HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐẠT CHUẨN: TỪ THỰC TIỄN PHÍA NAM ĐẾN ĐỊNH HƯỚNG LAI CHÂU

Chủ nhật - 18/05/2025 05:35 382 0

HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐẠT CHUẨN: TỪ THỰC TIỄN PHÍA NAM ĐẾN ĐỊNH HƯỚNG LAI CHÂU

Đoàn công tác Trường Chính trị tỉnh Lai Châu nghiên cứu, học tập kinh nghiệm
xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn tại tỉnh Hậu Giang
      Trong xu thế đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống chính trị, giáo dục lý luận chính trị đóng vai trò then chốt trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Thực hiện chiến lược xây dựng Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 19/5/2021, từ ngày 04 đến 11 tháng 5 năm 2025, Đoàn công tác của Trường Chính trị tỉnh Lai Châu do đồng chí Nguyễn Tiến Tăng - Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các khoa, phòng đã tiến hành chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại năm tỉnh phía Nam: Lâm Đồng, Cà Mau, Tiền Giang, Cần Thơ và Hậu Giang. Mục tiêu trọng tâm của chuyến đi không chỉ là nắm bắt mô hình tổ chức và quản trị học viện tại các địa phương, mà còn là tìm kiếm cơ hội trao đổi học thuật, chia sẻ thực tiễn, từ đó cụ thể hóa lộ trình phát triển nhà trường gắn với các tiêu chí định lượng và định tính đã được Trung ương ban hành.
       Trải nghiệm thực tế từ những mô hình điển hình và bài học sâu sắc
      Hành trình kéo dài một tuần không chỉ đơn thuần là các cuộc làm việc chính thức mà là chuỗi trải nghiệm thực tế đầy cảm hứng, giúp mỗi thành viên trong đoàn hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về tiêu chí trường chính trị đạt chuẩn. Chúng tôi đã được “mục sở thị” mô hình quản trị tiên tiến, cơ sở vật chất đồng bộ, tinh thần đổi mới trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như phong cách lãnh đạo đầy quyết liệt nhưng linh hoạt của đội ngũ cán bộ quản lý tại các trường bạn.
Đoàn công tác Trường Chính trị tỉnh Lai Châu nghiên cứu, học tập kinh nghiệm
xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn tại tỉnh Tiền Giang
      Các mô hình trường chính trị đạt chuẩn tại các tỉnh phía Nam được đoàn tiếp cận đều mang dấu ấn sáng tạo, tính khả thi cao và phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đáng chú ý là sự kết hợp giữa quản trị học đường hiện đại với các yếu tố văn hóa, chính trị - xã hội bản địa, thể hiện rõ trong cách tổ chức không gian học tập, cách tiếp cận chương trình, và cách thức vận hành nguồn lực đội ngũ. Tại các điểm đến, đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát, quan sát và trao đổi sâu với ban lãnh đạo các trường chính trị địa phương, đồng thời tham quan thực tế hệ thống cơ sở vật chất, tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề, gặp gỡ giảng viên và học viên. Mỗi đơn vị, mỗi vùng miền đều để lại những bài học riêng biệt, nhưng tựu trung lại là sự kết hợp hài hòa giữa tư duy chiến lược - hành động thực tế - công nghệ quản lý - tinh thần cải cách. Trong số các đơn vị được đoàn công tác tiếp cận, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang để lại dấu ấn sâu đậm. Là đơn vị đạt chuẩn sớm hơn kế hoạch một năm, trường đã khẳng định năng lực điều hành và tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Loan – UVBCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng cho biết phương châm hành động cốt lõi của nhà trường là: “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Phương châm này được cụ thể hóa thông qua một hệ thống các mô hình đổi mới mang tính chiến lược: Mô hình “Dạy đổi mới - Học tích cực - Kết quả tiến bộ”: lấy người học làm trung tâm, khuyến khích tư duy phản biện, học tập tích cực và vận dụng lý luận vào giải quyết tình huống thực tiễn; mô hình “Lý luận gắn thực tiễn - Sinh kế bền vững”: lồng ghép nội dung lý luận chính trị với mô hình kinh tế địa phương, định hướng người học tiếp cận các bài toán thực tiễn dưới góc nhìn chính sách công và quản trị nhà nước; mô hình “Mỗi chi bộ ít nhất một nghiên cứu sinh”: kiến tạo nền văn hóa học thuật trong Đảng bộ, khuyến khích nghiên cứu khoa học làm nền tảng cho đào tạo và phản biện chính sách. Các mô hình trên không chỉ giúp chuyển hóa tư duy giảng dạy theo hướng tích hợp và ứng dụng mà còn cho thấy vai trò lãnh đạo mang tính kiến tạo trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
       Những phút trao đổi nghề nghiệp “giàu chất lửa”
      Một điểm nhấn học thuật và cảm xúc đặc biệt là buổi tọa đàm giữa hai Hiệu trưởng. Câu hỏi của đồng chí Nguyễn Tiến Tăng: “Yếu tố nào giúp Hậu Giang về đích sớm trong xây dựng trường chính trị đạt chuẩn?; Điều gì là “chìa khóa thành công?” đã mở ra một không gian trao đổi chân thực, sâu sắc. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Loan - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng chia sẻ: “Chúng tôi không chạy theo chuẩn, mà lấy chuẩn làm cơ hội để nâng mình lên. Chìa khóa nằm ở việc xây dựng niềm tin tập thể vào mục tiêu, phân quyền rõ - giao việc cụ thể - giám sát chặt chẽ - khen thưởng công bằng.” Phát biểu ấy không chỉ gợi mở triết lý quản trị hiện đại trong điều kiện đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng cải cách tới đội ngũ cán bộ giảng viên, những người đang giữ vai trò truyền lửa và dẫn dắt sự chuyển mình của các cơ sở đào tạo lý luận chính trị. Đó không chỉ là một kinh nghiệm quản lý mà còn là sự truyền cảm hứng sâu sắc. Nhiều cán bộ trong đoàn đã chia sẻ sau buổi làm việc rằng, họ “như được tiếp thêm lửa nghề” - lửa của đổi mới của sáng tạo và của niềm tin vào hành trình phía trước.
      Bên cạnh thời gian tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xây dựng trường chính trị đạt chuẩn, Đoàn công tác còn khảo sát nhiều mô hình phát triển kinh tế cộng đồng tại các địa phương. Từ cơ sở sản xuất kẹo dừa Bến Tre, mô hình nuôi cầy hương ở Tiền Giang, đến vườn cây ăn trái tại Hậu Giang và vùng ven Cà Mau, Hợp tác xã Nông nghiệp Cồn Sơn, chợ nổi Cái Răng, trải nghiệm nét văn hóa của người miền Tây … là những tư liệu sống động về mô hình sinh kế bền vững, đặc biệt tại khu vực nông thôn Nam Bộ. Đây là nguồn tư liệu quý để tích hợp vào bài giảng lý luận chính trị – nơi lý luận không chỉ dừng lại ở văn kiện hay giáo trình, mà thấm đẫm hơi thở thực tiễn. Người giảng viên lý luận sẽ không chỉ giảng về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách khái quát, mà có thể cụ thể hóa bằng hình ảnh một mô hình khởi nghiệp từ nông sản địa phương, hay phân tích lý luận về “kinh tế hợp tác” thông qua một tổ hợp tác trái cây có doanh thu hàng tỷ đồng. Càng đi sâu vào thực tế, Đoàn công tác càng nhận ra rằng lý luận chính trị muốn hấp dẫn, thuyết phục thì cần có tính gợi mở, gần dân, và kết nối với từng mảnh đất, con người.
Đoàn công tác Trường Chính trị tỉnh Lai Châu thăm mô hình nuôi cá bè
của Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, tỉnh Cần Thơ
        Cảm xúc từ cực Nam Tổ quốc - khơi dậy tinh thần phụng sự và những bài học rút ra từ thực tiễn
      Chuyến thăm đất mũi Cà Mau - nơi tận cùng Tổ quốc  không chỉ mang tính biểu tượng địa lý mà là trải nghiệm lắng đọng nhất. Khi các thành viên trong đoàn đặt tay lên cột mốc quốc gia, phóng tầm mắt ra biển trời phương Nam, họ không chỉ thấy đất nước bao la, mà còn cảm nhận trách nhiệm lớn lao của người truyền lửa lý tưởng cho thế hệ cán bộ kế cận. Trải nghiệm ấy như một khúc lặng giữa chuỗi ngày làm việc liên tục, giúp đội ngũ giảng viên có điều kiện soi chiếu lại động lực nghề nghiệp, lý tưởng cống hiến và lý do lựa chọn nghề dạy lý luận chính trị - nghề truyền cảm hứng, hình thành nhân cách và năng lực lãnh đạo cho cán bộ, đảng viên. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tại Trường Chính trị các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ và đặc biệt là Hậu Giang - nơi đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn sớm một năm, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã đúc rút được nhiều bài học quý báu, trở thành kim chỉ nam cho chặng đường phía trước. Trong hành trình xây dựng nhà trường đạt chuẩn mức 1 vào năm 2026 theo Quy định số 11-QĐ/TW, việc cụ thể hóa các bài học thành định hướng hành động và lộ trình triển khai là nhiệm vụ cấp thiết:
       Thứ nhất, lấy “chuẩn” làm động lực nội sinh để tái cấu trúc nhà trường một cách toàn diện.
      Từ câu chuyện “không chạy theo chuẩn, mà lấy chuẩn để nâng mình lên” của Trường Chính trị Hậu Giang, đoàn công tác rút ra bài học đầu tiên: cần biến mục tiêu đạt chuẩn thành động lực cải tổ nội bộ, thay vì coi đó là áp lực hành chính. Định hướng này sẽ được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Kế hoạch hành động 3 cấp (cấp trường, cấp khoa/phòng, cấp cá nhân) cho giai đoạn 2025–2026, trong đó từng đầu việc gắn với các tiêu chí định lượng và định tính. Định kỳ có thể từng Quý trong năm, nhà trường sẽ tiến hành kiểm kê hiện trạng theo từng tiêu chí, xác định điểm mạnh - điểm yếu, từ đó tái cấu trúc quản trị nội bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả phối hợp liên khoa và liên phòng.
      Thứ hai, khơi dậy khát vọng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn – bước đệm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
      Chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là buổi làm việc tại Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, đã khơi gợi một bài học quan trọng: xây dựng trường chính trị đạt chuẩn không thể tách rời nhiệm vụ phát triển văn hóa nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên, đảng viên. Một trong những điểm nhấn của Hậu Giang là mô hình “Mỗi chi bộ ít nhất một nghiên cứu sinh”, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc kết hợp đào tạo, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp thu kinh nghiệm này, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu xác định sẽ thí điểm mô hình “Mỗi tổ đảng một nghiên cứu sinh” hoặc ít nhất là một đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn cơ sở, trước mắt triển khai từ năm 2026 tại các khoa, phòng có tiềm lực. Mô hình này không chỉ nhằm gia tăng sản phẩm nghiên cứu mà quan trọng hơn là hình thành môi trường học thuật chuyên sâu, khơi dậy đam mê nghiên cứu trong mỗi cán bộ, giảng viên. Đây sẽ là động lực nội sinh để giảng viên không ngừng tự học, tự đổi mới, đồng thời tạo ra các sản phẩm lý luận gắn với thực tiễn - yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng giảng dạy và phản biện chính sách. Về lộ trình, nhà trường dự kiến triển khai mô hình này trong quý I năm 2026, gắn với kế hoạch bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ nghiên cứu và cơ chế ghi nhận, khen thưởng sản phẩm khoa học. Mục tiêu là đến năm 2026, mô hình này trở thành nền tảng quan trọng trong lộ trình xây dựng Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đạt chuẩn mức 1.
      Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm – tích hợp lý luận với thực tiễn.
       Qua khảo sát thực tế, mô hình “Dạy đổi mới - Học tích cực - Kết quả tiến bộ” cho thấy tính khả thi cao và phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị tại tỉnh Lai Châu. Trong thời gian tới, Trường sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa chương trình giảng dạy theo hướng tăng cường tính ứng dụng và tương tác, đặc biệt là lồng ghép các tình huống thực tiễn sát với bối cảnh địa phương vùng cao biên giới. Việc tích hợp các tình huống sư phạm sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thao giảng cấp trường, qua đó giúp giảng viên rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống và nâng cao tính chủ động sáng tạo trong truyền đạt kiến thức. Mỗi thao giảng sẽ đưa ít nhất một câu hỏi tình huống cụ thể để giảng viên xử lý theo hướng gợi mở tư duy phản biện cho người học. Đồng thời, các tình huống cũng sẽ được đưa vào cuộc thi “Học viên học giỏi lý luận chính trị” nhằm đánh giá năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác và đời sống. Từ quý I năm 2026, Trường xây dựng lộ trình chuẩn hóa ngân hàng tình huống giảng dạy gắn với đặc thù kinh tế - xã hội của Lai Châu. Mỗi khoa, phòng chuyên môn dự kiến sẽ xây dựng tối thiểu 10 tình huống/năm để tích hợp vào bài giảng, đồng thời tổ chức các buổi thuyết trình chuyên đề, tọa đàm nhóm, khuyến khích học viên trao đổi, tranh luận có định hướng. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả và gắn với thực tiễn địa phương.
      Thứ tư, phát huy vai trò của giảng viên trong liên kết đào tạo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
      Chuyến đi thực địa tại các mô hình sinh kế cộng đồng ở miền Tây Nam Bộ đã cho thấy tính thiết thực của việc đưa thực tiễn vào giảng đường lý luận chính trị. Theo định hướng này, Trường sẽ triển khai Chương trình “Giảng viên đồng hành cùng cơ sở” từ đầu năm 2026. Theo đó, mỗi giảng viên lý luận chính trị sẽ gắn một chủ đề bài giảng với một mô hình phát triển kinh tế cụ thể tại địa phương, từ hợp tác xã, tổ liên kết nông dân đến mô hình khởi nghiệp nông sản thông qua chương trình nghiên cứu thực tế hằng năm. Các bài giảng lý luận chính trị sẽ được tái cấu trúc để có tính ứng dụng cao hơn, gần với đời sống cán bộ cơ sở, phù hợp tinh thần “gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với cuộc sống”.
      Thứ năm, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của nhà trường – khơi dậy tinh thần phụng sự, trách nhiệm và niềm tin vào hành trình chuyển mình.
      Bài học sâu sắc nhất rút ra từ chuyến công tác tại Đất Mũi - nơi cực Nam Tổ quốc - không nằm ở quy mô cơ sở vật chất hay nguồn lực đầu tư, mà là sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần kiên định, khát vọng vươn lên và ý chí phụng sự cộng đồng. Chính điều này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lai Châu, thôi thúc mỗi người nỗ lực hơn vì sự nghiệp đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà. Từ thực tế này, Trường xác định phát huy vai trò hạt nhân chính trị không chỉ là mục tiêu, mà còn là sứ mệnh lâu dài. Trước mắt, thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn nhà trường sẽ tổ chức diễn đàn truyền cảm hứng nghề nghiệp thường niên, tạo không gian để giảng viên chia sẻ lý tưởng, tình yêu nghề và những câu chuyện cống hiến trong giảng dạy lý luận chính trị. Đây sẽ là hoạt động trọng tâm nhằm lan tỏa tinh thần trách nhiệm xã hội, củng cố niềm tin vào vai trò người giảng viên lý luận trong giai đoạn chuyển mình. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế nhà trường trong hệ thống chính trị địa phương, tiến tới đạt chuẩn theo Quy định 11-QĐ/TW.
      Tóm lại, hơn cả những mô hình hay, chuyến công tác còn là “chất xúc tác” tinh thần, khơi dậy tư duy cải cách, tinh thần đổi mới trong đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lai Châu. Trở về từ miền Tây nắng gió, Đoàn công tác mang theo không chỉ là kinh nghiệm quý báu mà còn là tâm thế sẵn sàng “chuyển mình” - sẵn sàng vượt khó, giữ vững bản sắc, gắn bó với địa phương để vươn tới mục tiêu đạt chuẩn. Quãng đường phía trước chắc chắn không ít thử thách, nhưng với niềm tin tập thể, sự hỗ trợ từ Tỉnh ủy và của cả hệ thống chính trị, cùng những bài học đắt giá từ thực tiễn, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã có trong tay “bản đồ định hướng” để phát triển một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả hơn trong giai đoạn tới./.
 

Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Đông - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay3,761
  • Tháng hiện tại57,615
  • Tổng lượt truy cập9,698,277
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down