PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” NĂM 1948 CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LAI CHÂU HIỆN NAY

Chủ nhật - 11/06/2023 21:22 726 0
        Sau 75 năm, một chặng đường lịch sử, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời Kêu gọi của Hồ Chủ tịch: Thi đua Ái quốc
(Ảnh nguồn: ảnh tư liệu)
           1. Những giá trị cốt lõi của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” năm 1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
         Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh giặc đói, giặc dốt hoành hành khắp nơi, giặc ngoại xâm lăm le, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, trước tình thế cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước “Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Kiến quốc nhất định thành công”[1]. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, không chỉ bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, làm nên những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn chung sức đồng lòng, phấn đấu đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với bè bạn quốc tế. Bác mong muốn toàn thể đồng bào, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, đều phải tích cực thi đua yêu nước: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau/Làm cho tốt/Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo… đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: toàn dân kháng chiến/Toàn diện kháng chiến. Cách làm là: dựa vào: Lực lương của dân/Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[2]. Muốn vậy: “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ngày ngày thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”[3]. Với những ngôn từ vừa giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện vừa sâu sắc, toàn diện, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người có sức lan toả sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
           Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Người viết: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”[4]. Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”[5]. Từng câu, từng chữ trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta.
2. Sự vận dụng vào thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại Trường Chính trị tỉnh Lai Châu hiện nay
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, phong trào thi đua yêu nước của Trường Chính trị tỉnh Lai Châu những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tập thể cấp ủy và lãnh đạo nhà trường ngày càng quan tâm sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, có nhiều đổi mới, sáng tạo và được triển khai trên mọi lĩnh vực, hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, giảng viên, nhân viên. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến được quan tâm và đã có nhiều chuyển biến rõ rệt; thực hiện bình xét khen thưởng khách quan, công bằng; khen thưởng đúng người, đúng việc. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua của nhà trường được thể hiện trên các mặt:
           Thứ nhất, thi đua trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến hết năm 2022, trường chính trị đã đào tạo 6.257 học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị, hành chính, với 8.337 học viên, lượt học viên các lớp bồi dưỡng. Trường đã luôn giữ vững vị thế, vai trò, uy tín cao trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và các đoàn thể cấp cơ sở và tương đương cho tỉnh. Các học viên được trang bị kỹ năng giải quyết tình huống, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tốt các yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
          Thứ hai, thi đua trong công tác nghiên cứu khoa học. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, gắn giảng dạy lý luận với thực tiễn của tỉnh và địa phương, trong những năm gần đây lãnh đạo nhà trường đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đi vào nề nếp và đạt được những kết quả rất quan trọng. Kết quả cụ thể: Giai đoạn 2015 - 2022 đã tổ chức 20 Hội thảo cấp trường, phối hợp tổ chức 01 Hội thảo cấp tỉnh, 01 Hội thảo cấp Cụm; thực hiện 10 đề tài khoa học cấp cơ sở, 01 đề tài cấp khoa; được tỉnh công  nhận 02 sáng kiến, 41 sáng kiến kinh nghiệm được nhà trường nghiệm thu; phát hành 20 số Bản tin “Thông tin lý luận thực tiễn” cùng hàng trăm các bài viết của giảng viên, Lãnh đạo nhà trường được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
           Thứ ba, kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Giai đoạn 2015 - 2022, Cấp ủy chi bộ, lãnh đạo nhà trường, Ban chấp hành công đoàn đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Học viện, của Cụm, khối thi đua về công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do các cấp, ngành, đoàn thể phát động. Cụ thể tham gia hưởng ứng thực hiện các phong trào: “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Lai Châu; phong trào “Lai Châu chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lai Châu thi đua thực hiện văn hóa công sở”; phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phong trào “Thi đua học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động tổ chức đoàn thể”. Đặc biệt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt” luôn được quan tâm, duy trì thực hiện thường xuyên. Kết quả qua ba lần tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc đã có 03 giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi và 03 giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi xuất sắc được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
          Phong trào thi đua yêu nước của trường chính trị tỉnh đạt được trong những năm qua thể hiện sự cỗ gắng nỗ lực vượt bậc của tập thể cấp ủy, Lãnh đạo nhà trường và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động; sự đoàn kết, đồng lồng; trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ cũng như tham gia, phát động các phong trào thi đua yêu nước. Minh chứng, ghi nhận cho sự cố gắng nỗ lực đó: Giai đoạn 2015 - 2022Trường đã có 21 lượt tập thể khoa, phòng và 183 lượt cá nhân được Hiệu trường tặng thưởng Giấy khen; 07 lượt tập thể và 17 lượt cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 03 cá nhân được Giám đốc Học viện tặng Bằng khen; 02 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương; 14 lượt tập thể đạt lao động xuất sắc; 03 tập thể được tặng Cờ của UBND tỉnh Lai Châu; 35 lượt chiến sĩ thi đua cơ sở và 03 cá nhân đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Đồng chí: Nguyễn Tiến Tăng, Hiệu trưởng nhà trường tặng Giấp khen
cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong thực hiện phong trào thi đua
            Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
          Vận dụng tư tưởng của Bác, đặc biệt là những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, tập thể cấp ủy và lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động quyết tâm, đoàn kết, đổi mới thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động, quyết tâm phấn đấu đến năm 2026 đạt chuẩn mức độ 1 theo Đề án Tỉnh ủy phê duyệt./.
 
            * Tài liệu trích dẫn:
            [1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H.2002, tr.444.
            [2] Sđd, t.5, 419.
            [3] Sđd, t.5, tr.557.
            [4] Sđd, t.5, tr.658.
            [5] Sđd, t.6, tr.270.
           * Tài liệu tham khảo:
           - Báo cáo số 169-BC/TCT, ngày 15/01/2020 về “Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025”.
          - Báo cáo số 41-BC/TCT, ngày 22/10/2021 về “Tổng kết phong trào thi đua năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022”.
         - Báo cáo số 97-BC/TCT, ngày 08/12/2022 về “Tổng kết phong trào thi đua năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023”.
         - Đề án “Xây dựng Trường chính trị tỉnh Lai Châu đạt chuẩn mức độ 1 giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2035” (Ban hành kèm theo Quyết định số 630-QĐ/TU, ngày 05/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
 

Tác giả: ThS. Tạ Ngọc Thuỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay2,785
  • Tháng hiện tại81,711
  • Tổng lượt truy cập8,894,360
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down