Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới là một trong những thắng lợi nổi bật vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó gắn liền trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó được thể hiện ở những nội dung cụ thể:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thiên tài về trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh đường lối chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1-9-1939) với sự kiện Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh lan rộng khắp thế giới. Hội nghị Trung ương lần VI (tháng 11-1939), Hội nghị Trung ương lần VII (tháng 11-1940) đã họp phân tích tình hình trong và ngoài nước, các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trước mắt, quyết định điều chỉnh về đường lối và phương pháp cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào chống bọn đế quốc và tay sai. Đặc biệt, ngày 28-1-1941 Hồ Chí Minh trở về nước sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người sáng lập ra Đảng ta nay trở về trực tiếp lãnh đạo cùng toàn Đảng chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Với sự nhạy bén của mình ngay khi về nước, Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ ngày 10 đến 19-5-1941) tại Cao Bằng. Hội nghị đã quyết định cần giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc bởi “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn nǎm cũng không đòi lại được”[1]. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Bác trong giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Hội nghị đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, vạch ra những chính sách cụ thể, sát hợp nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là người có công lao trước tiên trong việc khởi xướng, phát triển và hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, mà đây chính là nhân tố hàng đầu quyết định đến sự thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ hai, nhận định đúng tình hình, xác định kẻ thù trực tiếp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân giành chính quyền.
Trong đêm 9-3-1945, cùng một lúc trên toàn cõi Đông Dương, Nhật đồng loạt nổ súng đảo chính lật đổ Pháp, Pháp kháng cự yếu ớt ở một vài nơi, còn hầu như buông súng, tháo chạy. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Khi Nhật đầu hàng đồng minh (13-8-1945), Đảng ta đã khẳng định, tình thế cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội giải phóng dân tộc ngàn năm có một: “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy! Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” [3]. Cả dân tộc theo tiếng gọi thiêng liêng trên, nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng tám (14-8 đến 28-8-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta đã vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng vận dụng một cách sáng tạo để “lựa tình thế, chọn thời cơ”[2], đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược. Thắng lợi đó cũng chứng minh rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có truyền thống nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính có thể làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới.
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người có vai trò lớn nhất trong việc khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 26-8-1945, Người mở phiên họp đầu tiên với Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận các vấn đề quan trọng. Tại số nhà 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Sau những ngày chuẩn bị khẩn trương, một cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội đã diễn ra tại Quảng Trường Ba Đình chiều ngày 02-9-1945. Trong buổi lễ long trọng đó, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[4].
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc mà ý nghĩa của những tư tưởng đó vẫn còn giá trị lâu dài. Nhiều bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám (1945) của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đó là bài học về sự kiên quyết điều chỉnh đường lối cách mạng khi cần, trên cơ sở phương hướng chiến lược cách mạng đúng đắn, mục tiêu cách mạng nhất quán. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng không ngừng bổ sung, phát triển, cụ thể hóa đường lối cho phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Bài học về chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để giành thắng lợi. Nghệ thuật chớp thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn là bài học cực kỳ quý báu cho cả hiện tại và tương lai, đang được Đảng và nhân dân ta kế thừa, phát huy, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng đất nước. Bài học về tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, tham gia sự nghiệp xây dựng đất nước; nâng cao ý thức tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của dân tộc, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế. Bài học về xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tài liệu trích dẫn
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.30.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tập 7, tr.122.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.596.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3.
Tài liệu tham khảo
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.Lý luận chính trị, H.2021.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, T.I (1930 -1945), Quyển I.Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2018.
3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, quyển 1(1930-1945).