Người đã ra đi nhưng tài sản Người để lại cho dân tộc có giá trị vô cùng lớn lao, ấy là một tấm gương kiên trung son sắc vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ấy là một Hệ tư tưởng có ý nghĩa kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong thời kì mới, là bản Di chúc 50 năm rồi vẫn còn nguyên giá trị. Là một người con đất Việt, một thanh niên thế hệ mới và một giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, bản thân luôn tự ý thức vai trò trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước thềm Đại hội Đảng, trong nội dung bài viết này, tác giả đưa ra một số suy nghĩ khi tiếp cận bản Di chúc – một văn kiện có giá trị và tầm vóc lịch sử lớn lao. Trong Di chúc, Người đã gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ, một lực lượng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng, giữ và xây dựng đất nước.
Thật vậy, Bác Hồ mất đi khi đất nước chưa thống nhất, chính thế hệ trẻ trên chiến trường đã góp mồ hôi, xương máu để hoàn thành di nguyện của Người, “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. [1] Những con người “ trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ giản dị và bình tâm/ không ai nhớ mặt đặt tên / Nhưng họ đã làm nên Đất nước”.[2] Thế hệ trẻ thửo ấy ra đi khi hành trang mang theo là hình ảnh “chiếc áo đỏ rực như than lửa, cháy không nguôi trước cảnh chia ly” [3], là câu hỏi nhức nhối lòng dân tộc: “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/ Ta hiểu vì sao ta hiến máu?[4] vì sao ư? Vì đất nước này con người không thể cúi cổ khom lưng cho giặc Mỹ chém ngang lưng. Vì sao ư? Vì những em thơ yên giấc trong nôi, anh ra đi canh giữ đất trời. Di nguyện ấy đã gửi gắm thông điệp giản dị mà lớn lao trên đôi vai của thế hệ trẻ, tiếp bước cha anh làm nên dáng vóc Việt nam lịch sử, tạc vào hồn thiêng sống núi, những người con “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” [5]. Tiếp đó, chính thế hệ trẻ đã tiếp bước bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, biển đảo của Tổ quốc quê hương. Và rồi chính thế hệ trẻ đã góp công góp sức trong công cuộc xây dựng, kiến thiết nước nhà
Là thanh niên thế hệ trẻ, tôi tự nhủ, việc thực hiện lời dạy của Người bằng những hành động thiết thực chứ không phải bằng khẩu hiệu, bằng lời nói. Là một giảng viên lý luận chính trị, ăn cơm dân, mặc áo Đảng và sống dưới thể chế chính trị định hướng Xã hội chủ nghĩa, tôi tự thấy trọng trách lớn lao của bản thân trước sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh nước nhà còn nhiều thù trong, giặc ngoài, là quốc nạn tham nhũng, là sự suy thoái đạo đức lối sống, là xói mòn niềm tin và tha hóa quyền lực, đặc biệt, là thời bình nhưng ngoài biên giới đất liền, nơi đầu sóng, ngọn gió, những súng đạn khói lửa dường như luôn vẫn rình rập từng tấc đất, tấc biển quê hương. Câu hỏi đặt ra với một giảng viên trả như tôi, ấy là, thông điệp gì sẽ được gửi gắm vào trong mỗi bài giảng để thức tỉnh, khơi sâu tinh thần dân tộc, lòng tự tôn dân tộc, tự trọng quốc gia. Chính tinh thần ấy sẽ là mẫu số chung của tinh thần đoàn kết và ý thức cố kết cộng đồng, từ đây nó sẽ trở thành quyết tâm chính trị mạnh mẽ để kiếm tìm những nhân tố hợp lý cho quá trình phát triển, để cùng chung tay góp sức cắt bỏ những khối u nhức nhối cả Hệ thống chính trị. Mỗi một ý thức, mỗi một hành vi, dù nhỏ nhoi nhưng sẽ góp phần làm thanh sạch đất nước này, mỗi một tấm gương sẽ là mẫu hình nhân rộng gen tích cực trong ý thức hệ người Việt Nam.
Trước thềm Đại hội Đảng, thiết nghĩ, đọc lại Di chúc Bác Hồ, những lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ đã cho chúng ta thêm động lực để cống hiến, xây dựng cho một tương lai phồn vinh, no ấm.
“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. [6]
Đại hội Đảng là nơi tập trung trí tuệ của cả một tập thể lãnh đạo Sự kiện chính trị pháp lý trọng đại mang tầm vóc lịch sử dân tộc. Di chúc của Bác như một lời di nguyện tự đáy lòng của vị lãnh tụ cả đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lời di nguyện ấy sẽ mãi là kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hành động dù nhỏ nhất. Với phương châm, “việc gì có lợi cho dân, dù khó mấy cũng phải hết sức làm còn việc gì có hại cho dân dù dễ mấy cũng phải hết sức tránh”. Theo đó, với bầu nhiệt huyết tự trong tim, với dòng máu nóng của chủ nghĩa dân tộc nơi người con đất Việt, thanh niên – thế hệ tương lai của đất nước sẽ là cánh tay đắc lực của Đảng nhằm phục vụ thành công sự nghiệp đổi mới; đồng thời là động lực quan trọng cho sự chuyển mình của dòng chảy lịch sử. Di nguyện của người về thế hệ trẻ đã xác định rõ vai trò của lực lượng thanh niên tron quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Di chúc của Bác không chỉ có giá trị lịch sử còn là sự kết tinh về văn hóa, tâm hồn và cốt cách của cả một dân tộc hội tụ nơi trái tim và khối óc vĩ đại – Hồ Chí Minh. Trước thềm đại hội, bản thân là một Đảng viên trẻ đồng thời là một giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, tác giả cho rằng, mỗi Đảng viên hãy thể hiện bản lĩnh chính trị của người Cộng sản chân chính và trách nhiệm của một người công dân với vận mệnh của đất nước để hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên mảnh đất quê hương của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Di chúc Bác Hồ
[2] Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm
[3] Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mỹ
[4] Chào xuân 67, Tố Hữu
[5] Đất nước, Nguyễn Đình Thi
[6] Di chúc Bác Hồ
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng – Khoa Nhà nước và pháp luật
Ý kiến bạn đọc