CHIẾN DỊCH LAI CHÂU - MỞ MÀN QUAN TRỌNG, TIỀN ĐỀ CHO CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Thứ tư - 03/04/2024 08:08 1.523 0
         Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất, không chỉ giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp mà còn là trận đầu đánh thắng can thiệp Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trong những yếu tố góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thắng lợi của chiến dịch Lai Châu - chiến dịch mở màn chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 có vai trò tạo tiền đề quan trọng.
       Thu Đông năm 1953, cuộc chiến tranh yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào năm thứ tám. Trong những năm đấu tranh anh dũng và đầy hy sinh gian khổ đó, thế và lực của ta đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Ngược lại, về phía thực dân Pháp, có can thiệp Mỹ giúp sức, tuy đã nhiều lần tăng quân và phương tiện chiến tranh nhưng ngày càng lún sâu vào thế bị động, thất bại sau nặng nề và lớn hơn thất bại trước. Để cứu vãn tình thế sau một loạt thất bại nặng nề ở Tây Bắc (12/1952), Thượng Lào (4/1953) và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, tháng 7/1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Na-va, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, hòng giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính, chuyển bại thành thắng, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương, buộc chính phủ ta phải chấp nhận đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra, nhằm tìm “lối thoát danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược.
        Về phía ta, tháng 9/1953, tại Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Để phá vỡ Kế hoạch Nava, Ban Thường vụ xác định chủ trương tác chiến là: Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ.
         Sau thất bại tại Tây Bắc và Thượng Lào, tháng 8/1953 Pháp rút khỏi Nà Sản (Sơn La), tập trung bố phòng tại Lai Châu với lực lượng gồm 03 tiểu đoàn Âu Phi (tập trung ở thị trấn Lai Châu) và hơn 20 đại đội ngụy Thái, do sĩ quan Pháp trực tiếp chỉ huy, thực hiện chốt giữ các điểm cao xung quanh Thị trấn và đóng giữ trên 05 phân khu thuộc tỉnh Lai Châu. Lợi dụng những khó khăn của Nhân dân vùng mới giải phóng, chúng đã dùng muối, vải, bạc trắng để mua chuộc, dụ dỗ nhân dân ta về hàng, mỗi gia đình về hàng chúng cho 2kg muối, tung vải ra bán với giá rẻ, chúng tuyên truyền nếu theo Việt Minh sẽ không có muối ăn, có tiền cũng không mua được vải và phải đóng thuế, đi phu khổ cực. Chúng đẩy mạnh thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
         Sau chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lai Châu đã trưởng thành nhanh chóng. Để đối phó với âm mưu và những hành động phá hoại của địch, Ban Cán sự Lai Châu đề ra chủ trương “bám sát địch, phát triển du kích chiến tranh, củng cố cơ sở, chống càn quét, bảo vệ Nhân dân, tăng gia sản xuất. Ở những nơi cơ sở bị vỡ, địch hoạt động mạnh thì tổ chức từng tổ nhỏ luồn vào sau lưng địch bám sát nhân dân, gây dựng, củng cố cơ sở. Tranh thủ nhân dân, diệt trừ do thám, biệt kích, gây tin tưởng trong nhân dân, nắm lấy dân, đả phá luận điệu phản tuyên truyền của địch”.
        Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, trong Đông Xuân 1953-1954, quân ta chủ động mở hàng loạt các chiến dịch tấn công địch theo nhiều hướng trên khắp chiến trường Đông Dương, như: Tây Bắc, Thượng Lào, Thượng Lào, Trung Lào và Bắc Tây Nguyên, trong đó lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp, buộc chúng phải phân tán lực lượng thành 5 nơi: Đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Sê Nô, Plây cu, Luông pha băng. Chiến dịch Lai Châu được chọn là chiến dịch mở màn trong hướng tiến công Tây Bắc nói riêng và trong toàn bộ chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 nói chung. Thực hiện kế hoạch tác chiến, trung tuần tháng 11/1953, Đại đoàn 316 (thiếu Trung đoàn 176) từ nam Hoà Bình hành quân lên Tây Bắc, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch Lai Châu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc.
         Nhận được tin Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, lo sợ Thượng Lào và kinh đô Luông Pha Băng bị uy hiếp, để bảo vệ Thượng Lào và đối phó với chủ lực ta, ngày 20/11/1953, Nava chính thức cho mở cuộc hành quân Ca-xto (Casto), đưa quân nhẩy dù đánh chiếm lại Điện Biên Phủ - một việc nằm ngoài Kế hoạch Nava. Tổng Quân ủy Trung ương nhận định: Địch nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta, do đó phải kìm chân địch và điều thêm lực lượng để chuẩn bị tiến đánh Điện Biên Phủ. Bộ Tổng tư lệnh quyết định Đại đoàn 316 vẫn gấp rút lên đánh địch ở Lai Châu và điều thêm Đại đoàn 308 lên vây địch ở Điện Biên Phủ, các đại đoàn 312, 351, 304 sẵn sàng đánh trả nếu địch liều lĩnh đánh lên vùng căn cứ của ta.
       Sau khi biết chắc phần lớn chủ lực ta đã tiến lên Tây Bắc, vì chỉ nhìn thấy những nhược điểm và khó khăn của ta và do không đánh giá được yếu tố tinh thần của quân và dân ta, đặc biệt không đánh giá đúng khả năng hậu phương của ta, cho rằng chúng ta không thể giải quyết nổi các vấn đề rất khó khăn, rất phức tạp về hậu cần cho một chiến dịch lớn như tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men, bổ sung quân số,... Nava chủ trương tăng cường lực lượng, gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta. Như vậy, ở chiến trường chính, Điện Biên Phủ, lúc đầu chưa có trong kế hoạch Nava và cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta giờ đã trở thành nơi có thể diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch.
         Lực lượng tham gia Chiến dịch Lai Châu chủ yếu là Đại đoàn 316 và lực lượng vũ trang tại chỗ. Do có sự chuẩn bị và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nên khi được tin bộ đội về giải phóng Lai Châu, nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao đều hăng hái đi phục vụ chiến dịch. Khi địch đổ quân chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh yêu cầu Đại đoàn 316 tổ chức thành từng tiểu đoàn để đẩy nhanh tốc độ hành quân. Tình hình rất khẩn trương, Đại đoàn 316 hành quân liên tục, sau 20 ngày không nghỉ, đêm 07/12, cơ quan Bộ tư lệnh Đại đoàn và Trung đoàn 174 tới ngã ba Tuần Giáo, trực tiếp uy hiếp Lai Châu, địch vội vàng thực hiện cuộc hành binh Pôn - luých để rút phần lớn lực lượng của chúng ở Lai Châu về Điện Biên Phủ. Các đơn vị bộ đội đang hành quân được lệnh chuyển sang truy kích, bao vây tiêu diệt địch, không cho chúng tập trung về Điện Biên Phủ và không cho địch ở Điện Biên Phủ rút chạy. Bộ đội chủ lực tiến đến đâu, các đội du kích của tỉnh từ các khu căn cứ vùng cao, nơi sát địch đều cử người đi đón và dẫn đường, phối hợp với bộ đội chiến đấu, chặn đánh, truy quét tàn binh địch; tỉnh còn huy động lực lượng hậu cần tại chỗ phục vụ bộ đội đánh giặc.
         Đại đoàn 308 cấp tốc hành quân, tăng thêm lực lượng bao vây địch ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 36 tạt sang Pom Lót (phía nam Điện Biên Phủ) để chặn không cho địch chạy sang Lào. Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công giải phóng thị trấn Lai Châu, chặn địch không cho chúng rút về Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 439 được lệnh hành quân bằng xe cơ giới theo đường số 41 đánh thẳng vào thị trấn Lai Châu. Rạng sáng ngày 11/12/1953, bộ đội ta nổ súng tấn công đồn Pa Ham cách thị trấn Lai châu 32 km, tiêu diệt hai đại đội địch, gọi hàng hai đại đội khác. Hai tiểu đoàn địch đóng ở đèo Clavô (nay gọi là đèo Xá Tổng) nghe tin đồn Pa Ham thất thủ, một số binh lính bỏ chạy về thị trấn. Thừa thắng quân ta nhanh chóng tiến vào thị trấn. Được bộ đội địa phương giúp sức và du kích dẫn đường, bộ đội chủ lực lần lượt nổ súng đánh vào các vị trí: cầu sắt, sân bay, đồi thấp, đồi cao, tiêu diệt một đại đội địch, bức hàng một số đại đội, số còn lại bỏ chạy về hướng Điện Biên. Đến 2h sáng ngày 12/12/1953, tiểu đoàn 439 cắm cờ ở vị trí trung tâm của địch. Thị trấn Lai Châu được giải phóng.
          Cánh quân thứ hai gồm Trung đoàn 174 và Trung đoàn 98 hành quân cấp tốc từ Tuần Giáo theo đường tắt sang Lai Châu chặn địch rút về Điện Biên Phủ. Bộ đội ta phải phát cây, xuyên rừng, ngược sông Nậm Mức, vượt đỉnh Pa Thông, chịu đói, chịu rét suốt mấy ngày liền mới đến địa điểm chặn quân địch. Ngày 12/12/1953, Đại đội 671 (E174) gặp địch ở Mường Pồn (nay là xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Mặc dù lực lượng quân địch mạnh, lại ở thế có lợi hơn, song Đại đội 671 vẫn anh dũng nổ súng và chặn đánh. Thấy lực lượng ta ít, Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị đánh bật. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, địch liều chết xông lên, ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ, quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ chân địch lại Mường Pồn để các đơn vị khác triển khai lực lượng, đảm bảo thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội ta bị thương vong nhiều, chỉ còn 4 chiến sĩ. Trong trận chiến này, chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn đã dũng cảm lấy thân mình làm giá súng và anh dũng hi sinh. Sự chiến đấu dũng cảm của anh và đồng đội đã chặn đứng cánh quân của địch. Sáng ngày 13/12/1953, toàn Trung đoàn đến tiếp viện kịp thời, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ Mường Pồn, loại khỏi vòng chiến đấu hai đại đội thuộc Tiểu đoàn Ngụy số 310 và đại đội vận tải, tiêu diệt tại chỗ 95 tên, bắt sống 52 tên, thu nhiều vũ khí. Cùng ngày, ở bản Tâu, Pu San, tiểu đoàn 215 (thuộc trung đoàn E174) phục kích chặn đánh hai tiểu đoàn địch hành quân từ Điện Biên Phủ lên đón quân ở Lai Châu, diệt 200 tên. Số tàn quân địch không rút về Điện Biên được phải quay ngược trở lại Lai Châu. Quân ta tiếp tục truy kích đến Huổi Lèng, Mường Tùng. Địch bị quân ta từ Lai Châu tiến xuống chặn đánh tiêu diệt một đại đội. Số còn lại khoảng 6 đại đội chạy tắt về hướng Mường Chà định rút sang Lào. Ngày 19/12/1953, địch chạy đến vị trí Pu Khơi, Phiêng Lâm thì bị quân ta đuổi kịp, bao vây và tiêu diệt. Ở hướng Bắc Lai Châu, sau khi làm chủ thị trấn, bộ đội ta tiếp tục phát triển lên phía Bắc, truy kích địch đến Nậm Cáy (Sình Hồ), tiêu diệt một đại đội.
         Chỉ trong vòng 10 ngày đêm chiến đấu liên tục trên một quãng đường dài gần 300km, được bộ đội địa phương, dân quân du kích giúp sức và sự giúp đỡ về lương thực, thực phẩm của nhân dân, các đơn vị của Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và bức hàng 24 đại đội địch gồm 2.500 tên, thu 700 súng các loại, hơn 30 tấn đạn dược, 12 máy vô tuyến điện, 70 km dây điện thoại, hơn một vạn lít xăng dầu, hai xe Jeep, 10 tấn dụng cụ công binh và nhiều quân trang, quân dụng khác, giải phóng hoàn toàn thị trấn Lai Châu và các huyện Mường Lay, Mường Tè, Sìn Hồ, đập tan âm mưu và kế hoạch của địch nhằm tuyển quân để tăng cường cho Ðiện Biên Phủ. Chiến dịch Lai Châu - đòn tiến công mở màn trong chiến cuộc Đông Xuân đã giành thắng lợi giòn giã, giáng cho địch cú sốc lớn với những thiệt hại nặng nề.
Ngày 12/12/1953, khi hay tin thị trấn Lai Châu được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu biểu dương, khen ngợi và căn dặn đồng bào, cán bộ Lai Châu phải đoàn kết thân ái, giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự, ra sức tăng gia sản xuất, hết lòng trung thành với Tổ quốc và Chính phủ... Thư Bác đến giữa lúc đồng bào mới thoát khỏi ách kìm kẹp của địch, còn bỡ ngỡ với chế độ mới nên đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, làm cho đồng bào tin tưởng, phấn khởi, sớm đi vào ổn định đời sống, tổ chức sản xuất và tham gia kháng chiến. Ðể phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lai Châu, nhân dân khắp nơi trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao đều hăng hái phục vụ chiến dịch. Các đội du kích từ các khu căn cứ vùng cao, nơi sát địch, cử người đưa, đón, dẫn đường phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu, chặn đánh, truy quét tàn binh địch; đón cán bộ khu Tây Bắc về tiếp quản thị trấn ngay sau giải phóng. Nhân dân các vùng quanh thị trấn nhất là vùng giải phóng hăng hái đóng góp lương thực, thực phẩm, đi dân công phục vụ kháng chiến. Riêng đồng bào khu vực Tả Sìn Thàng, từ ngày 16 đến ngày 30-12-1953 đã tiếp tế cho bộ đội 13 tấn gạo, 80 con lợn, 29 con trâu và 01 tấn rau xanh, góp phần cho bộ đội ăn no đánh thắng. Những đóng góp đó đã tăng thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho chiến dịch sớm kết thúc thắng lợi. Hơn 70 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn luôn ghi nhớ, làm theo những lời dặn của Bác để xây dựng Lai Châu ngày càng phát triển, giàu đẹp, góp phần xây dựng Tây Bắc "ngày càng phồn thịnh, đời sống của đồng bào ngày càng no đủ, tươi vui" theo đúng mong ước của Bác Hồ.
       Chiến dịch Lai Châu diễn ra hết sức khẩn trương, tình thế biến động nhanh; thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng giữa ta và địch. 70 năm nhìn lại, có thể thấy chiến thắng của chiến dịch Lai Châu đã tạo tiền đề quan trọng, ý nghĩa cho thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà điểm trung tâm là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ:
      - Thứ nhất: Thắng lợi này là kết quả mở đầu xuất sắc của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mở màn cho hàng loạt chiến thắng trên hầu khắp các chiến trường Việt Nam và Pa thét Lào, không chỉ thu hút, kìm chân quân địch, giải phóng được đất đai, tiêu diệt nhiều sinh lực địch mà còn góp phần làm thay đổi tương quan thế và lực giữa ta và địch, giành thế chủ động về ta, hãm địch vào thế bị động chiến lược không sao thoát ra được, từ đó thay đổi cục diện chiến trường Tây Bắc, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường cả nước theo hướng có lợi cho ta.
       - Thứ hai: Chiến dịch là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm đảo lộn và thất bại Kế hoạch Nava, khiến địch phải điều quân tăng cường, biến Điện Biên Phủ  thành nơi tập trung quân thứ hai và tiếp tục phải điều thêm lực lượng từ đồng bằng lên Tây Bắc xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của địch, tạo thành cơ hội cho ta giữ địch lại Điện Biên Phủ và đánh địch ở Điện Biên Phủ đúng theo ý định của Tổng Quân ủy, khiến cho Điện Biên Phủ trở thành trận đánh lớn nhất, quy mô nhất và có tính quyết định chiến lược cho số phận của cả hai bên. 
        - Thứ ba: Thực tiễn chiến dịch đã đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến đấu của bộ đội chủ lực ta, nhất là nghệ thuật hình thành thế trận chốt chặn, một hình thức tác chiến thông minh, sáng tạo, hiệu quả. Khắc phục được những thiếu sót chủ yếu trong truy kích của chiến dịch Thượng Lào trước đó; phát huy tinh thần chủ động, quyết tâm truy kích địch đến cùng của các đơn vị trên các hướng; tích lũy thêm kinh nghiệm, bài học để đánh địch trong chiến dịch sau.
       - Thứ tư: Chiến thắng của chiến dịch Lai Châu có ý nghĩa rất quan trọng, giải phóng một vùng đất rộng lớn để xây dựng căn cứ hậu phương, là một bước chuẩn bị vật chất và tinh thần cho quân và dân ta mở ra tuyến đường chi viện lực lượng và hậu cần quan trọng phía Bắc cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Mặt khác, về phía địch, sau khi Lai Châu, Phong Sa Lỳ và lưu vực sông Nậm Hu lần lượt được giải phóng thì Điện Biên Phủ trở nên hoàn toàn cô lập, cách xa những căn cứ tiếp tế của địch như Hà Nội hay cánh đồng Chum hàng mấy trăm kilômét, chỉ có thể được chi viện bằng đường không nên sẽ rơi vào thế bị động và gặp rất nhiều khó khăn so với tính toán ban đầu.
       - Thứ năm: Qua chiến dịch, bộ đội ta ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Bộ đội chủ lực không chỉ giỏi đánh ở đồng bằng mà còn tích lũy, rèn luyện nhiều kỹ năng thích nghi, chiến đấu và làm chủ chiến trường đồi núi xa xôi, hiểm trở, đầy gian nan nguy hiểm trong hướng tiến công Tây Bắc. Đặc biệt, củng cố niềm tin cho quân và dân Lai Châu rằng chúng ta có thể chiến đấu và chiến thắng được quân đội hùng mạnh của thực dân Pháp, giải phóng quê hương, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
       Với vai trò chiến dịch mở màn cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, thắng lợi của chiến dịch Lai Châu có ý nghĩa quan trọng. Đó là thắng lợi mở đầu xuất sắc cho cả một chiến dịch lớn, tạo đà thắng lợi về sau, góp phần từng bước thực hiện chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị; đồng thời có tác dụng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng thêm các lực lượng kháng chiến, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối cách mạng của Đảng, của Bác Hồ; tạo điều kiện cho bộ đội ta tác chiến các chiến dịch có quy mô lớn hơn, mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954), làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam./.

Tác giả: ThS. Đặng Thu Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập54
  • Hôm nay2,105
  • Tháng hiện tại81,031
  • Tổng lượt truy cập8,893,680
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down