QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - YÊU CẦU THỰC TIỄN ĐỐI VỚI XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU HIỆN NAY

Thứ năm - 23/05/2024 21:34 613 0

QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ  - YÊU CẦU THỰC TIỄN ĐỐI VỚI XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU HIỆN NAY

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm về xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là một trong những nội dung quan trọng thể hiện lý tưởng sâu xa của Người về vai trò của hệ thống trường Đảng và công tác giảng dạy lý luận chính trị. Những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
 
        1. Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị
        Trong Bài diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc (07/9/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình"(1); đồng thời, Người khẳng định: “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng” (2). Để đáp ứng yêu cầu đó, theo Người điều quan trọng nhất là cần xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có chất lượng. Bởi điều kiện có ý nghĩa quyết định hiệu quả giáo dục lý luận chính trị là đội ngũ và chất lượng giảng viên. Từ đó, Người yêu cầu:
       Thứ nhất, giảng viên lý luận chính trị phải là những người trung thành với lý tưởng cách mạng, với đường lối chính trị của Đảng, tận tụy phục vụ lợi ích của Nhân dân, có khả năng tổ chức và vận động thuyết phục quần chúng, có trình độ sư phạm cao.
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng”(3). Người phê phán thói bàng quan chính trị và khẳng định: “Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt”(4). Về thực chất, giảng dạy lý luận Mác - Lênin là tuyên truyền những nội dung cốt lõi của giáo dục lý tưởng cộng sản, vì thế không hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, không thực sự tâm huyết với chính trị, không tha thiết với sự nghiệp cách mạng của đất nước thì không thể nói đến việc truyền cảm hứng cho người học, khơi gợi nên trong người học ngọn lửa của lòng nhiệt tình cách mạng, lòng yêu nước, trung thành và sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.
        Thứ hai, đội ngũ này phải đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phải được lựa chọn cẩn thận, đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản, có hệ thống, được bồi dưỡng thường xuyên, được tổ chức và quản lý chặt chẽ; nghĩa là phải đảm bảo về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn.
       Theo Hồ Chí Minh, giảng viên lý luận chính trị phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Người nói, đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(5). Người giảng viên lý luận chính trị không chỉ hành nghề bằng những kiến thức, những thông tin khoa học hay bằng những phương pháp và thao tác nghiệp vụ sư phạm đơn thuần mà còn bằng chính sự thị phạm của bản thân. Đạo đức cách mạng của người thầy là tấm gương mẫu mực cho người học soi vào mà rèn luyện mình. Đó là sự say mê với công việc giảng dạy; trung thực trong nghiên cứu khoa học; lao động không biết mệt mỏi cho sự nghiệp của Đảng; lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm; khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị, thể hiện đầy đủ phong cách mô phạm của một người thầy giáo; là sự tôn trọng, quý mến học viên của mình; là đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
        Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng “Không phải ai cũng huấn luyện được”(6), nhất là người huấn luyện của Đoàn thể cần phải có trình độ hiểu biết chuyên sâu. Do đó, Người đã đặt vấn đề “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy”(7). Đồng thời, Người đòi hỏi ở giảng viên lý luận chính trị phải có trình độ cao, phải có phẩm chất của nhà khoa học, phải suốt đời tự học, tự đào tạo, phải có lòng đam mê, khiêm tốn học tập. Người căn dặn những người làm thầy huấn luyện chính trị: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(8).
        Những quan điểm trên của Người là cơ sở tư tưởng của hệ thống trường Đảng, cũng là những giá trị định hướng cơ bản cho quá trình xây dựng và phát triển trường Đảng nói chung và đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong thời gian qua. Để có thể đào tạo được những cán bộ cốt cán cho Đảng, trường Đảng phải là trường học tiên tiến nhất của Đảng, là nơi mà những người thầy cũng chính là những chiến sĩ tiên tiến nhất, gương mẫu nhất trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
          2. Yêu cầu thực tiễn trong xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lai Châu hiện nay
         Thấm nhuần lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt gần 18 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau gần 2 năm xây dựng Trường để đạt chuẩn, công tác xây dựng đội ngũ nói chung và giảng viên nói riêng được đặc biệt quan tâm. Tổng số viên chức, người lao động của Trường tính đến hết tháng 01/2024 là 34 đồng chí (nam 17, nữ 17), trong đó: 31 biên chế, 03 hợp đồng lao động, 22 giảng viên chiếm 70,9% (chuyên trách có 15 đồng chí, kiêm nhiệm có 07 đồng chí). Đội ngũ giảng viên cơ bản có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, tận tụy, tâm huyết với nghề. Hằng năm, đội ngũ giảng viên thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy, đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, đội ngũ giảng viên có sự trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác, năng lực giảng dạy, trách nhiệm công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Hiện tại, giảng viên có trình độ thạc sĩ là 19 đồng chí (đạt 86,4%); 100% đạt cao cấp lý luận và tương đương; 100% có nghiệp vụ sư phạm; 100% áp dụng hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực, tham gia thao giảng cấp trường, cấp khoa và đạt yêu cầu trở lên; ít nhất 80% có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 100% hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo quy định (9).
        Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên còn chưa đảm bảo số lượng tại các khoa, viên chức tại các phòng theo quy định, yêu cầu vị trí việc làm; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức chưa đồng bộ, nhiều năm chưa tuyển dụng được đủ số lượng biên chế, nhất là giảng viên; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ giảng viên không đồng đều; một số giảng viên thiếu chủ động cập nhật, tích lũy kiến thức; chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; một số giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy và hướng dẫn học viên; vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu trong rèn luyện lối sống, phong cách làm việc của một số ít giảng viên, viên chức chưa cao, ảnh hưởng đến uy tín của Trường (10).
         Với nhiệm vụ trọng tâm là trang bị một cách cơ bản, hệ thống những tri thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng cho học viên, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của Trường Chính trị tỉnh Lai Châu có vai trò quan trọng, trực tiếp tác động vào người học để hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học; định hướng các giá trị và phát triển nhân cách của người học. Do đó, cần phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực, hiểu biết cho đội ngũ giảng thích ứng với đòi hỏi và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới. Điều đó đòi hỏi:
        Một là, giảng viên cần giữ vững và không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị.
       Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng chính là cái gốc cơ bản, là yếu tố cần để người giảng viên lý luận chính trị hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào. Điều này mỗi giảng viên nhà trường phải thường xuyên rèn luyện tư duy, sự nhạy cảm chính trị, sự sắc sảo trong khả năng phân tích một cách khoa học đối với những biến động về tình hình chính trị xã hội mới phát sinh ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhờ đó, họ mới đủ khả năng phân tích, định hướng cho mình, đồng thời định hướng đúng cho học viên khi phải đối mặt với những tình huống phức tạp của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, thì giảng viên càng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; không lơ là, mất cảnh giác; nhạy bén, tỉnh táo trong nhận diện những cạm bẫy được ngụy trang rất tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là những cám dỗ về tiền tài, vật chất; vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương pháp và cách xử trí trước mọi tình huống trong môi trường làm việc; cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch thông qua hội nhập để thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam.
        Hai là, giảng viên phải bồi dưỡng đạo đức cách mạng trong sáng.
       Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay, phẩm chất đạo đức cách mạng bảo đảm cho mỗi giảng viên nhà trường luôn giữ vững phương hướng, không mơ hồ, mất cảnh giác. Muốn vậy, mỗi giảng viên lý luận chính trị phải coi trọng tự phê bình và phê bình, tự soi xét, để không ngừng hoàn thiện đạo đức, nhân cách. Mặt khác, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vì tham nhũng và tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi con người trong xã hội, trong đó có bản thân giảng viên. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các hành vi tiêu cực khác chính là cách tốt nhất làm trong sạch xã hội, trong sạch môi trường công tác, tạo động lực cho giảng viên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững niềm tin vào lý tưởng, vào chế độ.
         Ba là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
        Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2026” đã yêu cầu “nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị”, đồng thời “đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các trường đại học, cao đẳng trong phạm vi cả nước”. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Trường tổ chức nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên một cách bài bản, có chất lượng. Cùng với đó, tiếp tục đưa hoạt động bồi dưỡng giảng viên vào chương trình công tác thường xuyên hằng năm với nhiều nội dung phong phú và phương thức phù hợp.
 
Lãnh đạo nhà trường tặng hoa chúc mừngcác giảng viên được chọn cử tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi
cấp trường năm 2023
       Tổ chức một cách có hiệu quả hội thi giảng viên giỏi, để qua đó tác động tích cực đến sự chuẩn bị và thực hành bài giảng của các giảng viên kể cả người thi, cũng như người tham dự. Thông qua thao giảng, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên sẽ từng bước được nâng cao, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và giảng viên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giảng dạy; cổ vũ, động viên giảng viên đưa hoạt động giảng dạy ngày càng đi vào nền nếp. Đó cũng là cơ hội để thường xuyên cập nhật thông tin những vấn đề lý luận mới, vừa có tính thời sự, vừa nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho giảng viên... Đồng thời, trên cơ sở đó thêm căn cứ để xây dựng, hoàn thiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
      Bốn là, giảng viên phải có bản lĩnh khoa học và năng lực hoạt động sáng tạo.
      Bản lĩnh khoa học đòi hỏi mỗi giảng viên nhà trường phải trung thực, có chính kiến khoa học, không né tránh những vấn đề phức tạp và tế nhị của cuộc sống; đồng thời, năng lực hoạt động sáng tạo đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, năng lực tư duy khoa học sáng tạo và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Một mặt, người giảng viên phải có kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, về khoa học liên ngành, bởi vì bản thân các môn khoa học Mác - Lênin đã phản ánh tính liên ngành trong nội dung của nó, cho nên muốn nắm chắc, hiểu sâu, làm chủ những tri thức này để chuyển tải nó đến với học viên thì không có cách nào khác là phải không ngừng trau dồi vốn tri thức liên ngành để làm nền cho việc làm chủ tri thức lý luận chính trị. Mặt khác, mỗi giảng viên nhà trường phải phấn đấu trở thành những chuyên gia, hiểu sâu, nắm vững và có hệ thống, phải đạt đến trình độ nhuần nhuyễn về khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là môn khoa học do mình đảm nhiệm.
Giảng viên nhà trường tham gia lớp Bồi dưỡng kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
      Trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm cách chống phá, xuyên tạc, phủ định những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên trong từng bài giảng, tiết giảng phải chứng minh được tính khoa học, cách mạng của học thuyết này một cách thuyết phục thông qua nghiên cứu sâu những bài giảng của mình. Bằng tri thức lý luận, người giảng viên phải có khả năng phân tích, xét đoán bản chất sự việc, giải thích, giải quyết những phức tạp của thực tiễn cuộc sống. Muốn vậy, họ phải thường xuyên xâm nhập thực tiễn, tham gia tổng kết thực tiễn để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, làm phong phú, tăng thêm sức sống, sức thuyết phục của lý luận, làm cơ sở đấu tranh cho việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Năm là, giảng viên cần thường xuyên rèn kỹ năng sư phạm.
     Năng lực sư phạm thuộc về tố chất sẵn có của mỗi giảng viên, còn kỹ năng sư phạm là yếu tố có thể có được qua học tập, rèn luyện, tích lũy bằng nỗ lực của bản thân mỗi người. Kỹ năng sư phạm đòi hỏi giảng viên các khoa, phòng trong từng bài giảng phải biết biến cái phức tạp thành đơn giản, cái khó hiểu thành rõ ràng, dễ hiểu, cái trừu tượng thành cái cụ thể, giúp học viên tiếp cận, chiếm lĩnh được tri thức. Điều này càng đặc biệt quan trọng để xoá bỏ quan niệm cho rằng học lý luận chính trị khó, trừu tượng và khô khan. Cho nên, cùng với việc nắm chắc lý luận dạy học, giảng viên nhà trường phải nắm chắc kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học lý luận chính trị chuyên ngành. Cùng với kỹ năng diễn giải, không thể xem nhẹ kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm khi người giảng viên đồng thời là tấm gương thị phạm sống cho học viên.
      Nhận thức sâu sắc, thấm nhuần nội dung quan điểm Hồ Chí Minh về giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đang “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị” (11) nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển Trường đạt chuẩn vào năm 2026.
       Tài liệu trích dẫn:
      (1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 11, tr.90, 95.
      (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.269
      (5), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 5, tr.10, 313.
      (6), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 6, tr.356.
      (9), (10) Quyết định số 630-QĐ/TU, ngày 05/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đạt chuẩn mức 1 giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2035”.
      (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, t.II, tr.236.

 

Tác giả: ThS. Vũ Thị Huệ - Phó trưởng phòng QLĐT$NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay2,315
  • Tháng hiện tại81,241
  • Tổng lượt truy cập8,893,890
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down