Cách đây 71 năm, ngày 20/7/1954, sau hơn 2 tháng thương lượng đầy cam go với các cường quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương đã được ký kết. Đây là thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt về mặt chính trị, quân sự và ngoại giao của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Hiệp định buộc thực dân Pháp và các bên liên quan phải chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đặc biệt, thực dân Pháp phải rút toàn bộ quân khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng 300 ngày. Quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam lần đầu tiên được khẳng định bằng một văn kiện pháp lý quốc tế.
Thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ là kết quả trực tiếp từ thắng lợi quân sự vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc vào ngày 07/5/1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 quân địch, làm sụp đổ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển chính trường Pháp, gây tiếng vang lớn trên thế giới, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán.
Tại Giơ-ne-vơ, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ ngoại giao và lập trường kiên định vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bài học lớn về nghệ thuật kết hợp giữa đấu tranh quân sự và ngoại giao
Hiệp định Giơ-ne-vơ không chỉ là thắng lợi về ngoại giao, mà còn là bài học điển hình về sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị - ngoại giao. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: "Sự nghiệp cách mạng của Đảng ta luôn gắn liền với các cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao bền bỉ, sáng tạo nhằm bảo vệ và tăng cường lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi hoàn cảnh"(1).
Kinh nghiệm từ Hội nghị Giơ-ne-vơ đã để lại nhiều bài học quý, đó là bài học về sự kiên định nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược; phát huy sức mạnh tổng hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế nhưng dựa vào nội lực là chính.
Tinh thần Giơ-ne-vơ – Giá trị thời đại tiếp tục soi đường cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay với nhiều biến động địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, vấn đề an ninh, chủ quyền biển, đảo, tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra gay gắt, phức tạp... thì bài học về bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam từ Hội nghị Giơ-ne-vơ vẫn còn nguyên giá trị.
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 không chỉ là một mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mà còn để lại những bài học quý giá có giá trị thực tiễn sâu sắc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tinh thần Giơ-ne-vơ - với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc bén, sự kiên trì nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược – vẫn là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, kiên định nguyên tắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia
Một trong những giá trị cốt lõi của tinh thần Giơ-ne-vơ là sự kiên định, không khoan nhượng trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia, đặc biệt là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi những thách thức đối với chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia, an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, bài học về sự kiên định trong nguyên tắc, không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp hay xâm phạm nào từ bên ngoài vẫn còn nguyên tính thời sự. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định rõ: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia - dân tộc”(2). Tinh thần ấy chính là sự kế thừa và phát huy bài học Giơ-ne-vơ trong môi trường địa chính trị đầy biến động hiện nay.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh nội lực và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế
Thắng lợi tại Giơ-ne-vơ năm 1954 không chỉ đến từ sức mạnh trên chiến trường, mà còn là thành quả của nghệ thuật ngoại giao khéo léo, biết tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản, phong trào giải phóng dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Ngày nay, bài học đó được vận dụng linh hoạt trong đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực trong nhiều tổ chức quốc tế như: Liên Hợp Quốc, ASEAN, WTO, CPTPP, RCEP... Việt Nam không chỉ bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh nội lực mà còn thông qua các kênh đối thoại đa phương, ngoại giao hòa bình, tranh thủ dư luận quốc tế. Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hay đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 là những minh chứng rõ nét cho thành công của đường lối đối ngoại mang tinh thần Giơ-ne-vơ.
Thứ ba, nghệ thuật kết hợp giữa “thế” và “lực” trong bảo vệ Tổ quốc
Một trong những bài học quan trọng từ Giơ-ne-vơ là biết tạo dựng thế và lực trước khi bước vào đàm phán, thương lượng.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, “thế” không chỉ là sức mạnh quân sự mà còn là vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa, và uy tín quốc tế. Việt Nam đã và đang chủ động củng cố “thế” bằng cách tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đồng thời ngày càng nâng cao năng lực ngoại giao đa phương và tăng cường hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Điều này được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII: “Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; gắn kết chặt chẽ quốc phòng với đối ngoại, tạo thế và lực tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc”(3).
Thứ tư, phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang áp dụng triệt để bài học từ Giơ-ne-vơ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam luôn kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Chính sách nhất quán này thể hiện sự tiếp nối tinh thần kiên định, khéo léo và khôn ngoan từ thời Giơ-ne-vơ, thể hiện vai trò của đối ngoại như một mặt trận quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, tinh thần đoàn kết toàn dân – nền tảng cho mọi thắng lợi
Hiệp định Giơ-ne-vơ là kết quả của sự đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn là yếu tố quyết định. Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”(4).
Tinh thần Giơ-ne-vơ chính là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đồng lòng, chung sức, phát huy trí tuệ tập thể trong bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi thời kỳ lịch sử. Tinh thần Giơ-ne-vơ - với giá trị cốt lõi là bản lĩnh, trí tuệ, lòng kiên định và sự khéo léo trong ngoại giao – vẫn đang và sẽ mãi là kim chỉ nam cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời đại mới. Đó là bài học về cách thức ứng xử khôn khéo, kết hợp giữa mềm dẻo và cứng rắn, giữa đối nội và đối ngoại, giữa nội lực và sức mạnh quốc tế trong bảo vệ lợi ích quốc gia.
Khát vọng đổi mới, vươn mình mạnh mẽ trong thời đại mới
71 năm sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Việt Nam đã và đang vươn lên một cách mạnh mẽ. Năm 2024, GDP của Việt Nam đạt hơn 430 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 700 tỷ USD, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, từ ngày 01/7/2025, cả nước đã chính thức đi vào vận hành mô hình tổ chức chính quyền và đơn vị hành chính địa phương hai cấp. Đây là bước đi cụ thể hóa tinh thần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương và Kết luận số 49-KL/TW, ngày 16/01/2023 của Bộ Chính trị. Đảng ta khẳng định: "Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong đó lấy cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân là những đột phá chiến lược"(5). Những cải cách này là minh chứng cho tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm chính trị cao, là biểu hiện sinh động của năng lực tự đổi mới và khát vọng vươn lên của Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kỷ niệm ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ 20/7 năm nay là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ôn lại bài học lịch sử, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Hiệp định Ge-ne-vơ 1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và ý chí kiên cường của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tinh thần ấy tiếp tục soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Giơ-ne-vơ 1954 – Tinh thần bất khuất, trí tuệ Việt Nam – là động lực để đất nước tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, hội nhập và phát triển bền vững!
Tài liệu trích dẫn:
(1), (2), (3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.134, 162, 164; tập II, tr. 256.