BỔ SUNG, CẬP NHẬT MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VÀO GIẢNG DẠY BÀI 13 - HỌC PHẦN KIẾN THỨC BỔ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Thứ sáu - 18/08/2023 22:25 928 0
       Ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023. Luật được ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Luật gồm có 6 Chương, 91 Điều. Đây là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.
       Học phần Kiến thức bổ trợ thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm 15 bài được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức cấp phòng và tương đương; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân. Trên cơ sở đối tượng người học và đặc điểm tình hình thực tiễn tỉnh Lai Châu, Trường Chính trị lựa chọn đưa vào giảng dạy các bài phù hợp trong đó có bài 13 "Thực hiện dân chủ ở cơ sở".  Do vậy, để làm sâu sắc hơn lý luận về dân chủ, đồng thời cập nhật những vấn đề thực tiễn mới đang đặt ra trong thực hiện dân chủ, dân chủ ở cơ sở tại Việt Nam đòi hỏi giảng viên giảng dạy cần bổ sung, cập nhật những quy định mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, một số quy định mới cụ thể:
        Một là, bổ sung vào mục 1.1.1. Khái niệm dân chủ ở cơ sở
       Thứ nhất, bổ sung một số khái niệm: “Cơ sở”, “Thực hiện dân chủ ở cơ sở”; “Cộng đồng dân cư”; “Tổ chức có sử dụng lao động” tại Điều 2, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
       Thứ hai, bổ sung phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở: Mọi công dân; Công dân là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Công dân là người lao động ở các loại hình cơ sở tương ứng: xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị; tổ chức có sử dụng lao động. Như vậy, không chỉ thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà Luật còn điều chỉnh đến dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức có sử dụng lao động.
       Thứ ba, bổ sung, làm rõ nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể: Trên cơ sở kế thừa và điều chỉnh 5 nguyên tắc của Pháp lệnh số 34 thì Luật đã bổ sung thêm 01 nguyên tắc mới là “Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân”.
       Hai là, đưa quy định mới của Luật thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 vào mục 1.3.1. Nội dung thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn.
        Thứ nhất, bổ sung một số điều của Chương II,  Thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn. Cụ thể: Điều 11. Những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai; Điều 15. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; Điều 30. Nhân dân kiểm tra, giám sát… Từ đó, giảng viên phân tích, làm rõ những quy định mới của Luật như:
Người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát, được công khai, minh bạch thông tin sẽ hạn chế được những biểu hiện tự chuyển biến, tha hóa biến chất, tiêu cực, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn; làm thay đổi tác phong công tác của đa số cán bộ, công chức theo hướng tích cực hơn, trăn trở hơn với lợi ích của dân, sâu sát và tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, từ đó Nhân dân có điều kiện thực tế để thụ hưởng những thành tựu mà dân chủ mang lại cho họ.
       Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp là những vấn đề về an ninh trật tự, xây dựng và tổ chức tự quản đời sống cộng đồng, chính quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân.
       Nội dung và đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, thôn, tổ dân phố; đăng tải trên cổng/trang thông tin của cơ quan, đơn vị. Quy định này nhằm phù hợp với tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền địa phương điện tử và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ thông thông tin có liên quan đến quyền và lợi ích của chính mình.
      Thứ hai, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, lần đầu tiên thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013: Quyền của công dân được cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, quyết định các nội dung theo quy định của pháp luật, dự thảo Luật bổ sung quyền được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định về các nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở: nghĩa vụ tham gia ý kiến các nội dung, vấn đề được lấy ý kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật ý kiến được tham gia của mình hoặc của người đại diện theo ủy quyền; chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
        Ba là, đưa quy định (Chương III) Luật Thực hiện dân chủ năm 2022 vào mục 1.3.2. Nội dung thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
          Thứ nhất, bổ sung mục 1. Công khai thông tin ở cơ quan, đơn vịNghị định số 04/2015/NĐ-CP về nội dung công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết gồm 9 việc; Theo quy định tại Điều 46 của Luật, những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai gồm 12 việc (khoản 3,4,5 là quy định mới) và bổ sung quy định thời gian người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai hiện nay chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đây là điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giảng viên hướng dẫn cho học viên trong thực hiện ở các cơ quan, đơn vị.
           Thứ hai, bổ sung mục 2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định
Nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định (Điều 49) gồm: Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; Việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; Nội dung nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
         Về hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định được quy định thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là nội dung quy định mới (Điều 50) mà Nghị định số 04/2015/NĐ-CP không quy định. Như vậy, Luật đã mở rộng thêm quyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ được bàn, quyết định. Giảng viên giảng dạy cần lưu ý để học viên hiểu rõ hơn về quyền của mình trong thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị.
           Thứ ba, bổ sung mục 3. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến.
Nội dung này cơ bản là kế thừa Nghị định số 04/2015NĐ-CP; Luật năm 2022 bổ sung, làm rõ thêm nội dung về dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị; Dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị (nếu có). Cập nhật thêm (khoản 3,4,5,6, Điều 54 về hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến) là điểm mới vào bài giảng.
         Thứ tư, bổ sung thêm mục 4. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát.
Tại Điều 56 - Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã bàn và quyết định quy định tại Điều 49 của Luật này; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, hành vi hành chính của người thực thi công vụ, nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Luật cũng quy định có nhiều hình thức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát (Điều 57).
        Luật năm 2022 quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở: trách nhiệm của các chủ thể gồm chính quyền địa phương cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ tại cơ quan hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; người sử dụng lao động trong việc tổ chức và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với đạo luật này, thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là một khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành những quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, Nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở. Từ đó, cũng đặt ra yêu cầu tất yếu đòi hỏi bộ máy nhà nước phải đẩy mạnh cải cách, thường xuyên đổi mới để ngày càng kiến tạo, có năng lực phục vụ Nhân dân tốt hơn.
          Tóm lại, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở với nhiều điểm mới, là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới. Trong mỗi bài giảng lý luận chính trị, mỗi giảng viên sẽ là những tuyên truyền viên đóng góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa Luật số 10/2022/QH15 thực hiện dân chủ ở cơ sở. Từ đó đặt ra yêu cầu, giảng viên phải nắm chắc các quy định của Luật, soi rọi vào thực tiễn, trao đổi, thảo luận với học viên về những vấn đề đang đặt ra, những vấn đề mới, phát sinh trong thực hiện dân chủ cơ sở để đề xuất giải pháp căn cơ thực thi dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.

           TÀI LIỆU THAM KHẢO
            1. Luật số 10/2022/QH15, ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
          2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021,tập I, II.
           3. Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình đào tạo cán bộ, lãnh đạo quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị).
          4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Học phần Kiến thức bổ trợ, Nxb. Lý luận chính trị, H.2021.

Tác giả: CN. Khúc Thị Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

dangcongsan.vn
hcma.vn
laichau.dcs.vn
laichau.gov.vn
https://danguykhoi.laichau.gov.vn/
Thành viên đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay2,635
  • Tháng hiện tại81,561
  • Tổng lượt truy cập8,894,210
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down