Bàn về kỹ năng chủ nhiệm đối với lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận Chính trị – Hành chính

Thứ sáu - 30/07/2021 03:25 1.090 0
Với vai trò là cấu nối giữa nhà trường với lớp học, năng lực của giáo viên chủ nhiệm là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng của đào tạo và bồi dưỡng của trường chính trị. Sự ổn định, quy củ của một lớp học phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học của chủ nhiệm lớp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về kỹ năng chủ nhiệm lớp học – yếu tố cấu thành năng lực chủ nhiệm của giáo viên.
1. Kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức vào thực tiễn công việc và cuộc sống. Kỹ năng là yếu tố quan trọng cấu thành năng lực của một cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thiết nghĩ, kiến thức là nền tảng quan trọng để một cá nhân đảm nhận bất cứ công việc nào. Tuy nhiên, kỹ năng vận dụng kiến thức và xử lý tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện lại là nhân tố quyết định sự thành công. Kỹ năng chủ nhiệm lớp đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế và linh hoạt trong quá trình xử lý công việc để đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như mối quan hệ bền vững giữa nhà trường với lớp học và chính quyền địa phương. Giải quyết tốt bài toán này, chất lượng của chủ nhiệm lớp chính là mắt xích quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của nhà trường đặt ra với bất cứ lớp đào tạo, bồi dưỡng nào.

2. Từ nhận thức trên, tác giả nhận định về một số kỹ năng chủ nhiệm lớp cần phải trang bị, rèn luyện và trau dồi như sau

Thứ nhất, đối với lãnh đạo nhà trường, chủ nhiệm lớp cần phải có kỹ năng tham mưu. Tham mưu là đưa ra những ý kiến mang tính phát hiện đối với những vấn đề phát sinh trong đời sống quản lý. Đặc biệt, từ những phát hiện về các tình huống có vấn đề góp phần  đề xuất các giải pháp giúp lãnh đạo nhà trưởng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý đào tạo. Với các lớp đào tạo, bồi dưỡng, xuất phát từ đặc thù của địa phương, của chương trình đào tạo và của đối tượng học viên, chủ nhiệm lớp cần có kỹ năng giải trình, thuyết phục và tư vấn đối với lãnh đạo về những cách thức quản lý lớp học hiệu quả.

Thứ hai, đối với giáo viên bộ môn, chủ nhiệm lớp cần phải có kỹ năng phối hợp để giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong quá trình giảng dạy. Xét thấy, chất lượng đào tạo và bồi dưỡng là yếu tố then chốt quyết định chất lượng hoạt động của trường chính trị. Bởi vậy, để đảm bảo tốt quá trình giảng dạy, chủ nhiệm lớp cần phải đồng hành cùng giáo viên bộ môn để giải quyết những vấn đề về chương trình học, ý thức học tập, rèn luyện của học viên, chuẩn bị công tác hậu cần phục vụ tốt nhất hoạt động giảng dạy. Tác giả cho rằng, trong một số trường hợp đặc biêt, chủ nhiệm lớp cần làm tốt kỹ năng đàm phán với giáo viên bộ môn để thiết lập những tiền đề thuận lợi nhất cho giáo viên và học viên thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, đối với chính quyền địa phương, chủ nhiệm lớp cần chú ý kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khai giảng, học tập và bế giảng lớp học. Thật vậy, chủ nhiệm lớp là một trong những yếu tố góp phần xây dựng giá trị cốt lõi và tạo dựng thương hiệu của trường chính trị. Nên giao tiếp, ứng xử là kỹ năng quan trọng để chủ nhiệm lớp đảm nhận thành công trọng trách lớn lao của mình.

Thứ tư, đối với học viên, chủ nhiệm lớp cần trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, thuyết trình hiệu quả. Chủ nhiệm lớp là cánh tay nối dài của nhà trường, là đại diện cho tâm tư nguyện vọng của học viên. Do đó, chủ động giao tiếp và nắm bắt tâm lý của học viên để có cách ứng xử tình huống sư phạm trong từng trường  hợp cụ thể. Bên cạnh đó, sâu sát trong quá trình học tập của học viên để nắm bắt đặc điểm tình hình lớp học, từ đó báo cáo tham mưu cho lãnh đạo nhà trường và phối hợp hiệu quả với các khoa phòng trong hoạt động quản lý học viên.

Thứ năm, với chính mình, chủ nhiệm lớp cần có kỹ năng quản lý hồ sơ. Quản lý, lưu trữ khoa học các loại hồ sơ, sổ sách và các thông tin, tài liệu được hình thành trong quá trình chủ nhiệm lớp  giúp cho giáo viên chủ nhiệm chủ động trong việc xử lý thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý lớp học và hoạt động tham mưu, đề xuất những ý kiến chất lượng cho lãnh đạo nhà trường.

Trên đây là cách tiếp cận của tác giả về những kỹ năng cần thiết đối với giáo viên chủ nhiệm lớp. Thiết nghĩ, tính chất công việc của chủ nhiệm lớp mang tính đặc thù rất cao. Chủ nhiệm lớp không thuần túy là nhiệm vụ mang tính chuyên môn sâu mà đó là nhiệm vụ của quản lý. Đối tượng quản lý là học viên học tập các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị – hành chính nên chủ nhiệm lớp cần biết kết hợp tinh tế giữa khoa học và nghệ thuật quản lý. Từ đây mục tiêu tối thượng là chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, là mối quan hệ giữa nhà trường và cơ sở bền vững, đặc biệt vị thế nhà trường được nâng lên. Do đó, mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải tự ý thức trong việc rèn luyện và trang bị những kỹ năng cần thiết để phụng sự sự nghiệp chung góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng – Khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay3,889
  • Tháng hiện tại85,382
  • Tổng lượt truy cập9,015,005
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down