Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng nước ta. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, ngay phần mở đầu Người đã nêu 23 tiêu chuẩn thuộc “tư cách một người cách mệnh”, thể hiện qua ba mối quan hệ cơ bản của con người. Cụ thể là: Đối với mình: Cần kiệm; hoà mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại (chịu khó); hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất; bí mật. Đối với người: Với từng người thì khoan thứ; với Đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người; trực mà không táo bạo; hay xem xét người. Đối với công việc: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể. Những phẩm chất này làm thành các giá trị về nhân cách con người, nhân cách làm người.
Sau này, trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” viết năm 1949, Người đã làm sâu sắc hơn ba mối quan hệ này. Đối với mình, không tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ, tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm; tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính; mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Đối với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới; thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết; phải học người và giúp người tiến tới và thực hành chữ Bác - Ái. Đối với công việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà; phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm; bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, kế hoạch, cẩn thận và quyết tâm thành công.
Vậy, đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, và đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên lợi ích riêng. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới với 5 chuẩn mực cơ bản: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời và 19 chuẩn mực cụ thể mà mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn phải tự soi, tự sửa và thực hành trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu này, Đại hội lần thứ XIV của Đảng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là nhiệm kỳ mang tính bản lề tạo thế và lực để nước ta hướng tới những mục tiêu tiếp theo. Do đó, việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng là khâu then chốt cho sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, việc xây dựng nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 là khâu đầu tiên đặc biệt quan trọng của Đảng ta.
Nhìn lại nhân sự Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng, từ thực tiễn, chúng ta thấy còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục bởi “chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng”(1), “chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự”(2). Trong quá trình xây dựng nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng không thiếu những thách thức đang đặt ra đối với đội ngũ cán bộ. “Nhìn chung đội ngũ cán bộ nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín”(3). Tuy nhiên, “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật” (4); “Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” (5). Có thể nói đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội lớn cho chúng ta từng bước xây dựng lên một đội ngũ lãnh đạo mới, một đội ngũ lãnh đạo thực sự liêm chính, thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đày tớ trung thành” cống hiến hết mình vì một Việt Nam hùng cường, để dân tộc Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, vì Nhân dân Việt Nam anh hùng, vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục và phát triển đội ngũ, tìm ra những cán bộ đủ đức, đủ tài thì việc xây dựng nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 giữ vị trí đặc biệt quan trọng, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng.
Các cấp ủy đảng cần cẩn trọng lựa chọn, giới thiệu những nhân sự đảm bảo về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; đồng thời, cũng khẳng định uy tín của tổ chức cơ sở đảng đối với nhân sự do tổ chức mình xây dựng.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của từng đảng viên.
Mỗi đảng viên cần phải có trách nhiệm với từng lá phiếu giới thiệu nhân sự, trên tinh thần “dĩ công vi thượng” tại chi bộ, đảng bộ mình sinh hoạt, khắc phục tình trạng thờ ơ, vô cảm thiếu trách nhiệm với Đảng. Nâng cao vai trò của đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú, nên chăng, chúng ta cần kết hợp song song giữa lấy phiếu xác nhận cấp ủy nơi cư trú với lấy phiếu của đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú (theo quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020) đối với những cán bộ, đảng viên được lựa chọn giới thiệu cho nhân sự đại hội các cấp.
Thứ ba, phát huy vai trò của Nhân dân.
Nhân dân sẽ là người chỉ cho Đảng đâu là những cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, khiêm tốn, cầu thị, giản dị, tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đâu là những cán bộ, đảng viên xa dân, mị dân, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản. Nên chăng, chúng ta cần phải lấy phiếu xin ý kiến của Nhân dân về nhân sự được giới thiệu làm một kênh tham khảo để xem xét và đánh giá.
Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cấp trên.
Cấp ủy cấp trên phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo xuyên suốt của Đảng về công tác cán bộ, bằng việc tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn đúng đắn trong quá trình xây dựng và phát triển nhân sự đại hội Đảng các cấp, trên cơ sở theo dõi, đánh giá hàng năm và cả quá trình của các nhân sự cấp dưới, “lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc” (6), đa dạng và mở rộng thêm các kênh đánh giá nhân sự ngoài tổ chức cơ sở đảng. Kịp thời, linh hoạt trong công tác chuẩn bị nhân sự, kết hợp giữa nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển nhân sự từ nơi khác về khi nhân sự tại chỗ không đáp ứng được uy tín và yêu cầu nhiệm vụ.
Quan điểm “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt lên vị trí hàng đầu. Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, việc lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu đại hội đảng các cấp thì phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc./.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://toquoc.vn/nhan-su-dai-hoi-xiii-van-de-song-con-cua-dang-cua-dat-nuoc-20200726232603399.htm
(2), (3), (4), (5), (6) https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-dau-tien-cua-tieu-ban-nhan-su-102240313141811727.htm
(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 309, 280.