Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Việc lôi cuốn phụ nữ tham gia quá trình quản lý đất nước, quản lý xã hội là hết sức cần thiết, là yêu cầu tất yếu của một xã hội văn minh và phát triển. V.I.Lênin nhấn mạnh “phải làm sao cho nữ công nhân ngày càng tham gia nhiều hơn nữa vào việc quản lý các xí nghiệp công cộng, vào việc quản lý nhà nước” (1). Với việc thực hiện biện pháp này, V.I.Lênin hoàn toàn tin tưởng rằng: “…Phụ nữ sẽ học tập nhanh chóng và đuổi kịp được nam giới” (2).
Kế thừa và vận dụng sáng tạo những quan điểm trên, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ, vấn đề bình đẳng giới, tạo mọi điều kiện để phụ nữ khẳng định vị trí, vai trò của mình trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị. Nhờ vậy, bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị ở nước ta có nhiều tiến bộ trong vài thập niên gần đây. Tuy nhiên, sự tham gia vào lĩnh vực chính trị vẫn là một trong những khó khăn nhất của phụ nữ.
Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi phái Bắc có nhiều tộc người thiểu số sinh sống. Những năm qua, Tỉnh đã đặc biệt quan tâm công tác cán bộ nữ nhằm tăng tỷ lệ nữ cán bộ nói chung và nữ cán bộ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Tỉnh đã triển khai khá đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hạn chế. Do đó, cần những giải pháp mạnh để tăng cường, phát huy vai trò của cán bộ nữ.
1. Thực trạng công tác cán bộ nữ ở tỉnh Lai Châu hiện nay
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Chỉ thị số 21-CT/TW và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ nữ; Tỉnh ủy Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 01/02/2008 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 57-CTr/TU, ngày 12/6/2013 về thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 18/01/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Công văn số 570-CV/TU về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư. Các nhiệm kỳ Đại hội đã xác định chương trình trọng điểm về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã. Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về “đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015”; về “xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; về “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020”; về “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở”; về “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và ban hành các quy định, kế hoạch về công tác cán bộ trong đó xác định cụ thể tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy, quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ nữ trong lãnh đạo chủ chốt cấp xã và những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Nhờ vậy, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữa đã đạt nhiều kết quả quan trọng:
Thứ nhất, quan tâm công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với cán bộ nữ.
Về quy hoạch: công tác quy hoạch cán bộ nữ được chú trọng với 2.887 lượt quy hoạch chiếm 25,18% (cấp tỉnh 828, cấp huyện 2.059). Trong đó, quy hoạch cấp uỷ 749 lượt (cấp tỉnh 239, cấp huyện 510); Quy hoạch lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, lãnh đạo các sở ban ngành trực thuộc 1998 lượt (cấp tỉnh 556, cấp huyện 1.442); Quy hoạch lãnh đạo Hội đồng nhân dân 140 lượt (cấp tỉnh 33, cấp huyện 107) (3).
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, cấp ủy các cấp xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo từng giai đoạn và hằng năm. Quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước… tại tỉnh với nhiều hình thức tập trung, không tập trung, vừa học vừa làm, học ngoài giờ hành chính... tạo điều kiện cho cán bộ nữ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong 5 năm đã cử 1.089 lượt cán bộ nữ cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị chiếm 39,30% (cấp tỉnh 737, cấp huyện 352), trong đó đào tạo sau đại học 146 người, đại học 415 người, cao cấp lý luận chính trị 160 người, trung cấp lý luận chính trị 367 người; 5.816 lượt cán bộ nữ tham gia bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chiếm 34,49% (cấp tỉnh 4.176, cấp huyện 1.640) (4).
Làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ người dân tộc, trong đó có cán bộ nữ. Hằng năm dành 40% chỉ tiêu để tuyển dụng con, em người dân tộc thiểu số vào các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra tỉnh chủ trương ưu tiên xét tuyển đối với con em 05 dân tộc rất ít người ở Lai Châu (Mảng, Si La, La Hủ, Cống, Khơ Mú); đảm bảo mỗi dân tộc phải có 03 cán bộ, công chức. Từ năm 2018 đến nay đã tuyển dụng 662 công chức, viên chức nữ.
Thứ hai, thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài các chế độ chính sách chung, tỉnh đã kịp thời xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ đi học như: Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức thuộc 05 dân tộc đặc biệt khó khăn (gồm Mảng, Si La, La Hủ, Cống, Khơ Mú); cán bộ sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, thạc sỹ; cử nhân, cao cấp lý luận chính trị… chính sách thu hút cán bộ đã qua đào tạo. Quan tâm bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đảm nhiệm các công việc phù hợp với trình độ chuyên môn.
Thứ ba, quan tâm chỉ đạo củng cố hệ thống các trường đào tạo trong tỉnh; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng giáo dục các trường dân tộc nội trú, phát triển các trường bán trú tại trung tâm xã, cụm xã; quy hoạch, phát triển quy mô, mạng lưới các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo tiêu chí phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương. Triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc rất ít người, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú; chủ trương cấp sách giáo khoa, giấy, vở viết không thu tiền cho học sinh ở địa bàn khó khăn… đã trở thành động lực giúp các em, nhất là các em nữ đến trường, nâng cao tỉ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Thứ tư, công tác luân chuyển, điều động cán bộ để đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn được quan tâm thực hiện. Những năm qua, Lai Châu đã tăng dần tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ nữ trong diện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử hội đồng nhân dân, bầu cử các đoàn thể và bổ nhiệm cán bộ khi có nhu cầu. Hầu hết các đồng chí qua luân chuyển, điều động đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo khá toàn diện, sát thực tế; có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ năm, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ nữ, sự quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng của các cấp ủy đảng, chính quyền nên cán bộ nữ được bổ nhiệm, bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng tăng, nâng cao về chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Tính đến thời điểm 30/6/2023, toàn tỉnh có 11.100 cán bộ nữ, chiếm 57,86% cán bộ toàn tỉnh, trong đó cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số 3.923, chiếm 35,34% tổng số cán bộ nữ. Về trình độ chuyên môn đại học trở lên chiếm 64,37%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 16,54%.
Cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, một số tỷ lệ đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Từ nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Lai Châu có 01 nữ tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phụ nữ tham gia cấp uỷ, tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Trong 05 năm qua, cán bộ nữ được điều động, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp là 284 người: tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ cấp huyện tăng so với nhiệm kỳ trước 19,64% (tăng 1,4%); cấp tỉnh 14,89% (tăng 0,89%); nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 16,67%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó cấp tỉnh 38%, cấp huyện, thành phố 32,58% (tăng 6,75%). Cụ thể:
Các chức danh |
Tổng số |
Cán bộ nữ |
Tỷ lệ % |
Cấp tỉnh |
Ban Thường vụ |
14 |
02 |
14,28 |
BCH Đảng bộ tỉnh |
48 |
07 |
14,58 |
Lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh |
173 |
52 |
30,06 |
Đại biểu HĐND |
50 |
19 |
38 |
Cấp huyện, thành phố |
Ban Thường vụ |
111 |
17 |
15,31 |
BCH Đảng bộ huyện |
352 |
55 |
15,62 |
Lãnh đạo các cơ quan cấp huyện |
373 |
82 |
21,98 |
Đại biểu HĐND |
264 |
86 |
32,58 |
Nguồn: Báo cáo số 410-BC/TU, ngày 15/9/2023 của Tỉnh uỷ Lai Châu “Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2021 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”
Mặt khác, cán bộ nữ có 20,38% tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp xã; giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh 22,7%; giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện 28,6%. Hầu hết các huyện, thành phố có cán bộ nữ trong lãnh đạo chủ chốt; có 22/106 xã, phường, thị trấn có cán bộ nữ trong lãnh đạo chủ chốt. Thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh 50,96%, cấp huyện 64%, cấp xã 28% (5).
Có thể khẳng định, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cán bộ nữ đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực hiện quyền bình đẳng trong lĩnh vực chính trị. Quá trình thực hiện những chính sách đúng đắn trong phát triển công tác cán bộ nữ từ đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đến việc quy định tỷ lệ tham chính, tỷ lệ tham gia lãnh đạo, quản lý tối thiểu của cán bộ nữ của Đảng và Nhà nước mà số lượng và chất lượng của cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc, ngày càng đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặt ra cho đội ngũ này. Về cơ bản đội ngũ cán bộ nữ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại địa phương, cơ quan, đơn vị; luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác; Đa số được rèn luyện qua thực tiễn cơ sở, có năng lực công tác; có uy tín trong cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhân dân, có năng lực quy tụ, đoàn kết nội bộ; Nhiều đồng chí có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do tổ chức phân công; tích cực tham gia xây dựng chương trình, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách, góp phần không nhỏ trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của Đảng bộ tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ nói chung và việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như:
Thứ nhất, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp mặc dù đã đạt mục tiêu theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhưng chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đề ra.
Thứ hai, cơ cấu cán bộ nữ còn bất hợp lý, chủ yếu được bố trí thuộc các cơ quan Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế. Số cán bộ nữ có trình độ đại học ở các ngành kỹ thuật rất ít.
Thứ ba, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt các cấp còn thấp, nhất là các vị ví của chính quyền. Chẳng hạn, cấp tỉnh chưa có cán bộ nữ là chủ tịch hay phó chủ tịch; giám đốc sở và tương đương là 20%; phó giám đốc sở và tương đương là 18,75% (6).
Thứ tư, công tác phát triển đảng viên nữ ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt là đảng viên nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Điều này, ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn cán bộ nữ của Tỉnh.
Thứ năm, Vai trò tham mưu của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở còn hạnh chế; năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý của một bộ phận cán bộ nữ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
Lai Châu là tỉnh mới chia tách, thành lập từ năm 2004, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ nữ còn thiếu về số lượng, chất lượng có mặt còn hạn chế, chất lượng quy hoạch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu.
Từ điểm xuất phát thấp về kinh tế, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt đến những tư tưởng trọng nam, khinh nữ, định kiến giới, hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã tạo ra những rào cản vô hình hạn chế cơ hội học tập, nâng cao trình độ, giao tiếp và công tác xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nữ; chưa mạnh dạn giao việc để rèn luyện, thử thách đối với cán bộ nữ nên khi có nhu cầu bố trí, sử dụng thì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Công tác tham mưu cho cấp ủy trong công tác cán bộ nữ của một số cơ sở Hội Liên hiệp phụ nữ chưa thực sự tích cực; công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên, phụ nữ về công tác phụ nữ còn chưa rõ nét, chưa cụ thể; một số hoạt động của Hội hiệu quả chưa cao.
Một bộ phận cán bộ nữ còn tự ty, an phận, thiếu chủ động rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, phấn đấu vươn lên. Tác động của yếu tố văn hóa, dân tộc làm cho phụ nữ lựa chọn, ưu tiên gia đình vì vậy hạn chế khả năng cống hiến, khẳng định trong công việc.
2. Giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ nữ ở tỉnh Lai Châu giai đoạn hiện nay
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X, Chỉ thị Số 21-CT/TW của Ban Bí thư và các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới; về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ tập quán lạc hậu, định kiến giới cản trở sự phát triển của trẻ em gái và phụ nữ.
Hai là, cơ quan chuyên môn từ tỉnh tới cơ sở phối hợp với các ngành, các cấp thường xuyên đánh giá tình hình công tác cán bộ nữ; tham mưu để có chính sách quy định cụ thể cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ cho từng chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, cơ hội cho cán bộ nữ thử thách, rèn luyện. Khi xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ cần căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện chung nhưng đồng thời phải tính đến yếu tố giới.
Ba là, kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách để khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Có cơ chế đặc thù để tuyển dụng cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho các trường nội trú, bán trú cho con em đồng bào ở các vùng dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ nữ tại chỗ.
Bốn là, phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tham mưu, giới thiệu cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, rèn luyện. Khuyến khích tinh thần tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, khẳng định vai trò, năng lực của mình; khắc phục tình trạng an phận, níu kéo, chưa ủng hộ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Năm là, bản thân cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao năng lực lãnh đạo, sự tự tin để trở thành tấm gương, những nhân tố điển hình, lan tỏa trong cộng đồng.
Có thể nói, sự trưởng thành của cán bộ nữ nói chung và trên địa bàn tỉnh Lai Châu là kết quả của rất nhiều yếu tố liên quan, từ tầm nhìn chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến xây dựng, thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo trẻ em gái, xây dựng nguồn nhân lực nữ, quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số; từ việc hạn chế định kiến giới; tập tục lạc hậu, sự xóa bỏ rào cản đến sự nỗ lực của bản thân trẻ em gái, phụ nữ dân tộc thiểu số đến những tác động của chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây sẽ góp phần phát huy ngày càng tốt vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Tài liệu trích dẫn
(1), (2) V.I.Lênin (2006): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 40, tr 180.
(3), (4), (5), (6) Tỉnh uỷ Lai Châu (2023): Báo cáo số 410-BC/TU, ngày 15/9/2023 của Tỉnh uỷ Lai Châu “Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2021 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 24/7/2017, Hà Nội.
2. Ban bí thư (2018): Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 21/01/2018 của Ban Bí tư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới
3. Giàng Páo Mỷ, tham luận “Công tác cán bộ nữ ở vùng dân tộc thiểu số”, tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội tháng 3/2017.
4. Lương Thu Hiền (2018), Giáo trình (Cao cấp lý luận chính trị) giới trong lãnh đạo, quản lý, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.