GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự, chủ trì và phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, GS,TS Nguyễn Đức Khương, Phó Trưởng khoa (Giám đốc điều hành) Trường Kinh doanh EMLV và Giám đốc Phát triển quốc tế, De Vinci Higher Education, Pháp, Chủ tịch AVSE toàn cầu.
Điểm cầu trung tâm
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo quốc tế, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Sự kết hợp giữa công nghệ, thể chế và con người trong quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm về chiến lược phát triển rút ngắn và về con đường phát triển “đi tắt, đón đầu” của các quốc gia đi sau, trong đó Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ, nhờ đó, trong những năm qua đã mang lại kết quả nổi bật. Tuy nhiên, Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và trong việc đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Do vậy, Hội thảo này nhằm nhận diện rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số; nhận diện nhu cầu về phát triển lý luận, các lý thuyết luận giải và khái quát thực tiễn về đổi mới sáng tạo; năng lực dự báo và các định hướng, chiến lược và giải pháp chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Điểm cầu tại Trường Chính trị tỉnh Lai Châu
Ngay sau khi kết thúc Hội thảo, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đã thống nhất một số nội dung: (1) Mỗi giảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nhận diện vấn đề, lựa chọn đưa những thông tin, tri thức được chia sẻ tại Hội thảo vào bài giảng cho phù hợp; (2) Lãnh đạo nhà trường, giảng viên tiếp tục đào sâu, nghiên cứu về các động lực và rào cản (chính trị, kinh tế, văn hóa,..) cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Lai Châu nói riêng, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số; (3) Tích cực nghiên cứu để đóng góp vào tư duy chính sách; khuyến nghị chính sách về đổi mới Quyết định số 983/QĐ-UBND, ngày 04/8/2022 về Phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.