THỰC HIỆN LỜI BÁC DẶN, ĐỒNG BÀO VÀ CÁN BỘ LAI CHÂU “RA SỨC TĂNG GIA SẢN XUẤT ĐỂ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC ẤM NO”

Thứ năm - 23/11/2023 22:30 150 0

THỰC HIỆN LỜI BÁC DẶN, ĐỒNG BÀO VÀ CÁN BỘ LAI CHÂU  “RA SỨC TĂNG GIA SẢN XUẤT ĐỂ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC ẤM NO”

       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần có điều kiện đến thăm nhưng Người vẫn luôn theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng tại Lai Châu. Ngay sau khi nghe tin tỉnh Lai Châu được giải phóng (12-12-1953), Người đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ trong tỉnh. Bức thư được Người viết hết sức ngắn gọn, song lại hàm chứa không chỉ tình cảm sâu nặng của mình mà còn chỉ ra những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực cho đồng bào. Trong đó, “ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no” là một trong những điều Người căn dặn  đồng bào phải ghi nhớ và làm cho đúng.
         Hơn 80 năm sống dưới ách thống trị của thực dân và phản động, đồng bào các dân tộc Lai Châu bị áp bức bóc lột, cực khổ, đói rét; bị kìm hãm trong vòng ngu muội, không có một chút tự do dân chủ nào. Nay quê hương đã được giải phóng, đồng bào được hưởng hạnh phúc độc lập, tự do như các nơi khác, được làm chủ vận mệnh của mình. Dựa vào đặc điểm địa hình, khí hậu và những tiềm năng phát triển kinh tế của Lai Châu, Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào và cán bộ phải ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Đó là lời căn dặn chí tình của Người đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu trong phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhà. Đó cũng là mong muốn thiết tha của Người làm sao cho đồng bào các dân tộc có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mong cho miền núi tiến kịp miền xuôi.
         Thực hiện lời căn dặn của Người, trải qua chặng đường lịch sử gần 70 năm, Lai Châu đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong  chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc đã ra sức khai hoang ruộng đất, tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Lai Châu, đồng bào và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào chiến thắng chung của cả nước. Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ “2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh”(1),…. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ Lai Châu đã tập trung lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và phát triển các mặt giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội... Chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là trồng trọt và chăn nuôi; phát triển cây công nghiệp và nghề rừng. Trước hết, Tỉnh đã tiến hành chia lại ruộng đất để dân nghèo có ruộng sản xuất; phát động cuộc vận động khôi phục ruộng hoang, tăng vụ; cải tiến kỹ thuật canh tác và công cụ sản xuất…góp phần đem lại những thay đổi đáng kể về kinh tế xã hội cũng như bộ mặt của nông thôn Lai Châu.
         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân Lai Châu ra sức khắc phục khó khăn, giúp bộ đội tiễu phỉ, trừ gian, tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của góp phần chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Cán bộ, đồng bào Lai Châu ra sức tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trong 5 năm (1970-1975) đã giành được nhiều thắng lợi, nổi bật là: “Tổng sản lượng lương thực tăng 22%; chăn nuôi phát triển, đàn lợn tăng 11,8%, đàn trâu, bò, ngựa tăng nhanh, cung cấp cho miền xuôi năm cao nhất hơn 1.000 con; phong trào hợp tác hóa ngày càng được củng cố; công nghiệp chế biến phát triển, giá trị sản lượng tăng 22%”(2). Nạn đói kinh niên giảm dần, đời sống Nhân dân càng no đủ. Cán bộ, đồng bào Lai Châu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, góp phần cùng Nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
        Đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thuận lợi là người dân được sống hòa bình, yên tâm phát triển sản xuất... thì vẫn còn đó những khó khăn: đời sống vật chất tinh thần của số đông đồng bào, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thấp; các thế lực phản động, thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta. Trước tình hình đó, Đảng bộ Lai Châu xác định dù trong điều kiện nào cũng phải làm tốt ba nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: “Đẩy mạnh sản xuất, ổn định và đảm bảo đời sống Nhân dân”. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Lai Châu đã phát động phong trào “Toàn tỉnh ra quân, Đông Xuân quyết thắng”, phong trào đã động viên cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân các dân tộc hăng hái thi đua lao động, sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, tích cực khai hoang, tăng vụ, làm phân bón, phát triển chăn nuôi, bảo vệ rừng, kiên quyết giành thắng lợi vụ Đông Xuân 1979-1980. Đến năm 1985, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh “đạt gần 140 nghìn tấn (tăng 61% so với năm 1975)”(3); bước đầu hình thành một số vùng cây công nghiệp tập trung, cây công nghiệp ngắn ngày như bông, lanh, chè, trẩu, thầu dầu bước đầu được mở rộng về diện tích và tăng về sản lượng. Chăn nuôi có bước phát triển, sản xuất lâm nghiệp được quan tâm, “khôi phục và trồng mới rừng hàng năm đạt 2.000 ha”(4). Việc thực hiện vận động định canh, định cư kết hợp với hợp tác hóa nông nghiệp giành được những thắng lợi đáng kể. Các nông trường, lâm trường, trạm trại, công ty, xí nghiệp đi vào thế làm ăn ổn định.
         Thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, từ năm 1986, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn, giành được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị thực hiện tốt Chỉ thị của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các phong trào thi đua được triển khai rộng khắp, điển hình là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia không chỉ ở vùng thấp mà cả ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tiến hành tổ chức sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển kinh tế trang trại, lấy kinh tế hộ làm đơn vị tự chủ, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông lâm nghiệp là đơn vị dịch vụ hai đầu cho kinh tế hộ phát triển. Đã triển khai thí điểm các mô hình nuôi trồng thủy sản mới (nuôi ba ba, cá chim trắng, tôm càng xanh…) bước đầu đạt kết quả tốt và hiện đang nhân rộng trên các địa bàn có điều kiện thuận lợi. Công tác phát triển lâm nghiệp tiếp tục được quan tâm, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo khoanh nuôi bảo vệ rừng, tái sinh rừng, nhất là rừng đầu nguồn, gắn khoanh nuôi tái sinh rừng với đẩy mạnh trồng rừng mới; từng bước xã hội hóa nghề rừng, chuyển cơ bản từ lâm nghiệp truyền thống sang phát triển lâm nghiệp xã hội mang tính cộng đồng, phát triển rừng kinh tế để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến... “Tốc độ tăng trưởng GDP của Lai Châu đạt năm 2003 đạt 7,9%/năm”(5). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tổng sản lượng lương thực đến năm 2003 đạt 209.5 nghìn tấn. Bình quân lương thực đầu người 330 kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực. Trong nông nghiệp, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như chè, đậu tương, thảo quả, năng suất, sản lượng trong nông nghiệp tăng. “Tỷ lệ che phủ rừng năm 2003 là 37%, tăng 6% so với năm 2000”(6).
 
http://nongthonmoi.laichau.gov.vn/upload/105069/20230310/graba2ca02_3_1637117077000.jpg
 
Nông dân xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) thu hái chè
Ảnh: Thu Minh - Báo Lai Châu. Nguồn: https://baolaichau.vn
        Sau khi chia tách tỉnh và thành lập tỉnh Lai Châu mới vào ngày 01-01-2004, trong giai đoạn 2004-2010, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tập trung lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển, đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến năm 2010, “tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 8 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp 34%; công nghiệp - xây dựng 35%; dịch vụ 31%. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm tăng, bình quân lương thực đầu người đạt 410 kg. Cây công nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển, chăn nuôi đã và đang hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức hộ gia đình. Lâm nghiệp có bước phát triển khá, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%”(7).
Giai đoạn 2010-2020, Đảng bộ tỉnh Lai Châu lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, quyết tâm đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Tính đến 2020, kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,55%/năm, tổng sản phẩm năm 2020 đạt 20.486 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 40 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hường, tỷ trọng nông nghiệp đạt 14,48%, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng đạt 38,84%; ngành dịch vụ tỷ trọng chiếm 39,72%thuế sản phẩm chiếm 6.96%”(8). Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trông vật nuôi; thâm canh, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. “Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220.000 tấn, phát triển 3.280 ha lúa hàng hóa, sản lượng trên 16.500 tấn; mở rộng vùng chè 7.775 ha; cây căn quả 6.200 ha; cây mácca 3.774ha, cây quế 7.498 ha. Duy trì, phát triển gần 8.000 ha các cây dược liệu, chăm sóc gần 13.00 ha cây cao su”(9). Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, kết hợp chăn nuôi truyền thống với quy mô tập trung có kiểm soát, “tỷ lệ tăng đàn bình quân đạt 4-5%”(10). Tiếp tục mở rộng nuôi trồng thủy sản, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện, tổng sản lượng đạt trên 12.00 tấn. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc được cải thiện. Năm 2020, nhiều chỉ tiêu phát triển đạt mức trung bình so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
       Từ năm 2020 đến nay, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp được duy trì và đảm bảo mùa vụ, “tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 51.460 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 124.120 tấn, “tổng diện tích cây chè “ước đạt 9.816 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 48.000 tấn”(11). Phát triển một số cây dược liệu quý, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu. Dịch bệnh trong chăn nuôi cơ bản được kiểm soát; triển khai thực hiện nhiều liên kết trong nông nghiệp, thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Diện tích trồng rừng mới ước đạt 1.984 ha, đến nay diện tích cao su cho khai thác mủ đạt 10.353 ha, sản lượng khai thác đạt 4.147 tấn mủ. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Các sản phẩm OCOP ngày một phong phú, đa dạng, đến nay đã có 171 sản phẩm của 74 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên”(12).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng cây sâm giống cho đồng bào dân tộc
huyện Sìn Hồ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN. Dẫn theo https://dantocmiennui.vn
Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình trồng chanh leo của bà con bản Pá Liềng, xã Tà Mung, huyện Than Uyên. Ảnh: Phương Ly – Báo Lai Châu Dẫn theo http://laichau.dcs.vn
         Nhìn lại chặng đường gần 70 năm qua kể từ khi Bác gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu, càng thấm thía hơn lời Người căn dặn và ghi nhớ “ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức chúng ta tin tưởng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc nhất định sẽ xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2030, thành tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2045./.
       * Tài liệu trích dẫn:
      (1), (5), (6) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu (2009): Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945-2009), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr195, 662, 663.
      2), (3), (4) Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lai Châu (2013): Tài liệu Học tập và làm theo Lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu (Dùng trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể và tại các cơ quan, đơn vị), tr 72,73,74.
      (7) Trường Chính trị tỉnh Lai Châu (2021): Tập bài giảng hệ Trung cấp lý luận chính trị: Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng phát triển tỉnh Lai Châu, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, tr49.
     (8), (9), (10) Đảng bộ tỉnh Lai Châu (2020): Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, tr15,-16, 17.
     (11), (12) UBND tỉnh Lai Châu: Báo cáo số 389/BC-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2023 về Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội  9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.
      * Tài liệu tham khảo:
      1. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tập 4, 10, 12.
      2. Tỉnh ủy Lai Châu - Ban tuyên giáo (2020): Tham luận Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội.

Tác giả: ThS. Lê Thế Đại - Trưởng Khoa Xây dựng Đảng,ThS. Nguyễn Văn Đông - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay2,688
  • Tháng hiện tại81,614
  • Tổng lượt truy cập8,894,263
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down