Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên rất quan trọng trong hoạt động thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân.
Tam Đường là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, có dân số trên 5,6 vạn người với 12 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 36,7%, dân tộc Thái chiếm 15,6%, dân tộc Kinh chiếm 15,1%, dân tộc Dao chiếm 9,6%, dân tộc Giáy chiếm 8,2%, dân tộc Lào chiếm 8,0%, dân tộc Lự chiếm 5,4%, dân tộc Hoa chiếm 0,82%, còn lại các dân tộc Kháng, Mường, Tày, Nùng chiếm 0,58% [1]. Đa số người dân sinh sống bằng nghề nông, cư trú phân tán, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật ở một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xoá bỏ. Mặt khác, do sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch nên tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì, bảo vệ và thực thi pháp luật. Chính vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện đóng vai trò quan trọng, cần được tổ chức thực hiện thường xuyên.
Để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn Huyện có sự chuyển biến về nhận thức và tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, góp phần ổn định chính trị và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Tam Đường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan theo chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
Chú trọng phổ biến cho Nhân dân những nội dung cơ bản của Hiến pháp, các luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân. Trong đó, nội dung cốt yếu là những quy định về phòng, chống tội phạm; các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự; phòng, chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người, bạo lực gia đình; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân những nội dung chủ yếu của công tác dân tộc như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề ở nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu; bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng; xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; chăm sóc sức khoẻ, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân cảnh giác trước âm mưu diễn biến hoà bình, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch; củng cố khối đại đoàng kết dân tộc; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh, biên giới; đấu tranh chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, truyền đạo trái pháp luật.
Phòng Tư pháp huyện Tam Đường phổ biến, giáo dục pháp luật
cho Nhân dân bản Đông Pao 1 xã Bản Hon
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, các cuộc họp ở bản, tổ dân phố; tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý miễn phí; hoà giải ở cơ sở; xây dựng các chương trình, chuyên trang, mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp miễn phí tài liệu; lồng ghép trong các hoạt động văn hoá truyền thống. Chỉ tính riêng năm 2022, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện chủ trì, phối hợp với Hội Cựu Chiến binh huyện mở 13 hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho 714 đại biểu; phối hợp với Hội Liên Hiệp phụ nữ và Hội Nông dân huyện tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 2.000 hội viên Hội phụ nữ các xã, thị trấn; Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện thực hiện 76 buổi tuyên truyền với 4.594 lượt người tham gia; biên soạn, thẩm định và phát hành 10.000 tờ gấp pháp luật có nội dung về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai cho Nhân dân tìm hiểu, phát 852 sổ tay hòa giải ở cơ sở và 03 đầu sách pháp luật (Luật hòa giải ở cơ sở, Luật đất đai, Bộ Luật dân sự) cho hòa giải viên nghiên cứu. Biên soạn và phát hành 30.000 tờ gấp pháp luật tuyên truyền về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai, tảo hôn và hôn nhân cận huyết, câu chuyện pháp luật về kết hôn sớm và những tác hại đối với trẻ em phát cho Nhân dân. Công an huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh huyện với trên 22 tin, bài; thông qua hệ thống loa phát thanh xã 63 tin, bài nội dung có liên quan đến âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, kết quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước công dân. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo 100% các đơn vị trường học làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19 cho cán bộ, giáo viên, học sinh tại các buổi họp hội đồng và các lớp học, kết quả, tổ chức được 370 buổi với tổng số hơn 40.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh tham gia học tập. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tích cực tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2022 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức. Kết quả toàn huyện có 9.361 bài tham gia dự thi đạt 04 giải (01 giải nhất tập thể, 01 giải nhì và 02 giải khuyến khích), trong đó 126 hội viên Hội luật gia tham gia, 01 hội viên đạt giải khuyến khích [2].
Phòng Tư pháp phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình
huyện Tam Đường phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh
Trường THCS thị trấn Tam Đường
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, hạn chế như: việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp triển khai tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và kịp thời; đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; phong tục, tập quán, văn hoá, tín ngưỡng của các dân tộc có sự khác nhau, địa bàn phổ biến, giáo dục pháp luật trải rộng; trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu.
Để khắc phục hạn chế, khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn huyện, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân, xác định đây là công tác trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tăng cường phối hợp của các cấp, các ngành và phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện.
Hai là, đa dạng hoá nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hoà các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Về nội dung, bên cạnh việc phổ biến, giáo dục nội dung các văn bản mới, cần tập trung phổ biến những văn bản liên quan trực tiếp đến Nhân dân. Căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng cần tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân.
Ba là, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ tuyên truyền viên. Cần đổi mới công tác chỉ đạo theo hướng sát dân, gần dân, công khai, minh bạch và hướng mọi hoạt động về cơ sở nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để xem xét, giải quyết. Đồng thời, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật phải tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các thành viên, các tuyên truyền viên thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo của từng thành viên theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động. Chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên cấp xã nhất là đội ngũ báo cáo viên là người dân tộc thiểu số am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bốn là, tăng cường hơn nữa quyền tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân vào các dự án luật. Thông qua lấy ý kiến vào các dự án luật nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, ý thức về trách nhiệm pháp lý và khả năng tiến hành các hành vi pháp lý đúng đắn, chính xác.
Năm là, cần ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật, làm căn cứ để khen thưởng, kỷ luật và trả kinh phí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân.
Tài liệu trích dẫn:
[1]. Hội đồng nhân dân huyện Tam Đường (2020), Báo cáo số 19/BC- HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân huyện Tam Đường, Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới.
[2]. Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Tam Đường (2022), Báo cáo sô 26/BC-HĐPH ngày 28 tháng 11 năm 2022 của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Tam Đường, Báo cáo tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.