Nội dung Nghị quyết đã thể hiện rõ những quyết tâm của toàn Đảng ta trong từng bước đổi mới phương thức sản xuất nhằm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII đã đề ra về phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Để thúc đẩy việc thực hiện những nhiệm vụ trên, một trong những vấn đề cốt lõi của bộ máy nhà nước là xây dựng một nền hành chính kiến tạo, năng động, hiệu lực, hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước của toàn Đảng ta.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ba Nghị quyết chuyên đề về kinh tế được Trung ương ban hành tại Hội nghị lần này là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII đã đề ra về phát triển kinh tế – xã hội”
Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII khẳng định, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng.
Có thể nói, nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế.
Mặt khác, trên phương diện lý luận, cải cách hành chính giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một nền hành chính năng động, trách nhiệm và hiện đại. Nghị quyết số 17- NQ/TW, ngày 1-8-2007, của Hội nghị Trung ương 5 khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước” xác định: Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; Đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; Hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8-11-2011, về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020” với mục tiêu: Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 khảng định cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ: Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Như vậy, có thể thấy cải cách hành chính là một trong những nội dung then chôt nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường. Cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với một hệ thống thể chế đồng bộ, thông suốt, một đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của phát triển. Đây cũng là những yêu cầu quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII nói chung và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nói riêng.
Thực tế cho thấy, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trong đó cốt lõi tập trung ưu tiên đổi mới tư duy về kinh tế, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã đạt được những thành tưu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tự đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Bởi vậy, Nghị quyết trung ương 5 khóa XII chính là Nghị quyết hành động, nhằm khắc phục những yếu kém của nền kinh tế từ tư duy kinh tế, thể chế kinh tế và các hoạt động kinh tế để từ đó giải phóng các nguồn lực sản xuất, tạo mọi thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu trên thì đòi hỏi cần đáp ứng là một nền hành chính hiện đại , năng động, trách nhiệm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Thực tế, thời gian qua, công cuộc cải cách hành chính diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn và chưa đạt được những mục tiêu đề ra. Công tác lãnh đạo về cải cách hành chính còn thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; thủ tục hành chính mặc dù đã được xác định là khâu đột phá trong cải cách hành chính và có những động thái tích cực trong xây dựng cơ chế: một cửa”, “ một cửa liên thông”, tiến tới “một cửa điện tử”, tuy nhiên mới giải quyết được các thủ tục giản đơn còn những thủ tục nhạy cảm như “đất đai”, “xây dựng”, “đầu tư”, “hải quan”,…còn rườm rà và nhiêu khê; Đội ngũ cán bộ công chức mặc dù ngày càng được chuẩn hóa về bằng cấp và tham gia đầy đủ hơn các chương trình đào tạo và bồi dưỡng song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi về trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh đó, việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức còn có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, dòng họ,…Do vậy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính kiến tạo, năng động, trách nhiệm, hiệu quả là một nội dung cốt lõi trong giai đoạn hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ta.
Đê thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết cuả Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng, kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của các cấp phải đồng bộ, nghiêm túc. Trong đó, xây dựng một nền hành chính liêm chính lấy thái độ và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự hiệu quả chính là một trong những giải pháp được Đảng và Nhà nước ta xác định trong việc thực hiện ba Nghị quyết nêu trên. Theo đó, từ Trung ương đến địa phương cần có sự vào cuộc với sự nỗ lực trong quá trình tìm kiếm những nhân tố hợp lý cho quá trình phát triển để sớm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội Đảng XII.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng – Khoa Nhà nước và pháp luật
Ý kiến bạn đọc