DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thứ tư - 30/03/2022 20:59 566 0
DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
           1. Tình hình dạy - học trực tuyến tại trường chính trị tỉnh Lai Châu
           Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn của tỉnh ngày càng tăng, thực hiện Công văn 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh”, ban lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã có nhiều chỉ đạo kịp thời nhằm tổ chức thực hiện việc dạy - học trực tuyến trong nhà trường như: Ban hành Quy định số 02-QĐ/TCT ngày 09/11/2021 Quy định về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại trường chính trị tỉnh Lai Châu”; cử đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm và chuyên môn kỹ thuật tham gia lớp tập huấn về việc dạy - học trực tuyến; chỉ đạo các khoa chuyên môn nghiên cứu, soạn và thiết kế bài giảng phù hợp, hiệu quả với hình thức dạy trực tuyến.
           Nhà trường cũng tiến hành khảo sát cơ sở vật chất hiện có, đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy - học trực tuyến như: Chuẩn bị phòng học, mua sắm máy tính cấu hình cao, lắp hệ thống mạng với tốc độ đường truyền tốt và ứng dụng phần mềm Microsoft Teams để tổ chức dạy - học. Mặc dù đây là hình thức mới nhưng toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường đã cố gắng, nỗ lực và nhanh chóng làm quen với nhiều hoạt động cụ thể như: Giảng viên tìm hiểu đối tượng học viên nhằm lựa chọn phương pháp giảng dạy cũng như thiết kế bài giảng cho phù hợp với dạy - học trực tuyến, tự tập giảng trước màn hình máy tính, tổ chức lập tài khoản và hướng dẫn học viên các lớp cách sử dụng phần mềm học trực tuyến...
         Trong quá trình tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, tránh sự xáo trộn và đảm bảo khả năng tham gia học tập cao nhất, hiệu quả nhất cho học viên, nhà trường đã linh hoạt chuyển từ hình thức dạy – học trực tiếp sang trực tuyến ở một số lớp đặt tại các địa bàn có điểm dịch bệnh phức tạp; đồng thời, sáng tạo kết hợp song song cả hình thức dạy - học trực tiếp với trực tuyến ở những lớp có một số học viên mắc Covid-19. Việc kịp thời kết hợp vận dụng linh hoạt hai hình thức này có nhiều ưu điểm: Vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa duy trì và đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho học viên, nhất là những học viên công tác tại địa bàn xa các khu trung tâm, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, ban lãnh đạo nhà trường cũng tăng cường công tác kiểm tra, thăm lớp, động viên kịp thời những học viên nhiễm Covid-19 yên tâm điều trị khỏi bệnh, khuyến khích các học viên là F0 không có triệu chứng nặng duy trì tham gia học tập đầy đủ bằng hình thức trực tuyến. Công tác quản lý lớp đã có sự phối hợp nhịp nhàng từ giảng viên lên lớp đến giáo viên chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm và ban cán sự lớp học. Đa phần học viên tham gia học tích cực, sôi nổi trong việc tương tác với giảng viên, chấp hành tốt nội quy, quy chế học tập và rèn luyện. Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp nhưng nhà trường vẫn duy trì tương đối ổn định các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đối với 9 lớp/450 học viên tham gia học tập.
Một buổi học kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến tại nhà trường


 
Màn hình một buổi học trực tuyến của học viên
          Tuy nhiên, từ thực tiễn việc triển khai dạy - học trực tuyến thời gian qua tại nhà trường, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra như: Một số ít giảng viên còn lúng túng trong việc thiết kế, xây dựng nội dung bài giảng và lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với hình thức trực tuyến nên quá trình tổ chức hoạt động dạy – học thiếu sự tương tác giữa người dạy và người học, thiên về hoạt động thuyết trình một chiều của giảng viên, nội dung thảo luận có mặt hạn chế, chưa phát huy được tính tự giác, chủ động, sáng tạo của một bộ phận học viên. Một số giảng viên do quá tập trung vào giảng bài hoặc còn chưa thành thục trong việc sử dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến nên chưa thường xuyên bao quát lớp học và hoạt động của học viên (do màn hình chỉ hiển thị được khoảng 7-10 cửa sổ, tương ứng với việc chỉ hiện thị hình ảnh của 7-10 học viên), do đó có khó khăn nhất định trong việc quản lý và khuyến khích học viên chủ động, tích cực tham gia vào quá trình học tập. Ở một số trường hợp cụ thể, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số học viên không đủ trang thiết bị đảm bảo hoặc do chưa sắp xếp thời gian hợp lý dẫn đến tình trạng tranh thủ xử lý công việc cơ quan và cá nhân trong giờ học làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập...
         2. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy - học trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Lai Châu trong thời gian tới
          Đối với ban lãnh đạo nhà trường: Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với điều kiện của nhà trường. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và các giảng viên, đảm bảo về số lượng, chất lượng.
Tiếp tục phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách quản lý đào tạo giáo viên chủ nhiệm lớp tham gia hỗ trợ, theo dõi, giám sát, quản lý học viên trong quá trình học trực tuyến. Đồng thời, lấy phiếu ý kiến phản hồi của người học về chất lượng tổ chức dạy – học bằng hình thức trực tuyến nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy và tổ chức lớp học. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với cơ quan cử học viên đi học hoặc thủ trưởng cơ quan đơn vị nơi học viên công tác trong việc quản lý học viên; kịp thời phản ánh, phối hợp xử lý nghiêm những học viên thiếu tinh thần học tập, vi phạm nội quy, quy chế, văn hóa trường Đảng.
           Trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19 còn phức tạp, cần sớm có chủ trương đổi mới hình thức đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở của học viên bằng việc mời báo cáo viên theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cụ thể hóa quy định đối với việc thi hết học phần bằng hình thức trực tuyến để có thể tổ chức thi vấn đáp, thi trắc nghiệm online hoặc tổ chức viết khóa luận tốt nghiệp đối với 100% học viên nếu đủ điều kiện theo quy định.
          Đối với đội ngũ giảng viên: Mỗi giảng viên cần phải tích cực, chủ động trong việc tự nghiên cứu, tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng máy tính cũng như phần mềm ứng dụng giảng dạy trực tuyến. Tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại trong giảng dạy trực tuyến, thao tác số hóa bài giảng, tài liệu học tập... Đặc biệt, phải chú ý đến yêu cầu về phát ngôn trong giảng dạy, nhất là trong giảng dạy bằng hình thức trực tuyến; luôn cầu thị, tự đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi giờ giảng, rèn kỹ năng xử lý sự cố và các tình huống trong giảng dạy trực tuyến.
          Chủ động học hỏi, trao đổi, cập nhật các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên trong quá trình áp dụng dạy - học trực tuyến. Giáo viên đứng lớp phải chủ động phối hợp với cán bộ kỹ thuật của nhà trường, tổ chức test tín hiệu, đường truyền trước khi bắt đầu các buổi học; yêu cầu học viên mở camera để tương tác, quản lý; kiểm tra, giám sát, điểm danh lớp học nghiêm túc.
           Đối với học viên, cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích học tập, sắp xếp thời gian hợp lý và có kế hoạch học tập cụ thể. Chủ động phối hợp, hợp tác với giảng viên, cán bộ quản lý, nỗ lực tìm tòi, tự nghiên cứu giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu phục vụ học tập trước mỗi buổi học. Trong quá trình học tập, cần nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế lớp học, tích cực tham gia phát biểu, thảo luận. Với những học viên trong điều kiện kinh tế khó khăn cần nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất (có thể tạo nhóm 2-3 người cùng học tại một địa điểm đảm bảo về phương tiện kết nối, đường truyền); chủ động học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng phần mềm học trực tuyến...
        Để thích ứng với cuộc sống “bình thường mới” và tiến tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện hiện đại trong quản lý, dạy – học, số hóa trường học trong tương lai, việc triển khai tổ chức dạy - học trực tuyến kết hợp với giảng dạy trực tiếp tại Trường Chính trị tỉnh Lai Châu là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lộ trình xây dựng trường chuẩn của ban lãnh đạo nhà trường. Trong thời gian tới, với những nguồn lực hiện có, Nhà trường cần tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục một số khó khăn, bất cập và thực hiện tốt một số giải pháp nêu trên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng./.
          * Tài liệu tham khảo:
        1. Công văn 494-CV/HVCTQG ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh”.
         2. Công văn số 1000 - CV/HVCTQG ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “V/vhướng dẫn một số nội dung liên quan đến đào tạo trung cấp lý luận chính trị theo hình thức trực tuyến”.
Tác giảThS. Lê Thế Đại - ThS. Nguyễn Văn Đông
Khoa Xây dựng Đảng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay3,189
  • Tháng hiện tại82,115
  • Tổng lượt truy cập8,894,764
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down