Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 93 năm qua, nhất là gần 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã kiểm nghiệm, minh chứng cho chân lý vững bền và bất biến đó. Một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng là có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bàn đến lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, vấn đề Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được Tổng Bí thư đề cập ngắn gọn, trọng tâm, sâu sắc trong quan hệ biện chứng với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài viết đi sâu vào vấn đề lý luận, đặt ra nhiều câu hỏi lớn, trực diện và từng bước tập trung lý giải từng câu hỏi đó bằng những lập luận sắc bén, bằng trí tuệ và sự kiên định của người chiến sĩ cộng sản: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam?”(1). Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư cũng nêu vấn đề “Chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?”(2) và xác định dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là bản chất, là mục tiêu và là động lực để đất nước ta vững bước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với cơ chế vận hành của nó được đồng chí Tổng Bí thư đề cập đến với vai trò quan trọng trong hiện thực hóa quyền làm chủ của Nhân dân.
Bài viết đã khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội. Như vậy, bản chất, cách thức thực hiện quyền lực nhà nước cũng như tương quan với quyền làm chủ của nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng thể hiện bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa của chế độ ta. Trọng tâm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề thực hiện quyền dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thông điệp này một lần nữa khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phản bác lại tất cả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch khi đồng nhất nhà nước pháp quyền là sản phẩm và thoát thai từ chủ nghĩa tư bản, là thuộc tính của kiểu nhà nước tư sản. Nhà nước pháp quyền là sản phẩm của văn minh nhân loại và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự kế thừa những tinh hoa của văn minh nhân loại đó để xây dựng một mô hình vận hành quyền lực nhà nước tối ưu nhất, phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, để làm rõ bản chất ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng chí Tổng Bí thư đã so sánh sự khác biệt về chất trong tương quan với Nhà nước pháp quyền tư sản: “pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân”(3). Thuộc tính này xuất phát từ bản chất của chế độ chính trị với mô hình và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân là chủ. Các nước tư bản chủ nghĩa cũng rao giảng và thuyết minh về chế độ dân chủ của họ, thậm chí còn tự cho mình quyền phán xét nền dân chủ của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng thực chất, “dân” trong nghĩa “dân chủ” của họ là nhóm thiểu số, là giai cấp tư sản thống trị khác về chất so với chế độ dân chủ mà Việt Nam xây dựng. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân lao động, với những giá trị tiến bộ, nhân văn, trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm; theo đó, sự đồng thuận xã hội được đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thay vì đối lập, đối kháng.
Theo đó, những thành tựu của gần 37 năm đổi mới là minh chứng hùng hồn, sống động cho sự lựa chọn đúng đắn của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà ở đó mô hình tổ chức quyền lực Nhà nước là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đó là nền kinh tế phát triển liên tục và ổn định, mặc dù trải qua đại dịch Covid khốc liệt chưa từng có trong lịch sử nhưng sự trụ vững của nền kinh tế là điểm sáng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quy mô GDP không ngừng mở rộng, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp; công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng; tổng kim nghạch xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối và đầu tư nước ngoài tăng nhanh, mạnh. Hiện nay, dân số Việt Nam là gần 100 triệu người, gồm 54 dân tộc, trong đó hơn 60% dân số ở nông thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều khoảng 4,3%. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có những bước phát triển vô cùng ấn tượng. Sau gần 37 năm đổi mới, từ một nước từng đối mặt với giặc dốt vào năm 1945, Việt Nam có hơn 95% dân số biết đọc, biết viết; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 37 năm qua. Trong lĩnh vực y tế, mặc dù chưa thực hiện được việc đảm bảo dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam đã tập trung vào tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh nên nhiều dịch bênh phổ biến trước đây đã được khống chế thành công; ngoài ra, nhiều chính sách an sinh xã hội được quan tâm như, chính sách y tế ưu tiên đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi,… Theo đó, tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi vào năm 2020. Đời sống văn hóa được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, sự lựa chọn mô hình vận hành quyền lực nhà nước là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nhà nước pháp quyền tư sản có cùng mức phát triển kinh tế.
Từ nhận thức luận trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, nhằm lan tỏa những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, quan điểm của bài viết đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung sau.
Thứ nhất, thường xuyên nghiên cứu, học tập, quán triệt, vận dụng sáng tạo những tư tưởng quan trọng trong nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư, nhất là nhận thức lý luận chung về bản chất, đặc trưng, tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của người cộng sản, đạo đức công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tuyệt đối không dao động trước luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc về những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, không ngừng nghiên cứu cứu, học tập, trau dồi, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gương mẫu, đi đầu trong quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định, lan tỏa tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
Thứ ba, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tính tự giác, tiên phong, đi đầu của người cán bộ, đảng viên trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, phản động, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài.
Nhà nước pháp quyền là thành quả vĩ đại của văn minh nhân loại, sự kế thừa, tiếp thu và vận dụng, phát triển vào điều kiện hoàn cảnh, thực tế của Việt Nam là sự sáng tạo đầy thử thách, khó khăn nhưng mang lại những giá trị lớn lao về cả lý luận và thực tiễn. Bài viết một lần nữa khẳng định tính ưu việt, phù hợp của chế độ xã hội chủ nghĩa cùng với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong thời đại ngày nay; từ đó, củng cố quyết tâm chính trị để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”(4) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tài liệu trích dẫn:
(1), (2), (3), (4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022, Tr.12, Tr.17, Tr.28, Tr.29.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022.
- Báo cáo Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.