Ph.Ăngghen (28/11/1820 – 5/8/1895) | Phri-Đrích Ăng-ghen sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820, ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ (Đức) trong gia đình một chủ xưởng dệt. Nhân loại biết đến Ph.Ăngghen là một nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19; Đồng thời, ông là chiến sỹ cách mạng vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Ph.Ăngghen với những cống hiến to lớn cho nhân loại, ông đã ghi tên mình vào danh sách những vị thiên tài, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. |
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận đang diễn ra gay gắt, quyết liệt. Kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn tìm mọi cách để bác bỏ học thuyết khoa học và cách mạng này của thời đại. Trong đó, có những luận điệu xuyên tạc thậm chí phủ nhận vai trò và đóng góp của Ph.Ăngghen. Do vậy, chúng ta cần khẳng định rõ những cống hiến to lớn của Ph.Ăngghen trong sự hình thành, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác.
Sinh thời, Ph.Ăngghen là người rất khiêm tốn, không thừa nhận những công lao to lớn trong việc cùng với C.Mác xây dựng nên học thuyết Mác. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho chúng ta thấy những cống hiến khoa học của Ph.Ăngghen là vô cùng lớn lao không thể phủ nhận. Những cống hiến này được thể hiện qua việc Ph.Ăngghen đã cùng C.Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, đồng thời trực tiếp tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân từ đó xây dựng nên chủ nghĩa Mác – một học thuyết khoa học và cách mạng - vũ khí tư tưởng của giai cấp vô sản (giai cấp công nhân) trong cuộc đấu tranh cách mạng xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Ph.Ăngghen đã viết rất nhiều tác phẩm của riêng ông và cùng với C.Mác để xây dựng nên học thuyết Mác hoàn bị và khoa học. Đó là, các tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (C.Mác và Ph. Ăngghen - 1848); Hệ tư tưởng Đức (C.Mác và Ph. Ăngghen - tháng 11 năm 1845 đến tháng 4 năm 1846); Biện chứng của tự nhiên (Ph.Ăngghen - xuất bản 1925);... Qua đó, đã thể hiện những cống hiến to lớn và dấu ấn sâu sắc của Ph.Ăngghen trong nghiên cứu tổng kết thực tiễn thành hệ thống tri thức lý luận khoa học về tự nhiên và xã hội. Đặc biệt, Ph.Ăngghen đã dành nhiều tâm huyết và công sức để chỉnh sửa, bổ sung, biên tập xuất bản Quyển II và Quyển III trong Bộ “Tư bản” – tác phẩm kinh tế chính trị học vĩ đại nhất của thế kỷ.
Ph.Ăngghen đã trực tiếp bổ sung, phát triển tư tưởng của C.Mác trên cả ba bộ phận cấu thành (triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học) góp phần làm cho chủ nghĩa Mác thực sự khoa học và cách mạng:
Về triết học: Những luận điểm, nguyên lý, quy luật, phạm trù triết học đã được Ph.Ăngghen và C.Mác lần đầu tiên trình bày một cách khoa học và hệ thống. Đặc biệt Ph.Ăngghen là người đầu tiên vận dụng phép biện chứng duy vật vào nhận thức những quy luật của tự nhiên làm cho triết học và khoa học tự nhiên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ông đã luận giải, chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ cho các khoa học xã hội mà còn cho cả các khoa học tư nhiên.
Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử - một trong hai phát kiến vĩ đại của C.Mác cũng ghi nhận vai trò to lớn của Ph.Ăngghen. Với việc viết chung với C.Mác tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” nhằm phê phán triết học của phái Hêghen trẻ. Trong tác phẩm đó, quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử đã được thể hiện toàn diện, hệ thống và đầy đủ.
Về kinh tế chính trị học: Ph.Ăngghen là người đã hoàn thiện, bổ sung và xuất bản Quyển II và Quyển III trong ba quyển của bộ “Tư bản” sau khi C.Mác qua đời. Đây là một tác phẩm đồ sộ và có ý nghĩa to lớn trong hệ thống tư tưởng của các ông. Ph.Ăngghen cũng đã chiến đấu không mệt mỏi trên mặt trận tư tưởng, phê phán, bác bỏ luận điệu của những trường phái tư tưởng cơ hội, xét lại chống lại C.Mác nhằm bảo vệ quan điểm của C.Mác khi phân tích về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Về chủ nghĩa xã hội khoa học: Ph.Ăngghen là một trong những người đầu tiên đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Đây là lực lượng xã hội có vai trò quyết định trong công cuộc cách mạng xóa bỏ tận gốc chế độ bóc lột trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác phân tích và khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Ph.Ăngghen cũng có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học. Những lý luận khoa học ấy đã trở thành vũ khí sắc bén để giai cấp công nhân tiến hành cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa trên quy mô thế giới để xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn, một xã hội mà ở đó: “Sự phát triển tự do của mỗi người sẽ là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Ph.Ăngghen đã dành toàn bộ trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới khác về chất so với các chế độ xã hội trước đó – xã hội cộng sản chủ nghĩa, bằng việc nghiên cứu không mệt mỏi và bằng những lỗ lực xây dựng phong trào công nhân khắp thế giới.
Để khẳng định công lao to lớn của Ph.Ăngghen trong chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin từng khẳng định: “Muốn đánh giá đúng những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của C.Mác là Ph.Ăngghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăngghen”(2).
Ph.Ăngghen không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu bổ sung phát triển lý luận, hoàn thiện chủ nghĩa Mác mà còn là người tích cực thâm nhập, trực tiếp tham gia vào thực tiễn phong trào công nhân. Tích cực giác ngộ, truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân, làm cho chủ nghĩa Mác thực sự trở thành vũ khí tư tưởng của phong trào công nhân. Ph.Ăngghen vừa truyền bá tư tưởng khoa học và cách mạng vừa xây dựng tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân. Với sự tập trung trí lực của mình cho phong trào công nhân Ph.Ăngghen đã trở thành lãnh tụ lỗi lạc của phong trào công nhân châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX. Những tư tưởng của Ph.Ăngghen nói riêng và của chủ nghĩa Mác – Lê nin nói chung cho đến nay đã được thực tiễn đã chứng minh là khoa học và cách mạng nhất; giúp cho giai cấp công nhân và các Đảng cộng sản, đảng công nhân trên toàn thế giới có được thế giới quan, phương pháp luận khoa học, luôn soi sáng cho phong trào cách mạng của thế giới.
Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản mà Ph.Ăngghen đã nêu vẫn còn nguyên giá trị về cả lý luận và thực tiễn, là cơ sở khoa học để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Tư tưởng của Ph.Ăngghen luôn là kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt giai cấp cùng dân tộc xây dựng xã hội mới tiến bộ - một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"
Tác giả:ThS Nguyễn Thị Quý Hằng
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
Tài liệu trích dẫn: (1). V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M.1980, tập 26, tr.110.(2). C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2002, t.4, tr.628.(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội (2011), Tr.70.