỗi người Việt phải tự hỏi: “Sau đại lễ – chúng ta làm gì để xứng đáng với những hy sinh?”
      50 năm trước, Nhân dân đã đi qua khói lửa chiến tranh để giành lại non sông gấm vóc. 50 năm sau, chúng ta đứng lên từ tro tàn chiến tranh, đi giữa hòa bình để dựng xây một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh. Tổ quốc hôm nay không còn ranh giới bom đạn, nhưng vẫn có biên giới giữa trì trệ và bứt phá, giữa bảo thủ và sáng tạo, giữa chủ nghĩa cá nhân và tinh thần cộng đồng. Vì vậy, đại lễ khép lại chính là lúc hành trình mới bắt đầu – hành trình tiếp nối hào khí lịch sử bằng hành động thiết thực, bằng đạo lý, trí tuệ và lòng dũng cảm trong thời đại mới.
      Hào khí 30/4 không nên và không thể chỉ là một cảm xúc ngắn hạn. Nó phải là động lực lâu dài để thúc đẩy người trẻ học tập, làm chủ tri thức, công nghệ, làm chủ đất nước, khởi nghiệp và cống hiến; để người cán bộ, đảng viên sống liêm chính, tận tụy, hành động vì dân, nêu cao dũng khí chống giặc nội xâm: tham nhũng, quan liêu, trì trệ; để mỗi người dân luôn sống tử tế, lương thiện, yêu nước từ những điều nhỏ nhất; để toàn xã hội tiếp tục gìn giữ độc lập, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nâng cao chất lượng sống từng ngày. Bởi giữ vững chủ quyền không chỉ là giữ đất, mà còn là giữ lòng dân; chống “giặc nội xâm” không chỉ là chống tham nhũng, mà còn là chống quan liêu, trì trệ, vô cảm, thờ ơ với vận mệnh quốc gia; và xây dựng đất nước không chỉ là chuyện của Đảng, của Chính phủ, mà là bổn phận của mỗi người dân Việt Nam.
      Giờ đây, một Việt Nam hạnh phúc đã không phải là giấc mơ viển vông, ta không chỉ hòa bình, thống nhất mà đã và đang kiến tạo một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc. Đại lễ đã khép lại, nhưng hành trình xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vẫn tiếp tục. Xin hãy nỗ lực để hào khí không chỉ còn trong khẩu hiệu, mà chảy trong mạch sống mỗi người dân. Lịch sử đã hoàn thành một nửa – phần còn lại thuộc về chúng ta. Hãy tiếp tục viết nên những trang mới bằng lòng biết ơn, khát vọng cống hiến và hành động cụ thể mỗi ngày, để 50 năm nữa, khi kỷ niệm 100 năm thống nhất đất nước, hậu thế nhìn lại, họ sẽ tự hào về chúng ta như chúng ta đang tự hào và tri ân thế hệ đi trước, để chúng ta xứng đáng là thế của niềm tin và bản lĩnh, đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc!
 

Tác giả: ThS. Đặng Thu Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,161
  • Tháng hiện tại2,161
  • Tổng lượt truy cập9,642,823
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down