NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ VIỆC BỔ SUNG, CẬP NHẬT VÀO GIẢNG DẠY HỌC PHẦN NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Thứ ba - 22/04/2025 08:28 44 0
      Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 thông qua ngày 19/02/2025 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2025 nhằm thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Theo đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới gồm 09 chương và 72 điều, giảm 8 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã kịp thời thể chế hóa Kết luận số 119-KL/TW, ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, trong đó “Nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, bảo đảm rút ngắn thời gian, nhưng vẫn nâng cao “năng suất”, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, bảo đảm “chất lượng” văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có nhiều điểm mới so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, cụ thể:
      Thứ nhất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm 26 hình thức, do 16 chủ thể có thẩm quyền ban hành. Với chủ trương tiếp tục đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn 25 hình thức, không còn 02 loại văn bản: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xãQuyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.
      Thứ hai, bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) đã quy định nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng Luật năm 2008 đã bỏ hình thức nghị quyết và chỉ giữ lại hình thức nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ trong thời gian qua cho thấy rất cần hình thức này và việc bổ sung là hợp lý. Trên cơ sở đó, khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để quy định về 3 vấn đề: 1) Giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn; 2) Tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; 3) Thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết của Chính phủ. Bên cạnh đó, Luật mới cũng thay đổi 01 hình thức từ Quyết định Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành sang hình thức Thông tư.
      Thứ ba, đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng linh hoạt. Việc xây dựng và thực hiện định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ, cơ quan, tổ chức xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 01 tháng 10 của năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới, để trình Bộ Chính trị phê duyệt. Về xây dựng, triển khai thực hiện chương trình lập pháp hằng năm, thẩm quyền quyết định Chương trình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gồm 03 bước: 1) Đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; 2) Rà soát, đề xuất ý kiến về dự kiến Chương trình; 3) Xem xét, thông qua Chương trình. Thời điểm gửi đề xuất và thời điểm thông qua Chương trình lập pháp hàng năm: chậm nhất ngày 01 tháng 8 của năm trước, đề xuất phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lập dự kiến Chương trình lập pháp của năm tiếp theo. Để bảo đảm tính linh hoạt, thông thoáng của Chương trình lập pháp, khoản 2 Điều 26 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trường hợp cần ban hành luật, nghị quyết ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hoặc kỳ họp gần nhất để giải quyết ngay vấn đề cấp bách, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn mà nội dung đề xuất chưa có trong Chương trình lập pháp hàng năm thì cơ quan trình dự án chủ động tổ chức việc soạn thảo và không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách; gửi hồ sơ dự án để Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đồng thời quyết định việc bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua(1).
      Thứ tư, quy định trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản. Khoản 8 Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chỉ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện”(2). Để cụ thể hóa Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị, tại khoản 10 Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; khi để xảy ra tình trạng trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền chậm tiến độ, trái pháp luật; để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật; kết quả thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức do mình đứng đầu; kết quả thực hiện là căn cứ để đánh giá, xét thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Ngoài ra, còn quy định cơ quan, tổ chức, người đứng đầu và công chức để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật tại cơ quan, tổ chức, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý trách nhiệm hoặc được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.
      Thứ năm, bổ sung nội dung xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Để khắc phục những hạn chế của Luật Ban hành văn bản năm 2015 khi quy định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, đó là chưa quy định rõ ràng tiêu chí để xác định các trường hợp xây dựng, ban hành theo thủ tục rút gọn; một số trường hợp cần thiết phải ban hành theo thủ tục rút gọn nhưng chưa được quy định cụ thể. Điều 50 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã quy định 6 trường hợp được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Luật cũng mở rộng phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng, ban hành Thông tư. Đồng thời, quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
      Thứ sáu, bổ sung quy định tổ chức thi hành, hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp pháp luật. Để khắc phục hạn chế công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa đạt hiệu quả và thực chất mà nguyên nhân là do văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định rõ các hoạt động nào thuộc về tổ chức thi hành luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã quy định những nội dung cơ bản để cơ quan, người có thẩm quyền tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành; trách nhiệm tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo hoặc cung cấp thông tin về tổ chức thi hành. Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 cũng đã bổ sung quy định hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, đó là, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản do mình ban hành bằng văn bản hành chính, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
      Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị với học phần III.2. Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Trong đó, chuyên đề thứ nhất, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân có định hướng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó, đòi hỏi việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp theo hướng chú trọng chất lượng và tính khả thi của pháp luật. Chuyên đề thứ ba, pháp luật và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Với mục đích phổ biến, tuyên truyền hệ thống pháp luật, yêu cầu trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới người học, để người học thấy được những điểm mới về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, những đổi mới mạnh mẽ trong tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, phát hiện và tháo gỡ những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật thì việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào giảng dạy là hết sức cần thiết. Cụ thể, trong phương hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật cần tập trung cập nhật, bổ sung về quy trình xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng linh hoạt; nội dung xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; những quy định trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản và những quy định tổ chức thi hành, hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp pháp luật. Với phần hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cần tập trung cập nhật, bổ sung những hình thức văn bản quy phạm pháp luật mới, những hình thức, chủ thể không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
      Như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã có những quy định mới với mục tiêu khắc phục các khó khăn, vướng mắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra, tạo tiền đề để tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với mục đích phổ biến, tuyên truyền pháp luật tới người học, để người học thấy được những ưu điểm của quy định mới, thì việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào giảng dạy vào phần học “Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam” của giảng viên là hết sức cần thiết, đồng thời qua đó làm sâu sắc nội dung bài giảng.
Tài liệu trích dẫn:
(1) Quốc  hội: Điều 26 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
(2) Quốc  hội: Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Tác giả: ThS. Tống Mạnh Hùng - Giảng viên khoa Nhà nước pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,711
  • Tháng hiện tại123,910
  • Tổng lượt truy cập9,627,934
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down