TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN – Ý NGHĨA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Thứ sáu - 22/12/2023 02:57 3.410 0
       Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người tìm ra chân lý cứu nước và con đường giải phóng dân tộc, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhân dân ta giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một kho tàng lý luận hết sức quý giá đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng của Người về quân sự là một di sản vô giá. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh bao gồm những quan điểm, luận điểm của Người về cách mạng bạo lực, về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng hậu phương và nền quốc phòng toàn dân, về chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật quân sự ở một nước vốn là thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
      Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng quân đội cách mạng, được hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, trên cơ sở đó mà xây dựng và phát triển lực lượng quân sự; từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Người chỉ rõ: Muốn có quân đội vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện vác súng thì mới thắng được. Nêu cao ngọn cờ đại nghĩa, Người chăm lo giáo dục cho toàn dân hiểu rõ tại sao phải cách mạng, tại sao phải kháng chiến. Người chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi tầng lớp Nhân dân trong một mặt trận dân tộc thống nhất. Một nền quốc phòng toàn dân hùng mạnh với sự tham gia của các ngành, các giới, các lực lượng đã góp phần quyết định sự thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Công việc quân sự không phải là riêng của quân đội mà được đồng bào cả nước thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đấu tranh vũ trang không còn là lĩnh vực giành riêng cho những đội quân chuyên nghiệp, toàn dân đã tự giác đứng lên chiến đấu. Hành động quân sự được thể hiện bằng nghệ thuật toàn dân đánh giặc với lòng dũng cảm phi thường và trí thông minh sáng tạo tuyệt vời. Đánh giặc bằng sức mạnh của toàn dân, nhưng phải có lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến việc tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đó là đội quân kiểu mới của Đảng và của dân tộc, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, "Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân". Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong đó, bộ phận bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người về xây dựng ba thứ quân được thể hiện rõ trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tháng 2 năm 1944). Trong việc tổ chức xây dựng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng… “trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện” [1]. Đó là đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất. Thực tiễn cách mạng đã chứng tỏ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc là hình thức tổ chức phù hợp nhất để phát huy sức mạnh của cả dân tộc, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh ở nước ta, phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam thành một quân đội cách mạng vững mạnh về mọi mặt, từng bước chính quy, hiện đại. Trước hết, Người chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, trong đó vấn đề cốt lõi là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đảm bảo cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với mục tiêu lý tưởng cách mạng. Người nhấn mạnh xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là cơ sở, nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, "chính trị là vận mệnh của quân đội cách mạng". Vì vậy "Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội… Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn quân ta" [2].
Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm xây dựng tinh thần dân chủ, kỷ luật, đoàn kết cho bộ đội. Người dạy, kỷ luật là sức mạnh của quân đội: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm” [3]; "Bộ đội phải nêu cao tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế" [4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng quân đội ta thật sự là quân đội của dân, do dân, vì dân. Người thường xuyên nhắc nhở "Phải nhớ rằng, nhân dân là chủ. Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết" [5]. “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc" [6]. Người chỉ rõ: phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Chỉ có dựa vào dân quân đội ta mới có thể phát triển nhanh chóng, vững mạnh.
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội là lấy việc bồi dưỡng, xây dựng con người là chính "người trước, súng sau". Theo Hồ Chí Minh bộ đội phải có tư tưởng vững vàng, kỷ luật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Còn nếu chính trị khá nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng cơ thể yếu đuối thì cũng không thể thắng được. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu để có phẩm chất và năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.
       Đề cao vai trò con người nhưng Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nâng cao trình độ, vũ khí, trang bị. Người xác định quân đội phải tiến lên chính quy, hiện đại, bao gồm nhiều quân, binh chủng, có quy mô tổ chức và số lượng hợp lý, có chất lượng ngày càng cao. Người đặc biệt quan tâm đến việc nuôi dưỡng bộ đội, "thực túc thì binh cường". Người yêu cầu các cấp, các ngành chăm lo nuôi dưỡng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội, từ nơi ăn chốn ở đến sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, "phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ" [7]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, coi đó là khâu then chốt trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Người xác định: "tướng là kẻ giúp nước, tướng giỏi thì nước mạnh, tướng xoàng thì nước hèn" [8]. Từ rất sớm Người đã chú trọng cử người đi học quân sự, quan tâm đến các trường quân sự, và viết nhiều tài liệu để bồi dưỡng tri thức quân sự cho cán bộ chiến sĩ. Người đề ra sáu yêu cầu đối với người làm tướng là "Trí, Dũng, Liêm, Nhân, Tín, Trung", đặt chữ trí lên đầu và nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, thái độ của người làm tướng đối với nhiệm vụ, đối với binh sĩ, đối với Nhân dân và đối với kẻ địch. Người yêu cầu người chỉ huy quân sự cũng như về chính trị phải làm kiểu mẫu, nói đi đôi với làm và người tự mình làm gương cho cán bộ chiến sĩ noi theo.
       Tư tưởng trên của Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là ngọn cờ dẫn dắt, soi sáng và chỉ đạo quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng, giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu vẻ vang ấy của sự nghiệp cách mạng đã phản ánh và chứng minh tính khoa học, cách mạng về tư tưởng của Người.
Trong bối cảnh mới hiện nay, khi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ còn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết, tăng cường chống phá công khai và trực diện, với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi...
        Chính vì vậy, trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, việc tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân trong đó quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, phối hợp hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại. Xây dựng lực lượng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi soi sáng quá trình xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta - một quân đội trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng./.
         * Tài liệu trích dẫn:
        [1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 3, tr.507.
        [2], [6].  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 11, tr.365-366; 595.
        [3]. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 7, tr.483;
        [4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.448.
        [5], [7].  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.91; 433.
        [6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.595.
        [8]. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 6, tr. 519.

Tác giả: CN. Lương Văn Dũng - Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay2,112
  • Tháng hiện tại81,038
  • Tổng lượt truy cập8,893,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down