TẦM NHÌN, BẢN LĨNH VÀ LẬP TRƯỜNG KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU, ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thứ tư - 17/05/2023 23:42 1.205 0
      Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng chính những năm tháng ấy lại thể hiện rất rõ tầm nhìn, trí tuệ cực kỳ sáng tạo, thể hiện bản lĩnh và lập trường kiên định đúng đắn của Người. Kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác, nhìn lại giai đoạn lịch sử đó để thấy sự vĩ đại trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Nhân dân ta do Đảng và Bác đã lựa chọn.
 
Đoàn đại biểu cán bộ, giảng viên và đại diện học viên Trường Chính trị tỉnh
Lai Châu do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Tăng làm Trưởng đoàn tổ chức
Lễ dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu
nhân dịp kỷ niệm 133 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
      Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình lựa chọn con đường cách mạng vô sản và chuẩn bị điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
     Mang trong mình khát vọng cháy bỏng của người thanh niên yêu nước, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (lấy tên là Văn Ba) xin làm phụ bếp trên chiếc tàu Amiran Latusơ Tơrevin, rời cảng Nhà Rồng để thực hiện một cuộc hành trình cứu nước, giải phóng dân tộc. Mục đích và hướng đi của Nguyễn Tất Thành là đến nước Pháp để tìm hiểu thực chất khẩu hiệu "tự do, bình đẳng, bác ái" mà bọn thực dân Pháp đang rêu rao tại Việt Nam. Ý tưởng sang Pháp của Người đã thể hiện tầm nhìn, một khả năng tư duy độc lập, sáng tạo bằng sự cảm quan với tư chất trí tuệ mẫn tiệp khác biệt của Người.
      Sau gần 10 năm thâm nhập, trải nghiệm thực tiễn, đi qua ba đại dương, bốn châu lục, tháng 7-1920, bước ngoặt quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã đến khi lần đầu tiên Người tiếp xúc với bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanite’. Những luận điểm cách mạng của Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa đã giải đáp những vấn đề cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Người. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Trở thành người cộng sản, Người tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, hoạt động cách mạng sôi nổi và từng bước hình thành những tư tưởng lớn về con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Tháng 5-1921, Người đề xuất luận điểm: cách mạng các nước thuộc địa ở châu Á có thể chủ động giành thắng lợi và còn “có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Đây là luận điểm mới có tính đột phá về trình độ phát triển lý luận và tầm nhìn, khả năng nắm bắt thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc. Đồng thời, Người luôn kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa phải đem sức ta để giải phóng cho ta.
     Ở Việt Nam, khi các tổ chức cộng sản ra đời và xuất hiện tình trạng phân tán, chia rẽ, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng vô sản ở Việt Nam từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930. Tại Hội nghị đã thông qua các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ văn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng viết: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Người xác định đường hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên, là điều kiện tiên quyết để đi đến xã hội cộng sản. Đó là con đường khách quan, đáp ứng những yêu cầu cơ bản, cấp bách trước mắt và định hướng chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam. Đây chính là con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam trong suốt 93 năm qua thể hiện tư tưởng, tầm nhìn, khát vọng cho dân tộc Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
      Vượt qua thử thách, kiên định mục tiêu, đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
     Trong bối cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam đầu thế kỷ XX thì mâu thuẫn dân tộc là cực kỳ gay gắt; vì vậy, đấu tranh giải phóng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là đấu tranh giai cấp như ở các nước tư bản phương Tây. Đảng chủ trương tranh thủ mọi tầng lớp, giai cấp yêu nước trong xã hội vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc đó là quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Tuy nhiên, do không nắm được tình hình thực tế các thuộc địa ở phương Đông và Việt Nam, lại bị chi phối bởi quan điểm “tả khuynh” lúc bấy giờ, Quốc tế Cộng sản đã phê phán đường lối của Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra trong Hội nghị thành lập Đảng. Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã ra “Án nghị quyết” thủ tiêu Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặc dù bị phê phán, thậm chí bị phủ nhận về quan điểm cách mạng, Người vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì giữ vững không thay đổi, không dao động quan điểm lập trường mà Người đã lựa chọn, kiên định mục tiêu, đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết.
      Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), một số đồng chí trong Quốc tế Cộng sản đã chia sẻ quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, khi Quốc tế Cộng sản chủ trương các Đảng cộng sản phải lập Mặt trận dân tộc, dân chủ chống nguy cơ chủ nghĩa phát xít, nguy cơ chiến tranh thế giới. Ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc có thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản nêu rõ mình đã 8 năm trong “tình trạng không hoạt động”, vì thế “Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”[1]. Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, khẳng định những quan điểm được xác lập trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là đúng đắn. Tháng 9-1938, Quốc tế Cộng sản đã đồng ý để Nguyễn Ái Quốc về công tác ở Đông Dương. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5-1941), đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết; tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng điền địa; xóa bỏ vấn đề Liên bang Đông Dương; lập ra Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là sự khẳng định và phát triển lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ khi Đảng ta thành lập. Kiên định đi theo con đường mà Người đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam 93 năm qua đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
       Như vậy, tầm nhìn, bản lĩnh kiên định mục tiêu đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ngọn cờ dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi lên trong công cuộc đổi mới. Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lai cho thế hệ hôm nay và mai sau; kiên định con đường, mục tiêu lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân đã lựa chọn, phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


Tài liệu trích dẫn:
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 117.

Tác giả: Nguyễn Tiến Tăng - Hiệu trưởng Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay3,262
  • Tháng hiện tại83,304
  • Tổng lượt truy cập9,012,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down