CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ GIAI CẤP TRONG CƯƠNG LĨNH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930)

Thứ năm - 01/02/2024 08:10 6.696 0
        Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã để lại cho dân tộc và Nhân dân Việt Nam rất nhiều cống hiến vĩ đại, trong đó có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
        Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 01/2001) đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” [1]. Việc nghiên cứu sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giai cấp trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) sẽ làm sáng tỏ hơn những quan điểm của Đảng ta về Tư tưởng Hồ Chí Minh.  
         1. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta (03/02/1930)
        Những năm đầu thế kỷ XX, trước sự thất bại của các phong trào yêu nước, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không tán thành còn đường, phương pháp cách mạng của họ và Người đã rời Bến cảng Nhà rồng ra đi với mong muốn làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là một cuộc hành trình dài đi qua các châu lục và nhiều quốc gia trên thế giới đã giúp Người tìm hiểu, nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình (như cách mạng Pháp, Mỹ,…), tuy nhiên đó lại là các cuộc cách mạng tư sản, “không đến nơi”. Và đến khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (7/1920) cũng là khi mà những nguyện vọng, khát khao của Người được đáp ứng - đó chính là con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phù hợp cho Việt Nam. Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” [2]. Như vậy, vượt qua những hạn chế về tư tưởng của các nhà cách mạng tiền bối và đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với học thuyết cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản.
         Sau khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã tích cực hoạt động trong các phong trào Cộng sản công nhân quốc tế; cùng với đó, Người đã không ngừng nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng thuộc địa, xây dựng hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và truyền bá hệ thống lý luận đó về Việt Nam, từng bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã viết nhiều bài báo đăng trên các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân, Thư tín Quốc tế, Sự thật với các tác phẩm như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”,… nhằm vạch trần tội ác của chế độ thực dân, từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Tháng 6/1925, Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - đây là một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Việt Nam, làm cho khuynh hướng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản ngày càng chiếm ưu thế, làm cho phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta lúc bấy giờ phát triển rất mạnh mẽ dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (9/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (01/1930).
        Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để lập ra một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng…, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện này hợp thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta. Bản Cương lĩnh rất ngắn gọn và cô đọng đã xác định những vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược, phương hướng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Đảng và cách mạng Việt Nam.
         2. Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và giai cấp trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng
        Phân tích tình hình thực tiễn của Việt Nam lúc bấy giờ, Cương lĩnh nêu rõ: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [3]. Như vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải đi từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đây là nội dung cốt lõi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng của Người.
        Về nhiệm vụ cụ thể của cách mạng:
       Về chính trị, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh và tổ chức ra quân đội công nông.
Về kinh tế, tịch thu toàn bộ các sản nghiệp lớn của bọn đế quốc giao cho chính phủ công nông binh, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, miễn thuế cho dân cày nghèo, thi hành luật ngày làm tám giờ.
       Về văn hóa xã hội, dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo hướng công nông hóa.
Các nhiệm vụ trên đây đã bao hàm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc phong kiến, xong nổi lên hàng đầu là chống đế quốc giành độc lập dân tộc. Như vậy, ngay trong các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc, giai cấp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Người.
        Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin thì vấn đề quan trọng và cốt lõi của cách mạng vô sản là đấu tranh giai cấp. Bởi vì, vấn đề dân tộc luôn gắn với một giai cấp nhất định, không có dân tộc phi giai cấp và vấn đề dân tộc ở các nước Tây Âu đã được giai cấp tư sản giải quyết. Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu rất sâu và nắm vững các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Theo Người: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” [4]. Phải bổ sung phát triển cho chủ nghĩa Mác dân tộc học phương Đông. Theo Người ở các nước Tây Âu là các quốc gia, dân tộc độc lập, không có sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc mà chính các nước đó lại đang đi xâm lược, áp bức, bóc lột thuộc địa. Mặt khác, các nước Tây Âu xã hội công dân ra đời sớm, sự phân hóa giai cấp diễn ra sâu sắc giữa tư sản và vô sản, đấu tranh giai cấp diễn ra một mất một còn. Giai cấp vô sản đấu tranh lật đổ tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản để giải phóng cho giai cấp mình nhưng đồng thời cũng giải phóng dân tộc khỏi sự kìm hãm của giai cấp tư sản. Chính vì vậy, trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” C.Mác đã kêu gọi: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu” [5]. Vấn đề C.Mác và Ph.Ăngghen quan tâm là vấn đề xã hội Tây Âu quan tâm: đấu tranh giai cấp. Điều đó hoàn toàn đúng và phù hợp ở Tây Âu. Đưa vấn đề đó vào Việt Nam thì đúng nhưng chưa đủ, vì ở Việt Nam xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn giai cấp không điển hình như ở Tây Âu. Vấn đề này đã được Người chỉ rõ, “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra như ở phương Tây”, bởi vì “về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây” [6]. Người đã phân tích làm sáng rõ: “Những địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ mà ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt, bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ” … “nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được” [7].
         Mặt khác, Việt Nam đang bị chủ nghĩa đế quốc xâm lược, dân tộc đang trở thành nô lệ. Cho nên, địa chủ, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản đều có điểm tương đồng là người dân nô lệ, mất nước và có nguyện vọng giải phóng dân tộc. Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam cần giải quyết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Vì vậy, muốn giải phóng giai cấp vô sản theo học thuyết Mác - Lênin thì trước hết phải giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp, nếu chỉ đấu tranh giải phóng giai cấp thì không thể giải phóng được giai cấp mà cũng không thể giải phóng được dân tộc.
       Nắm vững bản chất cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái quốc đã độc lập, tự chủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, không máy móc, giáo điều, rập khuôn. Từ sự phân tích, thấy rõ vai trò, vị trí của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người chủ trương liên minh các giai cấp, các tầng lớp yêu nước: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn địa chủ và phong kiến… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân việt,… để lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản động cách mạng (Đảng Lập hiến,…) thì phải đánh đổ” [8]. Nguyễn Ái Quốc đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu nhằm đoàn kết tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước, thương nòi, tạo ra sức mạnh dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, Người luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp” [9].
      Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử, nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp và thấm đượm tinh thần dân tộc vì độc lập tự do, tiến hành cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất để đi tới xã hội cộng sản là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này. Tư tưởng đó soi sáng cho Đảng và Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc, vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp vô sản lãnh đạo ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
       Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đưa đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc trên quan điểm giai cấp, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức làm nền tảng; lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm mục tiêu chung. Mục tiêu đó không phải chỉ là vấn đề giai cấp mà vừa là mục tiêu giai cấp vừa là mục tiêu dân tộc. Điều này chứng tỏ rằng ở nước ta chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đại biểu chân chính cho lợi ích dân tộc, xây dựng được mặt trận đại đoàn kết dân tộc để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Nhìn lại thắng lợi của cách mạng Việt Nam 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhìn rộng ra tình hình thế giới vào những thập niên cuối thế kỷ XX và những năm gần đây, chúng ta nhận thấy rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi và đâu là những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã, sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô và các nước Đông Âu; của chiến tranh dân tộc, xung đột sắc tộc,… chúng ta càng trân trọng và tự hào với di sản tư tưởng lý luận vô cùng quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và dân tộc ta.

      Tài liệu trích dẫn:
     [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2016, tập 60, tr.57.
     [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, , tập 10, tr.127.
     [3], [8], [9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tập 3, tr.1, 3, 3.
     [4], [6], [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tập 1, tr. 465, 465, 464.
     [5] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tập 4, tr.623.

Tác giả: ThS. Tạ Ngọc Thuỷ, CN. Lương Văn Dũng - Khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay2,068
  • Tháng hiện tại80,994
  • Tổng lượt truy cập8,893,643
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down